Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đức Trọng đã luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Học sinh cần được tuyên truyền về giới tính và phòng, chống xâm hại tình dục |
Theo đó, nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực đã được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện triển khai trong năm. Điển hình như việc phối hợp với các ngành Công an, Tư pháp tổ chức nhiều buổi truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực; phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn trong môi trường mạng xã hội, thu hút hơn 5 ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và học sinh.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng đã triển khai cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em”, với hơn 2.000 người tham gia; xây dựng các mô hình để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, nổi bật là mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, với 15 địa chỉ tin cậy tại 15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Các địa chỉ này không chỉ tư vấn, hỗ trợ kiến thức liên quan đến gia đình, nuôi dạy con; phòng, chống bạo lực cho chị em, mà còn là địa chỉ khi phụ nữ và trẻ em bị bạo hành; tư vấn pháp lý cho chị em phụ nữ... Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ cũng duy trì và nhân rộng 5 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”, CLB “Phụ nữ với pháp luật”, nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật. Riêng tại địa bàn xảy ra nhiều vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em như xã Phú Hội,Hội Liên hiệp Phụ nữ ( LHPN) huyện đã nghiên cứu, xây dựng điển hình mô hình “Phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em” từ tháng 9/2021, với 30 thành viên, nhằm tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và người dân về bình đẳng giới để điều chỉnh hành vi ứng xử với phụ nữ; phụ nữ và trẻ em không chỉ được hướng dẫn, giúp đỡ để bảo vệ mình, mà còn tham gia vào các hoạt động xây dựng, hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục khó khăn, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế...
Mặt khác, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm để các nạn nhân, gia đình nạn nhân hiểu và nhận thức đầy đủ quyền của mình để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, đặc biệt, là việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, tổ dân phố; phối hợp tổ chức trong sinh hoạt ngoại khóa của trường học và sinh hoạt chuyên đề của tổ chức Hội các cấp... Nhất là việc quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều khả năng bị xâm hại.
Theo Hội LHPN huyện Đức Trọng, mặc dù đã quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, song, tình trạng mất an toàn đối với phụ nữ và trẻ em; tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn xảy ra, có những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc trong toàn xã hội. Năm 2021, trên địa bàn huyện Đức Trọng đã có 2 phụ nữ, 16 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại. Nạn nhân của bạo lực, xâm hại có nguy cơ chịu nhiều di chứng suốt đời, tổn hại tinh thần, thể chất, tính mạng và tinh thần.
Từ thực tiễn trên, theo Hội LHPN huyện Đức Trọng, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, Luật Hình sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về bạo lực tình dục và phòng, chống bạo lực tình dục. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, cụ thể, trong đó, chú trọng lồng ghép nội dung truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái vào trong sinh hoạt của thôn, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp.
Ngoài ra, vấn đề truyền thông đối với gia đình, xã hội trong việc bảo vệ trẻ em gái cũng cần được xem trọng. Cần phổ biến hơn nữa quyền của trẻ em để mọi người nhận thức được tầm quan trọng và sự cấp thiết trong vấn đề bảo vệ trẻ em trước những cái xấu, độc hại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Mặt khác, nội dung xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cũng cần được xem là giải pháp mang tính nội lực để phòng, tránh bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục trong gia đình nói riêng. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng, chống nguy cơ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành, của toàn xã hội...
NHẬT MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin