Nhờ khai thác thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó chuyển đổi giống cây trồng là một trong những hướng đi được xã Tân Lâm (huyện Di Linh) đẩy mạnh...
Nhờ khai thác thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó chuyển đổi giống cây trồng là một trong những hướng đi được xã Tân Lâm (huyện Di Linh) đẩy mạnh nhằm xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương. Từ chủ trương đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế như trồng dổi, vải u hồng, sầu riêng, bơ... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
|
Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc nên vườn bơ của ông Cường cho năng suất cao |
Điển hình cho hướng phát triển nông nghiệp này là hộ ông Diệp Văn Tảo (Thôn 2), bà Bùi Thị Thơm (Thôn 7) và ông Vũ Văn Cường (Thôn 10)...
Năm 1995, gia đình ông Vũ Văn Cường rời quê hương Kim Sơn (Ninh Bình) vào xã Tân Lâm, huyện Di Linh lập nghiệp. Để kiến thiết cuộc sống gia đình, ông Cường vừa trồng ngô kết hợp trồng dâu nuôi tằm, từ đó lấy ngắn nuôi dài phát triển cây cà phê, vừa tích cực khai hoang, mua thêm đất đồi để mở rộng diện tích sản xuất. Nhờ đó, đến nay gia đình ông Vũ Văn Cường đã xây dựng được cơ ngơi khá khang trang với diện tích 6,5 ha.
Những năm trước đây, mặc dù gia đình ông Cường đã có nguồn thu khá ổn định với bình quân đạt 25 tấn cà phê nhân/năm, nhưng do giá cả thị trường cà phê bấp bênh nên gia đình gặp không ít khó khăn về nhân công, chi phí đầu tư tái sản xuất và chăm lo cho 4 người con đang ăn học... Sau nhiều năm loay hoay đi nhiều nơi để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững, nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình cũng như điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, ông Cường đã ngẫm ra không gì thích hợp hơn mô hình trồng xen bơ và sầu riêng.
Ông Vũ Văn Cường cho biết: “Sau khi tìm hiểu tôi đã mạnh dạn, quyết định thực hiện mô hình trồng xen cây bơ 034 và sầu riêng trên diện tích 4 ha. Khi cây bơ, sầu riêng phát triển và chuẩn bị bước sang giai đoạn cho trái, tôi đã phá bỏ toàn bộ cây cà phê để chuyên canh cây ăn trái. Năm 2020, từ 4 ha trên đã cho gia đình thu được khoảng 22 tấn bơ, sầu riêng. Dự kiến, trong niên vụ này gia đình tôi thu bình quân 35 tấn quả bơ và 10 tấn sầu riêng”.
Để cây bơ cho năng suất và đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là về chất lượng sản phẩm thì đòi hỏi người trồng phải có kiến thức về khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là khâu chăm sóc. Ông Cường bộc bạch, trước khi cây ra hoa cần phun thuốc trị nấm, còn sau giai đoạn ra hoa tiếp tục phun dưỡng chất canxi và thường xuyên kiểm tra vườn cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh, có giải pháp phòng trừ. Để quả bơ có mẫu mã đẹp cần phải phun xịt thuốc định kỳ, bón phân cân đối. Sau khi thu hoạch cần vệ sinh vườn cây, bón phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, phun chất dưỡng mầm lá và phòng trừ một số bệnh nứt thân, xì mủ, nấm thân, cành...
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và nắm vững kiến thức khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, không những vườn bơ cho năng suất cao, bình quân đạt 2 tạ quả/cây, mà còn cho quả đẹp, thon dài, vỏ mỏng, cơm dày và vàng, bình quân đạt trọng lượng 2 quả/kg.
Với kinh nghiệm và kiến thức có được về quy trình trồng, chăm sóc bơ và sầu riêng; đồng thời để đảm bảo chất lượng, an toàn và đầu ra sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài việc chú trọng chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Vũ Văn Cường dự định chuyển đổi toàn bộ số diện tích cà phê còn lại (1 ha) và 1 ha cây dâu tằm để chuyên canh cây ăn quả.
Biết mô hình chuyên canh bơ, sầu riêng của ông Vũ Văn Cường thành công, nhiều hộ dân trong xã đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và được ông tận tình chia sẻ. Ông Vũ Văn Cường bày tỏ, do hiện nay tại địa phương chưa thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, nên sản phẩm làm ra bà con nông dân chủ yếu xuất bán cho thị trường tự do và bán cho thương lái vào tận vườn thu mua nên vẫn còn tình trạng bị tư thương ép giá.
Ông Vũ Văn Quỵnh - Bí thư chi bộ Thôn 10, cho biết: “Với sự chịu khó tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, năm 2014, gia đình ông Vũ Văn Cường đã đột phá trồng đại trà bơ, sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của bà con là tìm hướng tiêu thụ, nên hiện nay bà con mong muốn xã Tân Lâm cần thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh hợp tác xã để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản của địa phương”.
LAM PHƯƠNG