Người ta thường hay nói với nhau rằng: Mọi thứ rồi sẽ qua. Thế nhưng với nhiều người, trong đó có tôi, những điều trong quá khứ, đặc biệt là ký ức về cánh diều tuổi thơ thì không dễ dàng quên đi. Cánh diều của những ngày xa xưa cứ thế đã vận vào tôi như một định mệnh cuộc đời.
Ảnh minh họa |
Tháng Sáu, trời miền Trung nắng vàng rực rỡ. Tháng Sáu, báo hiệu mùa hè đã đến. Mùa này, những đứa trẻ quê tôi có nhiều điều để thương, để nhớ. Ngày hè ươm nắng, những ngày treo tuổi thơ trên những cánh đồng sẽ hằn mãi trong ký ức dù cuộc đời có đưa đẩy đến chốn thị thành hay bất cứ vùng đất nào. Tháng Năm cả trăm nỗi nhớ. Nhưng với tôi, tháng Sáu mới tròn trịa cho nỗi nhớ về tuổi thơ, nỗi nhớ của những ngày hè. Hè về, đó chính là quãng thời gian được chờ đợi, mong ngóng nhất của lũ trẻ ở quê bởi đó là “khoảng dừng hạnh phúc” vì được tạm quên đi những ngày trên ghế nhà trường với bao phép toán, con chữ. Hè về, là thời gian cho những buổi trưa đầu trần đội nắng, là vô số các trò chơi dân gian, những trò tinh nghịch. Hè về, với chúng tôi, không thể thiếu những cánh diều in dấu tuổi thơ.
Viết về cánh diều tuổi thơ, dù có cố gắng trau chuốt ngôn từ, cẩn thận đến đâu trong từng chi tiết cũng không đủ bởi vì tuổi thơ là cả một ký ức ngọt lành khó phai mờ trong cuộc đời của mỗi người. Ngày đó, ở vùng quê, những đứa trẻ nghèo không thể thiếu những cánh diều vào mùa hè. So với cánh diều của hôm nay thì cánh diều ngày xưa của những đứa trẻ nghèo khác nhau nhiều lắm. Không màu sắc sặc sỡ, không dây cước, không hệ thống van, khóa hiện đại mà thay vào đó là con diều được làm bằng thủ công. Thân diều làm từ những trang giấy loại cắt thành miếng nhỏ, dán với nhau bằng những hạt cơm nguội. Diều càng to, càng dài, càng chứng tỏ được “đẳng cấp” và sự “giàu có” về số lượng giấy loại của chủ nhân. Ngày ấy, những đứa trẻ chúng tôi chưa thể tự mình làm được con diều giấy mà phải nhờ đến một người lớn khéo tay trong xóm làm cho. Tuy nhiên, để có được một con diều tung bay trên bầu trời thì những đứa trẻ như chúng tôi phải đồng ý để người lớn “sai vặt” nhiều việc, đại loại như: chăn trâu miễn phí vài ngày, nhổ tóc ngứa vào những trưa hè. Độ đẹp và bền của diều cũng tỷ lệ thuận với số lượng những sợi tóc ngứa mà chúng tôi nhổ cho người lớn. Một sự trao đổi không mấy công bằng và có phần khập khiễng nhưng không một đứa trẻ nào trong chúng tôi đủ bản lĩnh để từ chối vì quá mê mẩn cánh diều.
Làm diều, khó nhất vẫn là công đoạn làm khung. Bộ phận này được làm từ thân tre, trúc, cần phải vót cho thật bóng. Phải là người giàu kinh nghiệm thì mới thiết kế được bộ phận này. Khung diều nặng quá thì gió không thể nâng diều lên cao nhưng nếu nhẹ quá thì diều sẽ bị hỏng, bị bật khi thả lên không trung. Cùng với thân diều thì dây lèo cũng là bộ phận quyết định cho diều bay xa, bay cao. Mọi công đoạn đều có sự căn chỉnh, xử lý một cách hài hòa để diều gặp gió vẫn giữ được thăng bằng. Sau khi hoàn thành cơ bản các bộ phận thì cuối cùng vẫn là việc tìm kiếm dây diều. Thường thì dây diều được bọn trẻ chúng tôi tận dụng những sợi dây từ bao xi măng. Dây càng dài và bền, diều càng bay cao, bay xa.
Diều làm xong, được thả lên bầu trời. Những con diều giấy chở bao ước mơ và khát vọng cùng với niềm vui của những đứa trẻ con nhà nghèo như chúng tôi về nơi bao la thăm thẳm. Cánh diều ngày xa xưa vẫn còn đọng lại, chúng tôi - những đứa trẻ vùng quê một thời đã neo tuổi thơ qua những cánh diều.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin