(LĐ online) - Được góp mặt trong cuộc sống để trải nghiệm và có được nhiều thứ trong cuộc đời là một điều may mắn, diễm phúc. Nhưng sẽ giá trị và ý nghĩa hơn nếu mỗi người biết trân trọng những gì quý giá mà mình cũng như xã hội đang có. Bởi trong thực tế, vẫn còn nhiều người sống lãng phí…
Tất cả những thứ quý giá, đáng trân trọng của con người, dù là giá trị thiên tạo hay nhân tạo, vật chất hay tinh thần, nhỏ bé hay lớn lao, của mình hay của chung,… nếu không được sử dụng đúng mức, hiệu quả, mang lại ý nghĩa tích cực, tốt đẹp thì đều là sự lãng phí. Nếu bình tâm soi xét, chúng ta có thể ngỡ ngàng khi nhận thấy sự lãng phí đang diễn ra ở khắp mọi nơi, hiển hiện hoặc tiềm ẩn. Thật không khó để nhận ra sự lãng phí, cái khó là không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ được thói quen lãng phí!
Mang trong mình tâm lý “Cha chung không ai khóc” hay “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn!”, vậy nên nhiều người không biết xót của chung, lại càng không biết xót của người khác, dẫn tới sự lãng phí đến đáng buồn, đáng tiếc. Ví như, dù đã bị lên án, xử phạt nhưng nạn chặt phá rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản trái phép, đánh bắt động vật theo lối tận diệt,… vẫn diễn ra, dẫn đến hủy hoại, thất thoát nhiều tài nguyên, làm mất cân bằng hệ sinh thái. Ngay đến thói quen sử dụng vừa đủ hay biết tắt các thiết bị điện nơi cơ quan làm việc cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc…
Dễ thấy trong cuộc sống là sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Có nhiều người luôn than không có tiền nhưng lại không chịu khó làm việc để tạo ra tiền bạc, của cải. Họ lười tư duy và làm việc, thay vào đó, phần lớn thời gian dành để ngồi than vãn hay triền miên trong những cuộc vui chơi đến thâu đêm suốt sáng. Có nhiều người làm được nhiều tiền, xứng đáng được tự thưởng cho mình bằng những thú vui, nhưng đôi khi lại quá sa đà, lãng phí… “Thời gian là vàng là bạc”, vậy nên lãng phí thời gian cũng chính là lãng phí tiền bạc, và lãng phí tiền bạc cũng chính là lãng phí thời gian chúng ta đã cố công, vất vả kiếm ra tiền!
Những người cậy mình còn trẻ lại thường lãng phí sức khỏe, với vô vàn những biểu hiện khác nhau. Người sức dài vai rộng nhưng không chịu làm, người thì làm việc quá sức, người lại phá sức vào những việc làm hay thú vui vô bổ… Suy rộng ra và tinh tế hơn, chúng ta còn nhận thấy sự lãng phí chất xám khi ai đó bị giao cho những công việc không phù hợp hay trả công không xứng đáng. Thậm chí, đó còn là sự lãng phí cả tình cảm khi ta lầm trao những tình cảm tốt đẹp cho một tổ chức hay cá nhân nào đó...
Chẳng có tài nguyên nào là vô tận và cũng chẳng ai sống mãi, khỏe mãi để có thể làm được hay hưởng trọn mọi thứ. Vậy nên, đừng lãng phí những gì tốt đẹp, quý giá mà mình đang có. Sống không lãng phí mới có thể tạo nên những giá trị nhân văn, lâu bền cho bản thân cũng như cho người khác!
AN VIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin