Tiến hành rà soát, thống kê các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

04:07, 05/07/2021

Tiếp tục thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030"...

Tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã triển khai thực hiện rà soát, thống kê các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
 
Nghề đan lát truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm hấp dẫn du khách
Nghề đan lát truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm hấp dẫn du khách
 
Theo đó, Sở VH-TT-DL đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành trong tỉnh quan tâm, phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn trên địa bàn triển khai 4 nhiệm vụ liên quan. Cụ thể các nội dung bao gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân trân trọng, hiểu rõ giá trị di sản mình đang nắm giữ, từ đó khơi thức tình yêu, niềm tự hào của mỗi người, cộng đồng dân cư khi được sở hữu những giá trị di sản đó. Tổ chức nghiên cứu, nhận diện, định vị, rà soát và thống kê theo biểu mẫu để làm rõ giá trị các di sản văn hóa có trên địa bàn, nhằm bảo tồn, phát triển, đặc biệt là làng nghề văn hóa truyền thống kết hợp du lịch trong thời gian tới. Trong đó, thực hiện rà soát, thống kê theo 7 biểu mẫu một cách chi tiết gồm: danh sách các nhạc cụ truyền thống (tên nhạc cụ, số lượng, hình thức diễn tấu, cá nhân lưu giữ, dân tộc, địa chỉ, hiện trạng: được trình diễn định kỳ - nguy cơ mai một - đã mất); các phong tục tập quán; các lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; trang phục truyền thống; dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số; các nghệ nhân.
 
Qua đó, xây dựng đề án, lộ trình, bố trí nguồn kinh phí, huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa như: mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật trình diễn ngữ văn dân gian, tri thức dân gian; thành lập các mô hình tổ, đội văn nghệ dân gian…; tổ chức lựa chọn và phục dựng lễ hội truyền thống, tổ chức các sự kiện văn hóa, nhằm từng bước đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch để đưa du lịch của tỉnh và của từng địa phương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian trên địa bàn. 
 
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: Việc tiến hành rà soát, thống kê các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số lần này nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, nhận diện, có cái nhìn tổng thể toàn diện nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng huyện, thành. Từ đó làm cơ sở để phát triển toàn diện văn hóa gắn với du lịch Lâm Đồng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn.
 
Danh mục thống kê, rà soát sẽ hoàn thành trong tháng 7/2021. 
 
QUỲNH UYỂN