Đà Lạt có địa hình đồi dốc, độ ẩm cao nên rất dễ xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là vào mùa mưa...
Đà Lạt có địa hình đồi dốc, độ ẩm cao nên rất dễ xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là vào mùa mưa. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị đổ ta luy, sập nhà do đào tầng hầm, san gạt đất... tại các công trình xây dựng. Tuy nhiên, tình trạng này hiện vẫn chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là vào những tháng cao điểm mùa mưa nên liên tục xảy ra những sự cố lớn nhỏ rất đáng tiếc, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa tính mạng của người dân.
|
Hiện trường vụ sạt lở tại nhà số 9 đường Ba Tháng Tư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông khu vực |
Mới đây nhất là vụ việc xảy ra vào chiều ngày 4/7, tại nhà số 9, đường Ba Tháng Tư, ngay cửa ngõ đi vào TP Đà Lạt, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại công trình đang xây dựng đã khiến một đoạn đường này sạt lở nghiêm trọng, khiến cả phần vỉa hè của con đường chính cũng bị sạt lở theo.
Ngay sau đó, khu vực phần đường này đã bị phong tỏa, tạm dừng không cho các phương tiện lưu thông vì lo sợ sẽ tiếp tục bị sạt lở.
Bước đầu xác định, khu vực sạt lở đất nằm tại vị trí công trình đang thi công dự án Showroom Toyota Ngọc Anh Lâm Đồng (số 9, đường Ba Tháng Tư, Phường 3, TP Đà Lạt). Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 20/5/2020; chủ đầu tư Công ty TNHH Toyota Ngọc Anh Lâm Đồng; đơn vị thi công Công ty TNHH Xây dựng Thái Minh Hải. Công trình được thi công 3 tầng hầm, 3 tầng lầu. Thời điểm xảy ra sạt lở đất, công trình đang thi công hoàn thiện các vị trí cọc vây thuộc phần móng của tầng hầm được đào sâu khoảng 10 mét. Biên bản ban đầu của các cơ quan chức năng nhận định, do quá trình thi công đào đất, cộng với mưa lớn đã làm sập toàn bộ phần taluy kéo theo hệ thống nước của đoạn đường này bị bể. Vụ sạt lở đất làm vỡ hệ thống thoát nước công cộng và sụp đổ hệ thống cọc neo, cọc vây, dầm công trình..., gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đối với chiều dài hơn 50 mét đường Ba Tháng Tư và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các hộ dân tại khu vực. Nếu không sớm được gia cố lại thì có nguy cơ lớn gây sạt phần đường nhựa lòng đường vì trong những ngày tới được dự báo mưa vẫn sẽ tiếp tục còn kéo dài. Ngoài ra, 2 thùng container được đơn vị thi công dựng ở phía lề đường cũng bị đổ xuống phía dưới hầm của công trình, rất may không có ghi nhận thiệt hại về người. Cơ quan chức năng TP Đà Lạt phải cử lực lượng đến hiện trường để phong tỏa, phân luồng và điều tiết giao thông.
Đây cũng mới chỉ là một trong nhiều vụ sạt lở do những sự cố trong thi công công trình xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt xảy ra thời gian qua. Tuy nhiên, vụ việc đã để lại nhiều điều lo lắng và những câu hỏi lớn về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý an toàn tại các công trình xây dựng, đặc biệt là ở các công trình xây dựng có sạn gạt đất, đào hầm ngầm ở khu vực trung tâm thành phố. Rõ ràng việc đảm bảo về kỹ thuật an toàn xây dựng đã được quy định rất rõ ràng, thế nhưng tại sao các sự cố về sạt lở ở khu vực dân cư vẫn thường xuyên xảy ra mà chưa thể khắc phục triệt để? Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, chấn chỉnh để người dân sống xung quanh các khu vực xây dựng không phải nơm nớp lo sợ nhà của gia đình mình bị ảnh hưởng mỗi khi gần nhà có công trình đào móng, đào hầm, hay lên tầng.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay khi bước vào mùa mưa năm nay, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư; từng bước di dời dân cư đến khu vực an toàn theo quy hoạch. Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị. Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng, yêu cầu người dân, chủ sử dụng thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão. Các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho Nhân dân. Đối với công trình đang thi công xây dựng, phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận...
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tại một số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố mức độ đảm bảo an toàn trong việc sử dụng giàn giáo, cần cẩu trên cao, an toàn chống sạt lở trong biện pháp thi công phần ngầm vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Nhiều hộ gia đình sinh sống gần các công trình xây dựng vào mùa mưa bày tỏ họ mỗi ngày nơm nớp lo lắng vì sợ những rủi ro có thể xảy ra đối với gia đình khi chứng kiến nhiều trường hợp bị nứt tường, sạt ta luy do hàng xóm xây dựng. Đà Lạt đang bước vào những tháng cao điểm mùa mưa, vụ việc xảy ra may mắn không có thiệt hại về người, nhưng có lẽ sẽ là lời cảnh báo để các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, công tác giám sát an toàn, chất lượng thi công các công trình xây dựng. Đặc biệt là công tác kiểm tra chất lượng xây dựng các công trình có tầng hầm, tường chắn đất và ta luy âm dương trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
NGUYỄN NGHĨA