Việc lạm dụng rượu, bia quá mức không chỉ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà còn dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, bạo lực gia đình, là mối hiểm họa trên nhiều phương diện của đời sống xã hội.
|
Lực lượng Cảnh sát Giao thông TP Đà Lạt kiểm tra nồng độ cồn tài xế tham gia giao thông |
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai áp dụng Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ đầu năm 2020; Quyết định số 3400/QĐ-BYT ngày 1/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông;… đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao của đông đảo quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia vẫn còn đó nhiều thách thức cần được các cấp, ngành, địa phương chung tay đẩy lùi, tháo gỡ.
Trong báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2021 của UBND huyện Đơn Dương mới đây, cơ quan chức năng nhận định: bên cạnh việc các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về phòng, chống tác hại rượu, bia thì thực tế việc lạm dụng rượu, bia ở một số nơi, một số đối tượng đã làm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trở thành những vấn đề đáng lo ngại.
“Hiện nay, rượu, bia đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, mua được kể cả ở trẻ em. Tất cả được bán ở quầy tạp hóa, hàng rong, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi, bán lưu động trên phố, quán nước vỉa hè… Khó khăn rất nhiều trong việc quản lý của cơ quan chức năng. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa nghiêm, thuế của những mặt hàng này còn thấp dẫn tới người dân có thể tăng sự tiếp cận quá dễ dàng với rượu, bia cũng gây ra những khó khăn, cản trở trong việc quản lý tại địa phương” - báo cáo của UBND huyện Đơn Dương nêu các khó khăn, bất cập.
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, thống kê đến tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh có 8 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp. Trong đó, Bộ Công thương cấp 1 giấy phép sản xuất rượu với công suất 4,5 triệu lít và Sở Công thương cấp 7 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp dưới 3 triệu lít/năm. Sản lượng rượu sản xuất công nghiệp trong năm 2021 gần 2 triệu lít, chiếm khoảng 18,18% công suất thiết kế. Trong khi đó, sản lượng rượu thủ công trong năm 2021 gần 4 triệu lít, tăng 708% so với cùng kỳ; tiêu thụ trong năm gần 3 triệu lít, tăng 532,3% so với cùng kỳ năm 2020. Có 94 tổ chức, cá nhân được cấp phép bán lẻ rượu với tổng sản lượng rượu mua vào trong năm đạt trên 63 triệu lít, bán ra gần 64 triệu lít.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh, hiện nay, việc quản lý kinh doanh rượu, bia đã thực hiện tương đối đầy đủ với hoạt động bán buôn, phân phối và các đại lý bán lẻ, có giấy phép. Tuy nhiên, việc cấp phép, quản lý bán lẻ rượu trực tiếp đến người tiêu dùng tại chỗ theo quy định của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP còn nhiều khó khăn. Trên thực tế bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân, trong khi thời gian bán, số lượng rượu bán không bị hạn chế.
Những vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình,… liên quan tới uống rượu, bia tại địa phương là minh chứng rõ nét về tác hại của các đồ uống có cồn. Đơn cử như ngành Y tế Lâm Đồng thống kê, trong năm 2021 tại 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 12 trung tâm y tế huyện, thành phố tiếp nhận trên 10.000 ca cấp cứu liên quan tới tai nạn giao thông, trong đó có trên 3.000 trường hợp phát hiện có nồng độ cồn trong máu. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế tiếp nhận gần 4.000 ca cấp cứu liên quan tới giao thông thì có 1.197 trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Riêng đối với các vụ phạm pháp hình sự, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình,… tỷ lệ người vi phạm hành chính cho tới phạm tội hình sự liên quan tới rượu, bia chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, lực lượng công an các cấp làm nhiệm vụ đã phát hiện hơn 12.500 trường hợp vi phạm, phát hiện gần 500 trường hợp tài xế tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép. Đáng lo ngại là phần lớn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông có liên quan lỗi kép từ hành vi đã sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của rượu, bia gây ra, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các giải pháp, đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ đồ uống có cồn, giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu, bia,... theo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, các nghị định liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại của bia, rượu, đưa nội dung phòng, chống vào kế hoạch hoạt động hằng năm vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và tổ chức, giám sát việc thực hiện,…
C.PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin