Là địa phương đi đầu về giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng việc giá đất tăng cao thời gian gần đây có thể tạo trở ngại cho các nhà đầu tư mới cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Là địa phương đi đầu về giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng việc giá đất tăng cao thời gian gần đây có thể tạo trở ngại cho các nhà đầu tư mới cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Lâm Đồng hướng đến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sử dụng ít tài nguyên, tập trung công nghệ giống và chế biến sâu |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, Lâm Đồng hiện có trên 300.000 ha đất nông nghiệp với 3 vùng sinh thái rõ rệt gồm vùng có độ cao dưới 500 m, vùng có độ cao từ 500 - 800 m và vùng có độ cao từ 800 - 1.500 m. Địa phương cũng có lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái nên phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với đa dạng chủng loại nông sản. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước tính bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, các diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Chia sẻ về câu chuyện giá thuê đất “tăng phi mã” thời gian qua, ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn - doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản nhận định giá thuê đất trong dân tại địa phương thường cao hơn nhiều lần so với nơi khác. Ông Đa ví dụ nếu như đất nông nghiệp ở Đắk Nông, Đắk Lắk ở mức 20 - 30 triệu đồng/ha/năm thì tại Lâm Đồng thời gian qua phải lên tới 60 - 80 triệu đồng/ha/năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, chủ doanh nghiệp kinh doanh nông sản Tấn Hiền tại TP Đà Lạt nhận định giá thuê đất tại Đà Lạt tăng cao khoảng 120 tới 280% so với các năm trước, tùy vị trí thuê đất nhưng sự lựa chọn cũng không nhiều vì quỹ đất ngày một eo hẹp. “Giá thuê cao khiến chúng tôi khi mở rộng kinh doanh phải tăng chi phí nhà xưởng, mặt bằng, đền bù khiến lợi nhuận sẽ giảm hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp e lại là điều dễ hiểu” - ông Minh nói.
Tương tự, ông Lê Tấn Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Lộc, trụ sở tại huyện Đức Trọng thì cho rằng, thực sự giá đất hiện nay đã tăng quá cao, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư mở rộng kho xưởng. Như công ty của ông, muốn mở rộng kho bãi thêm 4.000 m2, ban đầu tính toán 2 tỉ đồng thì nay thực tế chi phí phải trên 4 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, do giá thuê đất thời gian qua về cơ bản đều tăng cao nên địa phương có định hướng khuyến khích thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở những dự án sử dụng ít tài nguyên. Trong đó, hướng đến thu hút các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cao, đầu tư vào các dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, mạnh dạn đầu tư theo hướng “đi tắt đón đầu” để áp dụng các công nghệ mới nhất vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, ưu tiên cho công nghệ giống, công nghệ tự động hóa và công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng ở địa phương.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các cơ chế, chính sách, ưu đãi. Các vấn đề như cải cách hành chính, thủ tục luôn được chú trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Địa phương này cũng tổ chức mỗi năm 2 kỳ gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Điều quan trọng hơn, UBND tỉnh cũng triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan còn tăng cường cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn doanh nghiệp thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác quốc tế như ASEAN, WTO, APEC, ASEM… để họ nâng cao năng lực hội nhập, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.
C.PHONG