Thách thức trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước

05:11, 29/11/2022
Việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đang phải chịu nhiều sức ép lớn khi nhu cầu về nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, trong khi nguy cơ suy giảm nguồn nước cả về số lượng và chất lượng do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa. Nhiều vùng sông, hồ đã bị thu hẹp hoặc san lấp, nguồn nước bị ô nhiễm… Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ đời sống xã hội trong thời gian tới.
 
Đập thủy điện Đan Kia, Suối Vàng
Đập thủy điện Đan Kia, Suối Vàng
 
•  THỰC TRẠNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
 
Lâm Đồng có khoảng 60 con sông, suối với 7 hệ thống sông chính là sông Cam Ly, Đa Nhim, Đạ Huoai, Đa Dâng, Đồng Nai, La Ngà, Krông Nô. Toàn tỉnh đã có 435 công trình, bao gồm 223 hồ chứa nước, 90 đập dâng, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu, cùng với khoảng 1.200 km kênh mương. Trong số 223 hồ chứa nước, có 35 hồ chứa lớn, 60 hồ chứa vừa và 128 hồ chứa nhỏ với tổng dung tích khoảng 242 triệu m3. Đối với các công trình thủy điện, toàn tỉnh hiện đang vận hành ổn định 32 nhà máy, trong đó 1 công trình không có hồ chứa, còn lại 31 hồ chứa bao gồm có 2 hồ chứa đặc biệt, 16 hồ chứa lớn, 5 hồ chứa vừa và 8 hồ chứa nhỏ với tổng dung tích trên 3.000 triệu m3. Tổng số công trình cấp nước tập trung tại các đô thị trên địa bàn tỉnh theo số liệu của các cơ quan chức năng là 18 công trình với tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 120.820 m3/ngày đêm, công suất khai thác mới chỉ sử dụng là 88.440 m3/ngày đêm. Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy là từ các hệ thống hồ và khai thác nước nước ngầm; tỷ lệ khai thác nước mặt 65%, nước ngầm 35%. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 72%, kế hoạch năm 2022 là 74%, đến năm 2025 là 80%. 
 
Bên cạnh đó, theo số liệu của cơ quan chức năng, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 90,1% và tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 32,47%. 
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 276 công trình cấp nước nông thôn tập trung, ngoài ra còn có 33 xã đấu nối với 10 nhà máy cấp nước đô thị và 3 nhà máy cấp nước do doanh nghiệp đầu tư, cấp nước cho khoảng 40.000 hộ theo thiết kế. Các công trình cấp nước tự chảy hiện nay chủ yếu khai thác nguồn nước mặt từ các sông, suối tự nhiên để cấp nước tự chảy có công suất vừa và nhỏ; cấp nước cho quy mô liên xã, xã, thôn có dân số dưới 3.000 hộ. Các công trình cấp nước từ giếng khoan có công suất nhỏ; quy mô cấp nước cho thôn, bản với dân số dưới 100 hộ. 
 
  CÂN ĐỐI ĐỦ NƯỚC PHỤC VỤ DÂN SINH VÀ PHÁT TRIỂN 
 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên nước phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống con người và góp phần đắc lực trong thực hiện mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững nên nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn nước đã được tỉnh ban hành và triển khai trong thời gian qua. Mới đây nhất, với mục tiêu bảo đảm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Theo đó, để bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là cấp nước sạch cho Nhân dân và xây dựng nông thôn mới; để mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước cho mọi tầng lớp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; đặc biệt là tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…
 
Lâm Đồng đặt ra mục tiêu là đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có trên 80% hộ gia đình ở thành thị và 35% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; và giải quyết cơ bản được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế; xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung để cung cấp nước sạch cho Nhân dân. Còn đến năm 2030, sẽ cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu có trên 90% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; bước đầu khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các hồ chứa nước lớn là nguồn cung cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất.
 
NGUYỄN NGHĨA