Cấp báo sạt lở kênh thủy lợi Tuyền Lâm - Quảng Hiệp

06:02, 15/02/2022
Qua kiểm tra thực địa tuyến kênh thủy lợi Tuyền Lâm - Quảng Hiệp thuộc địa bàn xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng vừa qua, Đoàn Kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ghi nhận sự cố sụt lún, sạt lở làm gián đoạn khả năng dẫn nước, gây ách tắc tuyến đường quản lý bờ kênh và cấp báo tiềm ẩn các mối nguy hiểm cho người và phương tiện hoạt động khu vực này…
 
Hiện trạng nhiều tuyến kênh Tuyền Lâm - Quảng Hiệp bị sạt lở, sụt lún đất, đứt gãy nhiều nơi, cần sớm đầu tư khắc phục
Hiện trạng nhiều tuyến kênh Tuyền Lâm - Quảng Hiệp bị sạt lở, sụt lún đất, đứt gãy nhiều nơi, cần sớm đầu tư khắc phục
 
•  SẠT LỞ, SỤT LÚN ĐẤT CÓ CHIỀU HƯỚNG PHÁT TRIỂN
 
Hệ thống kênh Tuyền Lâm - Quảng Hiệp có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 1.380 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Liên Hiệp và các khu vực lân cận thuộc huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn Kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vào thời điểm cuối năm 2021, hiện trạng tuyến kênh này không còn hoạt động dẫn nước, trong đó đoạn kênh bị phá hủy hoàn toàn có chiều dài khoảng 20 m, nền đất dưới đáy kênh bị xói sâu từ 3 - 5 m lộ ra các lớp đất cứng còn sót lại. Một số đoạn kênh khác mặc dù chưa bị phá hủy hoàn toàn, nhưng cũng đã bị nứt gãy, dịch chuyển so với vị trí ban đầu lên đến 40 cm. Trong khi đó đường quản lý bờ kênh bị sụt lún, đứt gãy đoạn dài khoảng 20 m, đất bị sạt lở và trượt xuống tuyến đường giao thông phía dưới, tràn ra lòng đường chính với khối lượng lớn, gây cản trở các phương tiện giao thông qua lại. Đáng chú ý ở khu vực taluy âm đã xuất hiện cung trượt do sạt lở đất, hiện đang có chiều hướng phát triển lên sườn dốc tự nhiên phía taluy dương, khoảng cách từ mép kênh bê tông cốt thép bên phải lên đến khe nứt xa nhất là 30 - 40 m. Ở khu vực mái dốc bị lún xuống, khe nứt mở rộng 20 - 30 cm hiện chưa được xử lý. 
 
“Hiện tại phía chủ đầu tư đã can thiệp bước đầu vào sườn dốc tự nhiên bên phải 3 tuyến kênh như: đào kênh đất dẫn dòng để không gián đoạn nước tưới cho vùng hưởng lợi, đào đất giảm tải trong phạm vi khối trượt, đào rãnh thoát nước đỉnh taluy dương, cách xa kênh khoảng 50 - 70 m và dẫn nước ra khỏi phạm vi khối trượt. Các đoạn đường còn lại cũng đã bị trượt và dịch chuyển, có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn đối với người và phương tiện qua lại…”, theo nhận định của Đoàn Kiểm tra thực địa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. 
 
CẦN CẤP THIẾT ĐẦU TƯ KHẮC PHỤC SỰ CỐ
 
 Như vậy, hiện trạng sạt lở, sụt lún đất, hư hỏng của tuyến kênh mương thủy lợi Tuyền Lâm - Quảng Hiệp nói trên không chỉ làm gián đoạn khả năng dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên diện tích 1.380 ha, mà còn đã và đang gây ra tình trạng ách tắc tuyến đường quản lý bờ kênh và tiềm ẩn các mối nguy hiểm đối với người và phương tiện hoạt động trong phạm vi khoảng 250 m. Nếu không được sửa chữa kịp thời, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân quanh vùng, chưa kể hậu quả lũ lụt với những ảnh hưởng khó lường, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. 
 
Qua phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho thấy, tuyến kênh Tuyền Lâm - Quảng Hiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của khu vực huyện Đức Trọng. Bởi vậy để đảm bảo an toàn, đồng thời nâng cao năng lực cung cấp nguồn nước tưới ổn định sản xuất nông nghiệp, từng bước tăng diện tích đất canh tác, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng, việc đầu tư khắc phục sự cố sạt lở tuyến kênh chính Tuyền Lâm - Quảng Hiệp được xem là một dự án cấp thiết, nhằm nhanh chóng khôi phục hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Theo đó, phương án đầu tư khôi phục hoạt động tuyến kênh thủy lợi Tuyền Lâm - Quảng Hiệp vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất xây dựng kênh mới trên móng cọc khoan nhồi, kết hợp sử dụng làm thành kênh tưới để chắn đỡ khối trượt phía taluy dương; tăng cường giải pháp thoát nước ngang cho khối đất sau lưng tường. Phía trên hệ cọc khoan nhồi là bệ móng cọc và hệ kênh đảm bảo khả năng dẫn nước; kết hợp tạo khối phản áp phía trái tuyến kênh bằng tường chắn đất, đảm bảo hiệu quả thoát nước ngầm và ngăn chuyển dịch của hệ tường - kênh. Ngoài ra, ở khu vực mái dốc có thể phủ xanh, trồng cỏ đảm bảo hài hòa với môi trường xung quanh…
 
Dự toán tổng kinh phí đề xuất phê duyệt dự án khôi phục tuyến kênh thủy lợi Tuyền Lâm - Quảng Hiệp khoảng 26 tỷ đồng, triển khai xây dựng hoàn thành trong 2 năm 2022 - 2023. Mục tiêu dự án khôi phục cấp nước tưới cho diện tích 1.380 ha đất canh tác thuộc xã Liên Hiệp và các khu vực lân cận thuộc huyện Đức Trọng. Qua đó, giúp nông dân trong vùng chủ động nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ bền vững môi trường, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
 
VĂN VIỆT