Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn chiến lược xa rộng, nhưng lại rất thiết thực trong mỗi giai đoạn cách mạng. Người nhận ra sức mạnh yêu nước của Nhân dân ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Người đã nhiều lần nói tới chủ nghĩa yêu nước, truyền thống yêu nước của khối đại đoàn kết dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1-6/5/1952. Ảnh tư liệu |
Sau này, trên diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ 2, Bác Hồ đã nêu lên nhận định khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta”. Thi đua yêu nước, đó là những nội hàm có sức thuyết phục lan tỏa thành năng lượng tinh thần, niềm tự hào, tự vinh dân tộc.
Trong thời điểm giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, chính là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) như một lời hiệu triệu được sự hưởng ứng, đồng lòng của toàn dân, toàn quân bởi Người nói rất rõ, rất cụ thể mà vẫn có sức khái quát, tạo ra sức mạnh cộng hưởng: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Từ lời kêu gọi, ai cũng thấy mình trong đó với sự gắn kết cộng đồng, khơi dậy sức mạnh truyền thống quý báu của dân tộc một trữ lượng tinh thần lớn lao. Ngay với các cháu thiếu nhi, Bác cũng có cách nói riêng động viên thân tình ấm áp trong những câu thơ gửi cho các cháu Tết Trung thu năm 1952: “Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước với những khẩu hiệu, đó cũng là quyết tâm, ý chí được đúc kết thành những kêu gọi như một khúc ca, một tiếng lòng, một tha thiết, một đồng vọng, một đồng lòng dễ nhớ, dễ thuộc cứ ngân vang như một điệp khúc giục giã lòng người: “Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương”. Cho đến nay, trong ta vẫn còn âm vang nhịp điệu thiết tha như một lời reo vui, như khúc hoan ca khẳng định: “Người người thi đua/ Nhà nhà thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Vì thế, một sự cộng hưởng kết nối mà thi đua (chứ không phải ganh đua, như lời Bác Hồ nhắc nhở) đã tạo ra một làn sóng tự nguyện dâng lên lòng tự hào tôn vinh dân tộc với một trầm tích lịch sử ngàn đời, với mạch nguồn văn hóa như một cái neo định vị một thế đứng dân tộc, một cốt cách làm người. Thi đua yêu nước chứng tỏ điều đó đã rạng rỡ như Bác Hồ đã khẳng định đúc kết: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới một cách toàn diện. Các phong trào đó được mang tên gắn với các địa phương tiên tiến thành biểu tượng có sức thuyết phục, thành một ý thức tự nguyện và nhân rộng thành những nhận thức mới, hành động mới. Đó như là những làn gió, làn sóng có sức mạnh lan tỏa khơi dậy lớn lao như Phong trào “Gió đại phong” trong nông nghiệp; “Sóng duyên hải” trong công nghiệp; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục. Đó như là những âm vang điệu kèn xung trận náo nức lòng người, phấn chấn lòng người với những hồ hởi tươi mới tạo đà, tạo nhịp thành một bản đại giao hưởng dưới bàn tay tài hoa bắt nhịp của nhạc trưởng là Bác Hồ kính yêu. Rồi những phong trào từ con số cụ thể rất thiết thực cũng được gắn với những quyết tâm ý chí như Phong trào “Ba nhất” trong quân đội, “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên hay “Ba đảm đang” trong phụ nữ; Phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ” hay “Tìm Mỹ mà đánh tìm Ngụy mà diệt” trong miền Nam, “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” ngoài hậu phương miền Bắc. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng ta làm sao quên được đồng bào Khu 4 đã lan truyền câu nói: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, chỉ đơn giản thế thôi mà chứa đựng sau đó cả một tấm lòng yêu nước, lớn lao, những sự hy sinh lớn lao, những tự nguyện quên mình lớn lao.
Tôi còn nhớ những năm tháng đó, chúng tôi đi học dưới những đường hào giao thông, đầu đội mũ rơm, lán học được đắp bằng lũy đất bao quanh vẫn luôn nghe vang vọng bản tin “Tiếng loa chống Mỹ” lan truyền bởi giọng đọc từ chiếc loa được gõ bằng tôn thô sơ với những thông tin thời sự kịp thời, những gương người tốt, việc tốt điển hình. Và bên cạnh những cuốn sách giáo khoa, chúng tôi lại có thêm những cuốn sách khổ nhỏ trong tủ sách “Người tốt, việc tốt” của nhà trường như: “Vì nước vì dân”, “Dũng cảm đảm đang”, “Việc nhỏ nghĩa lớn”... Sau này, tôi mới biết đó là sáng kiến của Bác Hồ chỉ đạo việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” để mọi người có thể học tập và làm theo. Trong ngôi nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch, trên bàn làm việc, trong phòng họp và phòng ngủ của Người đều có sách “Người tốt, việc tốt”. Trong nhiều năm, Bác đã theo dõi những việc làm tốt hàng ngày của những con người bình thường để gửi tặng huy hiệu của Người. Ôi, tấm huy hiệu mang hình Bác Hồ kính yêu là một tặng thưởng vô giá được đính trên áo nơi có trái tim của mình đập rung lên với những tần số từ tình cảm lớn lao, ân tình, chu đáo và thắm thiết thân tình của Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh Bác được nhà thơ Tố Hữu khắc họa: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Trái tim lớn lọc trong trăm dòng máu đỏ”, đó chính là một động lực lớn lao với tinh thần thi đua yêu nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin