''Không có vùng cấm, không có ngoại lệ'' khi xử lý các vụ việc liên quan đến rừng

05:02, 18/02/2022
Đó là quan điểm, tinh thần và quyết tâm của huyện Đam Rông trong xử lý các vấn đề liên quan đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép.
 
Huyện Đam Rông quyết tâm thực hiện công tác bảo vệ rừng ngay từ đầu năm.
Huyện Đam Rông quyết tâm thực hiện công tác bảo vệ rừng ngay từ đầu năm.
 
Huyện Đam Rông có 66.878 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm hơn 76 % diện tích tự nhiên. Trong những năm qua, Đam Rông đã nỗ lực duy trì độ che phủ rừng 65%; ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng, khai thác khoáng sản trái phép; đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương, tình trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp, tranh chấp đất rừng, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương trong huyện và kéo dài trong nhiều năm; tính chất, mức độ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản ngày càng phức tạp, tinh vi hơn; một số vụ vi phạm nổi cộm xảy ra nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai... còn yếu kém, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không đến được đối tượng cần tuyên truyền, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, yếu kém.
 
Đam Rông là địa bàn “nóng” về vấn đề rừng, để từng bước khắc phục những vấn đề nêu trên, địa phương  đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra. Bà Đa Cắt K’Hương - Phó Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản huyện Đam Rông, cho biết: Địa phương xác định công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng, Ban Lâm nghiệp xã là lực lượng nòng cốt. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần phải có trọng tâm, trọng điểm và có biện pháp căn cơ hơn, quyết liệt hơn. Xác định được mục đích, đối tượng phá rừng, tài nguyên, địa phương nào là chủ yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Khai thác hiệu quả tiềm năng về rừng, môi trường rừng, đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch vùng huyện; phát triển nông - lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và hưởng lợi từ rừng; tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, sai phạm tới đâu xử lý tới đó. Đồng thời, khôi phục và phát triển rừng bền vững trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng theo hướng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa cải thiện môi trường và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. 
 
Nghị quyết số 06 xác định nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và mỗi năm triển khai những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, huyện Đam Rông đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản. Hoạt động này nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản trên địa bàn. Năm 2022, Đam Rông phấn đấu trồng trên 515.000 cây xanh, giảm từ 30% trở lên số vụ phá rừng, diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại và có từ 80% trở lên số vụ phá rừng phải xác định, lập hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm. Kiên quyết chỉ đạo giải toả, thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp mới bị phá, lấn chiếm; giữ vững và nâng tỷ lệ độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 65%.
 
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện uỷ Đam Rông yêu cầu: Các ngành, địa phương trong huyện tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên và có sự sáng tạo để nội dung này được thấm nhuần vào từng thôn, buôn, từng cá nhân; xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu và cấp uỷ chính quyền địa phương. Hạt kiểm lâm, Ban QLR Serepok và Ban QLR Phi Liêng phải xác định là vai trò nòng cốt, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, lấy lại niềm tin của Nhân dân vào lực lượng; xác định rõ trách nhiệm của các hộ nhận khoán, sẵn sàng thanh lý hợp đồng nếu để mất rừng mà không biết; không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý các vi phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm. Ban Thường vụ Huyện uỷ cam kết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có biểu hiện hoặc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng; các cơ quan, đơn vị đặt lợi ích địa phương lên trên hết để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và khoáng sản trong năm bản lề quan trọng 2022.
 
NGỌC NGÀ - HỒNG THẮM