Rác thải nông nghiệp vẫn ''nhức nhối''

05:07, 08/07/2021

Mặc dù chính quyền đã áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định vẫn diễn ra tại TP Đà Lạt....

Mặc dù chính quyền đã áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định vẫn diễn ra tại TP Đà Lạt. Rác thải, đặc biệt là rác thải nông nghiệp tràn lan gây mất mỹ quan đô thị, nhất là tại một số hồ nước, khu du lịch vẫn còn rác thải đổ về. Mùa mưa đã bắt đầu, kèm theo những cơn mưa lớn và lượng rác thải nông nghiệp hiện đang là vấn đề “nhức nhối”.
 
Thu gom, dọn rác thải nông nghiệp tại hồ Than Thở (Đà Lạt)
Thu gom, dọn rác thải nông nghiệp tại hồ Than Thở (Đà Lạt)
 
Tại hồ Than Thở, một danh thắng lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng ở Phường 12, TP Đà Lạt có lượng rác trôi về rất lớn. Hàng nghìn tấn rác thải, chủ yếu là rác thải nông nghiệp như chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, vỉ xốp, bao nilong... tràn ngập mặt hồ khiến điểm du lịch này trở nên hoang tàn, xuống cấp và ô nhiễm nghiêm trọng. Du khách Võ Xuân Phúc đến từ tỉnh Hà Tĩnh, thất vọng nói: “Check in thì nơi đây là Đồi thông 2 mộ, và biết đây vốn dĩ là Khu Du lịch hồ Than Thở nhưng đến nơi thì thấy rác ngập tràn, quá thất vọng luôn”. Trước cảnh hồ Than Thở “thở than” vì rác làm mất mỹ quan và ô nhiễm, đơn vị quản lý Khu Du lịch hồ Than Thở đã nhiều lần tổ chức thu gom nhưng rồi cũng bất lực. Nguyên nhân là do rác thải nông nghiệp từ đầu nguồn liên tục theo các mương, suối đổ về. 
 
Theo ông Võ Văn Sang - Chủ tịch UBND Phường 12, tình trạng rác thải nông nghiệp bị ngập ứ, rác thải sinh hoạt vứt không đúng nơi quy định đang là vấn đề khiến địa phương mất nhiều công sức. Phường cũng đã tiến hành xử phạt các trường hợp vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định nhưng vẫn không ăn thua, bởi việc bắt quả tang là rất khó. Ông Võ Văn Sang cho biết: “Phường 12 là vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, được thực hiện thí điểm mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Nhưng do địa bàn có một số vị trí gần khu dân cư nên việc thực hiện chưa đảm bảo. Trước đây, chính quyền địa phương chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thì phải xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật”. Nguyên nhân là do các hộ ở dọc theo con suối chảy từ hướng làng hoa Thái Phiên xả rác xuống. Đến mùa mưa, hầu hết các loại túi, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đều theo dòng đổ ra hồ Than Thở. Tương tự, khu vực hồ lắng của Hồ Xuân Hương, rác thải nông nghiệp cũng trôi về mặt hồ do các hộ dân canh tác rau, hoa trong nhà kính đầu nguồn xả thải ra. Mặc dù đã có hệ thống song sắt rào chắn rác nhưng mỗi khi có mưa lớn, một lượng lớn rác tràn qua và trôi vào hồ Xuân Hương.
 
Không chỉ ở Phường 12, tình trạng rác sinh hoạt, rác xây dựng và rác thải nông nghiệp tập kết vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi tại trung tâm TP Đà Lạt, nhất là những khoảnh rừng thông nằm đan xen giữa các khu dân cư, các địa điểm giáp ranh địa giới hành chính giữa các phường, xã trên địa bàn. Dọc hai đường băng của Sân bay Cam Ly (Phường 5, TP Đà Lạt), không khó để thấy những vỏ thuốc bảo vệ thực vật nằm vương vãi, vỏ thuốc được người dân gói vào từng bịch ni lông, nằm chỏng chơ trên đường băng cũ của sân bay. 
 
Trong những năm gần đây, các ngành chức năng đã có các giải pháp thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật như phát động thu gom, đặt các điểm thu gom xử lý nhưng kết quả chỉ đạt chưa đến 5% lượng rác thải ra môi trường. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, lượng rác thải nông nghiệp là bao gói thuốc bảo vệ thực vật hằng năm thải ra môi trường vào khoảng 350 - 390 tấn, tuy nhiên việc thu gom và tiêu hủy chỉ đạt tỉ lệ nhỏ so với số rác thải ra. Từ năm 2018 đến năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức thu gom, tiêu hủy đúng quy định, trung bình hàng năm từ 20,6 - 25,2 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
 
Trước thực trạng đó, chính quyền cũng đã tăng thêm số lượng camera giám sát để có căn cứ xử phạt những người bỏ rác không đúng nơi quy định. Ông Nguyễn Như Việt - Chủ tịch UBND Phường 5, TP Đà Lạt cho biết, thời gian vừa qua phường đã xử phạt hơn 10 trường hợp (1,5 triệu đồng/trường hợp) về hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định. “Phường cũng đã thành lập 14 tổ bảo vệ môi trường thường xuyên đi vận động bà con thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định. Hơn 200 hộ dân trên địa bàn cũng đã ký cam kết không xả rác thải, phế phẩm nông nghiệp ra môi trường.
 
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhiều địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai công tác thu gom đến với người dân, tổ chức, ý thức của người dân đã từng bước được nâng cao, một số bộ phận người dân đã có ý thức tự thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định. Nhiều vùng sản xuất đã xây dựng và đặt các bể thu gom rác tại đầu bờ ruộng canh tác. Tuy nhiên, các hoạt động bảo vệ môi trường vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, không thường xuyên, nên hiệu quả mang lại chưa cao. 
 
Rác thải, rác thải nông nghiệp vẫn là vấn đề đáng quan tâm, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa, chung tay cùng chính quyền để xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.
 
DIỄM THƯƠNG