Bắt đầu vào vụ mùa sản xuất mới, nhưng giá các mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp tăng cao từ việc tăng giá xăng đã khiến nông dân cũng như người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Tài, người dân tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng cho biết do giá xăng tăng, mỗi lần tưới cho 1 ha cà phê phải tốn hơn 2 triệu đồng |
Tính tới ngày 11/3, giá xăng trên thị trường RON 95 đã lên 29.824 đồng/lít, dầu diesel 25.268 đồng/lít,… Như vậy, so với đầu năm, sau đợt điều chỉnh này, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 7.020 đồng; E5 RON92 là 6.900 đồng, dầu diesel cao hơn 7.930 đồng.
Tại thời điểm này, vụ thu hoạch hồ tiêu trên địa bàn đang vào chính vụ nên người nông dân đang gấp rút tìm người thu hái hồ tiêu trong khi giá nhân công tăng cao. Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, tính tới cuối năm 2021 diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 2.000 ha, trong đó, diện tích trồng xen gần 1.200 ha và trồng thuần trên 800 ha. Bà Đặng Tuyết Anh (43 tuổi, ngụ tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) cho biết, gia đình có 5 sào tiêu trồng xen với 1,7 ha cà phê. Mặc dù giá hiện tại bán ra đã có lời, khoảng 79.000 đồng/kg tiêu khô nhưng sản lượng năm nay lại không cao.
“Năm nay, gia đình mất mùa tiêu, vườn tôi chỉ được khoảng 1,6 tấn nhưng nhân công hái thì phải trả 7.000 đồng/kg, hái theo ngày 270.000 đồng/ngày, bao ăn bữa trưa. Trong khi đó, niên vụ vừa qua, giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu tưới tăng cao 50-60% so với năm trước nên trừ các chi phí huề vốn là mừng rồi” - bà Tuyết Anh chia sẻ.
Trong khi đó, ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng đối với việc tưới tiêu cà phê, cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh gần như có tác động tức thì. Ông Nguyễn Tấn Tài (56 tuổi, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) mấy hôm nay liên tục phải đưa máy hút nước, kéo dây tưới bằng pép nước cho vườn cà phê 1ha của gia đình.
Với diện tích cà phê trên, để tưới đủ nước cho đợt ra hoa lần cuối, ông Tài nhẩm tính ít nhất cũng mất hơn 2 triệu đồng/lần tưới, nếu tính cả tiền thuê nhân công. Ông Tài cho biết, với 1ha cà phê cho thu hoạch khoảng 4 tấn cà nhân nhưng chi phí phân, xăng, công lao động, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng nên nếu năng suất năm nay thấp, giá cà phê không tăng thì cùng lắm lấy công làm lời hoặc thậm chí lỗ vốn.
Tương tự như ông Tài, cao điểm mùa khô đã khiến cho nhu cầu chạy máy nổ để phục vụ tưới tiêu cho hoa màu, đặc biệt là cà phê trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Theo nhiều người dân trồng cà phê tại Đức Trọng và Lâm Hà, hiện, giá xăng, dầu tăng vọt đã khiến giá cả nhiều loại mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Nếu niên vụ cà phê năm 2021, một bao phân vô cơ hỗn hợp loại 50 kg trung bình có giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng. Với chi phí sản xuất cà phê tăng cao như hiện nay, người trồng cà phê đã lường trước được một niên vụ càng đầu tư mạnh, càng có khả năng lỗ vốn đầu tư.
Không những vật tư nông nghiệp, giá các loại nông sản cũng biến động mạnh, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng tăng nên cước vận chuyển trên đà tăng theo. Thống kê từ Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm- thuỷ- sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính tới ngày 10/3, nhiều mặt hàng nông sản tại chợ dân sinh đã có sự biến động so với tuần trước. Cụ thể, các mặt hàng nông sản bán lẻ giá tăng cao như xà lách lolo xanh 30.000 đồng, tăng 5.000 đồng/kg; ớt sừng giá 50.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; xúp lơ xanh, bó xôi, hành tây, khoai tây,… đều tăng từ 2.000 tới 10.000 đồng so với tuần trước đó, trong khi các mặt hàng khác giá không tăng nhưng vẫn ở mức cao.
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, mặc dù xăng, dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định sau khi siêu thị tiêu thụ lượng hàng cũ, nhập lô hàng mới. Dự kiến, khoảng cuối tháng 3/2022, các siêu thị sẽ đồng loạt nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao.
Đồng thời, theo cơ quan chức năng, một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022 như: giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…
Theo ghi nhận, không chỉ các mặt hàng nông sản, vật tư thiết lập mặt bằng giá mới, hiện nay cũng như các tỉnh, thành trên cả nước, do giá xăng tăng cao, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang chịu sức ép tăng giá rất lớn. Cùng với giá xăng, dầu và gas tăng, chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành Sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng.
C.THÀNH - V.QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin