Vụ sập sê nô nhà cổ, làm 2 người thiệt mạng, lỗi do sơ suất của con người

04:07, 13/07/2021

Kết luận giám định của Sở Xây dựng Lâm Đồng về nguyên nhân sự cố công trình xây dựng tại Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh số 20 Hùng Vương (Phường 10, TP Đà Lạt), làm 2 công nhân tử vong là do lỗi sơ suất của con người…

Kết luận giám định của Sở Xây dựng Lâm Đồng về nguyên nhân sự cố công trình xây dựng tại Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh số 20 Hùng Vương (Phường 10, TP Đà Lạt), làm 2 công nhân tử vong là do lỗi sơ suất của con người…
 
Hiện trường sự cố sập sê nô làm 2 công nhân tử nạn
Hiện trường sự cố sập sê nô làm 2 công nhân tử nạn
 
Theo thông báo kết luận giám định của Sở Xây dựng Lâm Đồng, sau hơn 3 tháng tổ chức kiểm định, giám định, Sở Xây dựng đã có kết luận giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng tại Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh số 20 Hùng Vương (TP Đà Lạt), làm 2 công nhân thiệt mạng. Dự án được khởi công vào ngày 22/12/2020. Đến ngày 9/3/2021, trong quá trình thi công trùng tu công trình, bất ngờ sê nô của khối nhà E bị sập, đè chết 2 công nhân… 
 
Sau khi sự cố công trình xảy ra, ngày 11/3/2021, UBND tỉnh có Văn bản số 1478/UBND-XD2 chỉ đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng xử lý sự cố công trình xây dựng tại địa chỉ trên, đồng thời làm rõ nguyên nhân. Ngày 25/3/2021, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã thành lập Tổ Điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố, đồng thời chỉ định Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Nam Lâm Đồng (số 35 đường Phan Bội Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) thực hiện giám định chất lượng công trình, xác định nguyên nhân sự cố sập sê nô khối nhà E tu viện cổ và đưa ra giải pháp khắc phục. Cùng với đó, tiến hành kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở các hồ sơ liên quan đã được thu thập.
 
Căn cứ hồ sơ, tài liệu, số liệu kỹ thuật được thu thập và các quyết định hiện hành, cho thấy dự án đầu tư xây dựng cơ sở Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tại Đà Lạt (giai đoạn 1), đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng. Còn về nguyên nhân sự cố công trình xây dựng được xác định như sau: Dựa vào các thông số kỹ thuật, khi chưa tháo dỡ hệ mái của công trình do tải trọng của hệ mái và vì kèo đang neo giữ sê nô mái tầng 3 (kết cấu bê tông cốt thép), lúc này momen chống lật lớn hơn momen lật nên sê nô công trình vẫn đảm bảo khả năng chịu lực. Quá trình tháo dỡ mái, dựa vào mô hình phân tích lực, kết quả tính toán cho thấy khi tháo dỡ hệ thống mái, vì kèo mái sẽ dẫn đến triệt tiêu toàn bộ lực chống lật dẫn đến momen chống lật lúc này bằng 0, nên cấu kiện sê nô sẽ bị mất ổn định làm sập đổ, làm 2 công nhân bên dưới bị mảng bê tông của sê nô đè tử vong.
 
Cũng theo kết luận trên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trước hết thuộc về đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng (Cideco), do thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm giám sát công trình trong quá trình thi công xây dựng theo quy định tại Điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ. Cùng với đó, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng, trong quá trình dừng thi công xây dựng khối nhà E chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa sự cố tại khu vực có yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tại công trường, hướng dẫn cảnh báo người lao động nhận diện, theo quy định tại Điều 13, Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ.
 
Căn cứ kết quả kiểm tra, kiểm định nguyên nhân sự cố, nhà thầu thi công và nhà thầu giám sát công trình có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động xây dựng công trình, Sở Xây dựng Lâm Đồng đề nghị UBND TP Đà Lạt lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với nhà thầu thi công và nhà thầu giám sát công trình về hành vi “không có biển báo đề phòng tai nạn, không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường” được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 31, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính Phủ, với mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
 
Riêng đối với Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, căn cứ kết quả kiểm định thì hạng mục công trình khối nhà E thuộc cấp nguy hiểm C, khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Vì vậy đề nghị chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét phương án tháo dỡ phần hiện trạng công trình khối nhà E tạo cảnh quan sân vườn hoặc xây dựng lại theo hình thức kiến trúc ban đầu. Đồng thời, để đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng các hạng mục còn lại của dự án, đề nghị chủ đầu tư tổ chức rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn các khối nhà A, B, C, D báo cáo kết quả về người quyết định đầu tư trước khi tiếp tục thi công công trình.
 
Liên quan đến sự cố xây dựng tại công trình trên, trước đó như Báo Lâm Đồng đã thông tin vụ tai nạn lao động xảy ra lúc 10 giờ 30 ngày 9/3, tại công trình sửa chữa, trùng tu dãy nhà cổ nay thuộc cơ sở của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tại Đà Lạt. Hậu quả, làm 2 công nhân là anh T.Đ.T (31 tuổi), P.T.T (38 tuổi), cùng quê Thanh Hóa tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra sự cố sập sê nô khối nhà E đơn vị thi công đã tháo dỡ hoàn toàn hệ mái, cửa sổ, cửa đi của khối nhà E. 
 
Sau khi sự cố trong xây dựng tại công trình trên xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã buộc chủ đầu tư tạm ngưng thi công, để các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
 
THỤY TRANG