Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Thành ủy Đà Lạt về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2021"...
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Thành ủy Đà Lạt về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2021”; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy đảng, UBND các phường, xã, các cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ rừng đã tập trung tổ chức thực hiện và triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, do đó tình hình vi phạm trên địa bàn đã giảm cả về số vụ, mức độ thiệt hại gây ra đối với rừng, đất lâm nghiệp, đạt và vượt các mục tiêu mà nghị quyết đề ra.
|
Tuần tra bảo vệ rừng ở vùng ven TP Đà Lạt |
TP Đà Lạt hiện có 19.962,2 ha rừng với độ che phủ đạt 51,2%. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 3430 ngày 12/10/2016 về kế hoạch thực hiện nghị quyết của Thành ủy Đà Lạt; đồng thời xây dựng chương trình hành động để thực hiện tuỳ theo nhiệm vụ, chức năng của từng đơn vị. Thành phố đã tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 02 đến toàn bộ cán bộ chủ chốt và yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, đơn vị. Các cơ quan chuyên môn như Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND các phường, xã cũng được yêu cầu tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị này tổ chức tuyên truyền một cách thường xuyên các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn. Song song đó, các đơn vị còn chú trọng tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng tham gia trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán; tham gia phát hiện, ngăn chặn các trường hợp xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Công tác tuyên truyền, vận động trong suốt 5 năm qua được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, nội dung phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng dân cư nên đã đạt được những hiệu quả khá tốt.
Theo thống kê 5 năm qua, Đà Lạt đã tổ chức được gần 100 cuộc tuyên truyền với 2.171 người tham gia; vận động người dân ký 1.880 cam kết không tham gia các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức được 64 đợt tuyên truyền lưu động về công tác phòng cháy chữa cháy rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn 12 phường, xã có rừng. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng từ đó được nâng lên rõ rệt. Số vụ vi phạm, diện tích rừng bị phá và khối lượng lâm sản thiệt hại nhờ đó cũng giảm sâu so với giai đoạn trước. Các vụ việc vi phạm lâm nghiệp cũng được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, đúng pháp luật, nhằm đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh.
UBND thành phố cũng quan tâm củng cố, kiện toàn Đội thường trực kiểm tra truy quét theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, phân công đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế làm Đội trưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt làm Đội phó thường trực và các phòng, ban, đơn vị liên quan làm thành viên. Lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, đồng thời trực tiếp kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, kiểm tra những điểm nóng, nắm tình hình thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng để kịp thời chỉ đạo; kiểm tra thực tế để kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp và UBND các phường, xã.
Công tác trồng rừng trên đất trống, trồng rừng thay thế, trồng rừng sau giải tỏa, trồng cây phân tán nhằm tăng độ che phủ của cây xanh, tăng độ che phủ và chất lượng của rừng cũng được đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2016 - 2021, đã canh tác trồng mới, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng vượt mức Nghị quyết đặt ra, đạt 142% với 852,7 ha.
Với những kết quả đạt được tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, có thể khẳng định rằng, từ khi có Nghị quyết 02 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố Đà Lạt ngày càng hiệu quả hơn. Với nhiều giải pháp phù hợp, kêu gọi được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và sự chung tay, đồng lòng của Nhân dân nên 5 năm qua diện tích rừng trên địa bàn thành phố đang được giữ và phát triển khá tốt. Điều này ngày càng cho thấy được lợi ích mà rừng đem lại, không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đang góp phần bảo vệ tốt cảnh quan và môi trường sinh thái của thành phố.
NGUYỄN NGHĨA