Phạm Toản (thôn Quế Dương, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) đặt tên cho thương hiệu mật ong của mình là PT Lâm Đồng...
Phạm Toản (thôn Quế Dương, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) đặt tên cho thương hiệu mật ong của mình là PT Lâm Đồng. Trong đó, PT - viết tắt tên anh - chỉ là vế phụ, anh bảo rằng hai tiếng Lâm Đồng mới là vế chính. Bởi với chàng trai sinh năm 1995, chính bạt ngàn những đồi hoa cà phê trắng xóa trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này đã là sự đảm bảo cho mỗi giọt mật ong kết tinh ngọt lành.
Phạm Toản với sản phẩm khởi nghiệp mật ong PT Lâm Đồng |
Với Phạm Toản, nuôi ong lấy mật không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm yêu thích của anh - dẫu có nhiều vất vả. Không may mắn được đi trọn vẹn con đường chữ nghĩa như bạn bè cùng trang lứa, Toản gắn bó với mật ong từ năm 18 tuổi, trong những lần phụ bố mẹ rong ruổi theo đàn ong khi hoa cà phê nở trắng xóa trên các triền đồi.
Chàng trai trẻ bảo rằng, nuôi ong là một nghề mà anh rất thích, nhưng nếu chỉ mãi làm theo cách truyền thống là lấy mật thô rồi bán cho công ty thì giá sẽ rất thấp, người nuôi ong còn thường xuyên rơi vào cảnh bị thương lái ép giá. Với máu kinh doanh từ nhỏ, Toản nghĩ rằng, cần phải hoàn thiện sản phẩm và phân phối cho các cửa hàng bán lẻ, xây dựng thương hiệu mật ong của riêng mình, lúc đó, mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm.
Nghĩ là làm, sản phẩm mật ong thô sau khi thu được, Toản xử lý chất cặn bẩn qua màng lọc và kiểm tra chất lượng, đóng chai và đưa ra thị trường. Từng giọt mật ong sánh vàng được chăm chút kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng. Từ những khách hàng ban đầu là người quen tại địa phương, mật ong của Phạm Toản dần được nhiều người biết đến và kết nối để đưa đi xa hơn. Bắt đầu với 150 thùng ong, năm 2017, khi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ thực tế cho bản thân, Toản tăng số ong lên 400 thùng và duy trì đến bây giờ. Quy trình để có được giọt mật ong sóng sánh, từ chăm sóc ong đến canh hoa nở, lấy mật, lọc mật, kiểm tra chất lượng, đóng chai và hoàn thiện sản phẩm, Toản đều nắm rõ mỗi công đoạn, bởi đến nay, anh đã có 8 năm ròng gắn với mật ong.
Với tư duy của một người trẻ ham học hỏi, Toản hiểu rằng, kiến thức là nền tảng vững chắc nhất cho mọi sự bắt đầu, kể cả là nông nghiệp. Thế nên, năm 2018, Phạm Toản đăng ký tham gia khóa đào tạo khởi nghiệp tại Trường Đại học Đà Lạt. Kết thúc khóa học, anh càng vững lòng tin vì được trang bị thêm kiến thức về kinh doanh, bên cạnh kiến thức vốn có về nghề nuôi ong. Cũng trong thời gian này, anh hoàn thiện sản phẩm về mặt giấy tờ, cơ sở vật chất cũng như đăng ký thương hiệu để đưa sản phẩm ra các thị trường chuyên nghiệp hơn.
Hiện, sản phẩm mật ong PT Lâm Đồng của Phạm Toản đã có mặt trên các kệ hàng tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, quầy đặc sản, tiệm thuốc tây, cửa hàng tiện ích, sân bay,... tại thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận. Ngoài thị trường trong tỉnh, Toản còn đưa sản phẩm đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đắk Nông, Tiền Giang,...
Chàng trai 26 tuổi yêu thích kinh doanh vẫn luôn trăn trở, làm sao để có thể góp phần phát triển nghề nuôi ong theo hướng bền vững, đồng thời tạo uy tín về chất lượng cho người tiêu dùng. “Hiện nay, ý thức chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng tăng nên nhu cầu về sản phẩm mật ong rất cao. Tuy nhiên, một số sản phẩm kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường đã làm giảm đi lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Thế nên, tôi vẫn luôn lấy chất lượng sản phẩm là cơ sở cốt lõi để phát triển” - Toản chia sẻ.
Giữa những khó khăn như diện tích cây cà phê ngày càng bị thu hẹp, thị trường mật ong trong nước lại đang bị bão hoà, gây khó khăn cho việc làm nổi bật sản phẩm, cơ sở sản xuất mật ong PT Lâm Đồng của Phạm Toản vẫn đều đặn đưa ra thị trường hơn 3,5 tấn mật ong mỗi tháng vào thời điểm trước dịch. Hiện, Toản đang liên kết với 4 hộ nuôi ong khác để đủ sản phẩm đáp ứng cho thị trường, với tổng số gần 2.000 thùng ong.
Cuối năm 2020, mật ong của Toản được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chàng trai sinh năm 1995 chia sẻ, dù phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhưng việc tham gia xây dựng sản phẩm OCOP giúp mật ong của anh có điều kiện thuận lợi để tham gia các hội chợ, kết nối và mở rộng thị trường. “Đây cũng được xem như giấy chứng nhận cho chất lượng sản phẩm mật ong của tôi, tạo niềm tin cũng như uy tín cao hơn đối với khách hàng” - Toản cho biết.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, để có được “một vài thành tựu nho nhỏ” như ngày hôm nay - theo cách nói của Toản, đó là một chặng đường muôn vàn khó khăn để tránh thất bại mà Toản vẫn bồi hồi khi nhớ lại. Toản chia sẻ, kinh nghiệm của anh là làm từ nhỏ đến lớn, bước từng bước chậm nhưng thật vững chắc. Hiện tại, Phạm Toản đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện dự định trong năm nay của mình - thành lập hợp tác xã mật ong với 7 thành viên. Đây sẽ là nền tảng để anh tiếp tục khẳng định vị thế của sản phẩm mật ong PT Lâm Đồng trên thi trường và trong lòng người tiêu dùng. Đồng thời, từng bước thực hiện mong muốn đưa mật ong Lâm Hà đủ điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia.
VIỆT QUỲNH