Nằm trong chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, Đà Lạt đã lên kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh cho thành phố trong vòng 5 năm đến.
Nằm trong chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, Đà Lạt đã lên kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh cho thành phố trong vòng 5 năm đến.
Cán bộ và người dân xã Xuân Trường - Đà Lạt đang trồng Mai anh đào trên các đường ranh phân định đất nông nghiệp và đất rừng |
Mai anh đào phân định nông lâm
Trung tuần tháng 6 vừa qua, gần 200 cán bộ, công chức, người dân và học sinh các cấp tại xã Xuân Trường đã đồng loạt ra quân trồng 2 nghìn cây Mai anh đào tại 3 khu vực của Lô 20B, Tiểu khu 165A thuộc địa bàn xã Xuân Trường. Khu vực rừng này do Ban Quản lý rừng Lâm Viên đang quản lý.
“Đây là đợt ra quân đầu tiên của chúng tôi trong năm nay theo kế hoạch trồng cây phân tán do thành phố phân bổ” - ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết.
Xuân Trường hiện có trên 1.400 ha đất nông nghiệp và trên 2.554 ha đất rừng, chủ yếu là rừng thông; nhiều nơi đất nông nghiệp, vườn cây canh tác của người dân nằm ven rừng hay xen kẽ trong rừng. Trước đây, chuyện lấn chiếm đất rừng thường xuyên xảy ra, nhưng cho đến nay, theo ông Bình, nhờ nhiều biện pháp quyết liệt, việc san gạt, cải tạo đất, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã đã giảm hẳn.
“Xã phối hợp với Ban Quản lý rừng Lâm Viên, kiểm lâm địa bàn xác định, định vị cụ thể vị trí, ranh giới giữa đất rừng với đất nông nghiệp của người dân để làm cơ sở đào hố, trồng cây và quản lý số cây trồng này trong lâu dài” - ông Bình đưa tay chỉ các đường ranh đất đang chuẩn bị trồng cây.
Cùng với 2.000 cây Mai anh đào được trồng trên vùng đất giáp ranh đất nông nghiệp với đất rừng, Xuân Trường trong dịp này cũng cấp cho người dân 2.060 cây thông để người dân tự nguyện trồng trên các vùng đất trống vốn là đất quy hoạch lâm nghiệp nằm xen trong vườn. Người dân đã ký cam kết với các ngành chức năng không lấn chiếm đất này. Toàn bộ số cây Mai anh đào và cây thông trồng đợt này do Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cung cấp.
Mục tiêu của việc trồng cây phân định đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp này, như Đà Lạt xác định, không chỉ thêm cây xanh để bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, chống xói mòn mà còn kịp thời ngăn chặn tình trạng ken cây, lấn chiếm đất rừng, lấn chiếm khu vực giáp ranh giữa đất nông nghiệp với đất lâm nghiệp của các chủ vườn. “Các gia đình đã ký cam kết với xã không vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cam kết bảo vệ chăm sóc và quản lý số cây này trên phần đất mỗi nhà, giảm tối đa số cây chết sau trồng. Xã cũng cử Ban Lâm nghiệp xã thường xuyên theo dõi chăm sóc số cây được trồng” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, việc trồng cây tại khu vực Lô 20B, Tiểu khu 165 A chỉ là bước đầu cho đợt trồng cây trong 5 năm đến của xã. UBND xã sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai rộng trên các địa bàn còn lại trong xã. Sau 1 năm xã sẽ nghiệm thu, trong 8 thôn của xã thôn nào thực hiện tốt nhất sẽ đề xuất UBND thành phố khen thưởng 1 công trình từ nguồn vốn ngân sách. Riêng xã cũng sẽ có phần thưởng 50 triệu đồng dành cho thôn làm tốt nhất công tác trồng cây phân tán giáp ranh đất nông nghiệp với đất rừng.
3,8 triệu cây xanh cho Đà Lạt
Đầu tháng 5/2021, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành Kế hoạch 2680/KH/UBND về việc trồng 3,8 triệu cây xanh trên địa bàn thành phố cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong 3,8 triệu cây xanh này, sẽ có 3 triệu cây xanh trồng trên diện tích đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp và 800 nghìn cây trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp.
Với số cây trồng trên diện tích đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp, ngành chức năng sẽ chọn các loại cây phù hợp cho từng khu vực. Chẳng hạn dọc theo các trục đường giao thông trong thành phố, từ vùng đô thị đến vùng nông thôn sẽ ưu tiên chọn các loại cây có tán đẹp, hoa đẹp, chịu được gió bão; thân, cành và bộ rễ phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông, không làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng công trình. Trong các khu dân cư, công viên, vườn hoa, đất công cộng chọn các loại cây cảnh, cây che bóng mát hay cây ăn quả; trong công sở, nhà máy, chung cư, trường học chọn cây cảnh quan, cây che bóng hay cây lấy gỗ; các khu vực đất nông nghiệp có thể chọn cây lấy gỗ, cây ăn quả hay cây che bóng…
Mục tiêu Đà Lạt đặt ra cho giai đoạn 5 năm đến bình quân mỗi gia đình vùng nông thôn trồng được 30 cây xanh, còn khu vực đô thị trồng được 2 cây.
Trong 800 nghìn cây xanh trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp, thành phố sẽ cho trồng mới rừng trên đất trống, loài cây được chọn chủ yếu là thông ba lá; với đất sản xuất nông nghiệp trên vùng quy hoạch lâm nghiệp sẽ cho trồng các loại cây có tán lớn để lấy quả như mắc ca, mít, hay các loại cây lấy gỗ. Thành phố cũng sẽ cho trồng bổ sung để nâng cao mật độ cây tại một số khu vực, nhất là vùng rừng nghèo kiệt để nâng cao chất lượng rừng; cho trồng các loại cây xanh tạo dải phân cách trên đất lâm nghiệp giáp ranh với đất sản xuất nông nghiệp, đất tại hành lang trục giao thông chính để ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất rừng, tôn tạo cảnh quan.
Bên cạnh nguồn ngân sách tỉnh và nguồn ngân sách thành phố chi cho việc trồng cây xanh hằng năm, Đà Lạt sẽ vận động nguồn xã hội hóa, kêu gọi người dân tự mua cây giống trồng cây xanh trong khuôn viên của mình; vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trồng cây xanh phù hợp với cảnh quan được thuê đất từ nguồn kinh phí tự chủ.
Thành phố yêu cầu UBND các phường, xã trên địa bàn xây dựng kế hoạch trồng cây xanh theo lộ trình hằng năm; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn, từng tổ dân phố, các đoàn thể, tổ chức xã hội; tạo điều kiện cho toàn thể các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn cùng hưởng ứng việc trồng cây xanh.
Riêng với các chủ rừng UBND thành phố yêu cầu hằng năm chủ động phối hợp với các phường, xã rà soát lại diện tích rừng; xây dựng phương án quản lý, trồng rừng, trồng cây xanh, không để tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng xảy ra; tổ chức giải tỏa và trồng rừng lại đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; vận động người dân trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích đối với diện tích đang sản xuất ổn định trên đất quy hoạch lâm nghiệp để phục hồi rừng, nâng cao độ che phủ rừng sau khi khép tán.
VIẾT TRỌNG