Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thành phố và 10 huyện với 15 đô thị từ loại I đến loại V và có khoảng 537 nghìn cư dân tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn. Khó khăn lớn nhất của tỉnh là hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế trong khi lượng rác thải đưa ra môi trường ngày càng tăng, các bãi chôn lấp hầu hết đều quá tải và không đảm bảo vệ sinh. Để khắc phục hạn chế này, tỉnh đặt ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng sống cho cư dân, tiến tới có trên 95% rác thải đô thị toàn tỉnh được thu gom và xử lý.
|
Thu gom rác thải ở khu dân cư |
•
THỰC TRẠNG CHẤT THẢI SINH HOẠT ĐÔ THỊ
Theo thống kê, tỷ lệ thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 600 tấn/ngày, tương đương gần 95% lượng chất thải sinh hoạt phát sinh. Đối với các đô thị đã có nhà máy xử lý tập trung (thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đơn Dương), rác thải được thu gom và vận chuyển đến các nhà máy để xử lý. Các đô thị khác, rác thải được thu gom và vận chuyển đến các bãi chôn lấp rác thải của huyện. Cách thức thu gom, vận chuyển rác thải chủ yếu bằng xe đẩy tay đến điểm tập kết hoặc điểm trung chuyển CTR (tại các ngõ, xóm, khu phố), sau đó sử dụng xe ép rác chuyên dụng để vận chuyển đến nhà máy xử lý hoặc bãi chôn lấp. Nhìn chung, phương tiện thu gom rác tại các đô thị vẫn còn thiếu và thô sơ.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng, tỉnh hiện có 3 nhà máy xử lý CTR sinh hoạt đã được đầu tư và đi vào hoạt động là Nhà máy xử lý CTR vùng tỉnh tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc với công suất thiết kế 200 tấn/ngày, hiện, công suất hoạt động bình quân khoảng 110 tấn; Nhà máy xử lý CTR vùng tỉnh tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, công suất thiết kế giai đoạn I là 200 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 250 tấn/ngày, nhà đầu tư đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn II với công suất thiết kế 400 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu; Nhà máy xử lý CTR vùng huyện tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương với công suất thiết kế 150 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 45 tấn/ngày. Tại các huyện còn lại, CTR sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp để xử lý. Công nghệ xử lý tại các bãi chôn lấp này không đảm bảo điều kiện bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định, rác thải đổ lộ thiên (không có hệ thống thu gom nước rỉ rác và khí thải) và định kỳ phun thuốc khử mùi.
Có thể thấy rằng, hệ thống thu gom, vận chuyển vẫn chưa phủ kín toàn địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng ven đô thị, vùng sâu, vùng xa dẫn đến chưa thu gom được toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh; phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các bãi chôn lấp chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải và nước rỉ rác; CTR chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh làm ô nhiễm môi trường khu vực. Gần đây, tỉnh cũng đã và đang phải tiến hành đóng cửa, hoàn nguyên 4 bãi chôn lấp rác thải gồm Cam Ly (Đà Lạt); xã Pré, huyện Đức Trọng; xã Gung Ré, huyện Di Linh; xã Đạm Ri, thành phố Bảo Lộc. Song song đó, tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý CTR. Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện có một số nhà máy xử lý CTR đã có chủ trương đầu tư, đang trong giai đoạn triển khai tại Đạ Huoai, Lâm Hà, Di Linh… Tất cả các nhà máy xử lý CTR đầu tư mới trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa và xử lý với công nghệ chế biến phân vi sinh kết hợp đốt, thay vì sử dụng công nghệ chôn lấp không hợp vệ sinh như hiện nay.
• ĐẾN NĂM 2025 SẼ CÓ TRÊN 95% RÁC THẢI ĐÔ THỊ ĐƯỢC THU GOM VÀ XỬ LÝ
Đó là mục tiêu tỉnh đặt ra dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2025. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả tỉnh phải có trên 95% rác thải đô thị được thu gom và xử lý, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện đạt mục tiêu này. Theo đó, Sở đề ra giải pháp xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng tham gia quản lý CTR sinh hoạt , trong đó, chú trọng đến việc tăng cường nội dung giám sát của cộng đồng trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển CTR; từng bước thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại đô thị; xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý CTR sinh hoạt theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt ; xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý CTR sinh hoạt.
Về thực hiện việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, tỉnh đề ra kế hoạch sẽ thực hiện thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn tại các khu vực công cộng, khu du lịch, khu dân cư tập trung. Song song đó, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và các đơn vị liên quan về công tác phân loại tại nguồn cũng như việc tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu phát thải. Bố trí kinh phí đầu tư thiết bị và bổ sung nhân lực cho các đơn vị thực hiện công tác thu gom CTR sinh hoạt tại các địa phương nhằm đảm bảo năng lực thu gom.
Đối với các địa phương đã và đang xây dựng nhà máy xử lý, tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc tiến độ, kịp thời và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư trong quá trình triển khai (vận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường); tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng mới kết hợp cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp hiện hữu. Từ nay đến năm 2025, tỉnh cũng sẽ quy hoạch, đầu tư các bãi lưu giữ rác dự phòng (tại các địa phương có nhà máy xử lý) để các địa phương chủ động trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt; đảm bảo điều kiện lưu giữ rác dự phòng khi nhà máy xử lý gặp sự cố về kỹ thuật, môi trường.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin