Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014. Qua 7 năm triển khai thực hiện, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận từng bước hình thành theo định hướng, hạ tầng kỹ thuật kết nối nội vùng và ngoại vùng từng bước được đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo động lực phát triển giai đoạn tiếp theo.
Thành phố Đà Lạt xanh, sạch, đẹp luôn thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồ án quy hoạch vẫn còn các tồn tại, hạn chế và chưa đáp ứng điều kiện hiện nay như: Dự báo dân số của thành phố Đà Lạt được tính trên tỷ lệ dân số tăng tự nhiên và cơ học không còn phù hợp hiện trạng phát triển dân số tại địa phương. Việc tăng dân số đã gây áp lực rất lớn lên quản lý sử dụng đất, hạ tầng tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Việc tổ chức không gian đô thị, định hướng các chỉ tiêu quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị (chỉ tiêu tầng cao, mật độ xây dựng) chưa sát với thực tế và chưa phù hợp với địa hình tại khu vực. Hệ thống giao thông kết nối các đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt với đô thị trung tâm lịch sử chưa đầy đủ, phù hợp. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo đồ án đề xuất chưa sát với điều kiện thực tế…
Hiện nay, đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành các chương trình hành động theo Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 3/11/2020) có định hướng khác biệt.
Tiếp đó là các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI như: Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển huyện Đức Trọng trở thành thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở Tờ trình 1230 của UBND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét và được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất thông qua tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh và chính thức ban hành đi vào thực tiễn đời sống từ ngày 3/3/2022.
Việc điều chỉnh quy hoạch dựa trên cơ sở kế thừa chọn lọc Đồ án quy hoạch 704, các đồ án quy hoạch đã phê duyệt. Đồng thời, cập nhật các định hướng phát triển mới của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng; định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo các nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2020 - 2025; các dự án phát triển giao thông kết nối vùng thành phố Đà Lạt với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận thành phố Đà Lạt với vùng Duyên Hải, vùng Nam Trung Bộ dự kiến đầu tư trong thời gian tới để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn; các dự án an toàn cấp nước như hồ chứa nước thượng nguồn Đan Kia, hồ Ta Hoét …
Mở rộng phạm vi không gian đô thị thành phố Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu cập nhật, đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại, tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị; chuyển dần không gian sản xuất nông nghiệp trong đô thị thành không gian phát triển các khu chức năng đô thị có giá trị hiệu quả sử dụng đất cao hơn sản xuất nông nghiệp.
Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận không thay đổi, bao gồm: thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.
Nội dung điều chỉnh: Quy mô dân số đến năm 2030 là khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người; đến năm 2050 là khoảng 2.250.000 - 2.300.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa, đến năm 2030 khoảng 76%; đến năm 2050 khoảng 80%... Dân số đô thị, đến năm 2030 khoảng 850.000 - 900.000 người; năm 2050 khoảng 1.800.000 - 1.850.000 người; dân số nông thôn, đến năm 2030 khoảng 250.000 người; năm 2050 khoảng 450.000 người.
Đến năm 2030, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 25.500 - 27.000 ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 8.500 - 9.000 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 3.750 ha; đến năm 2050, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 54.000 - 55.000 ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 18.000 - 18.500 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 6.750 ha.
Cập nhật, điều chỉnh quy mô dân số, dự báo cho thành phố Đà Lạt hiện hữu và các đô thị trong vùng phụ cận gắn với phát triển thành phố Đà Lạt theo hướng mở rộng không gian các đô thị, phát triển đảm bảo phù hợp với tốc độ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ đô thị hóa của các địa phương trong tình hình mới, phù hợp với định hướng của quy hoạch vùng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, quy hoạch mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị phù hợp với điều kiện hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai; xác định vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe trên nguyên tắc kế thừa, phát triển các nội dung trong các đồ án đã được phê duyệt; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính đô thị.
Hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức lập công bố, công khai lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và tiếp thu hoàn thiện đồ án đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành.
Toàn hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Đặc biệt, nỗ lực xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch quốc gia và đô thị di sản.
HÀ NGUYỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin