Dao không nhớ mình tham gia tất thảy bao nhiêu nhóm chat. Nhóm bạn chăn trâu cắt cỏ; nhóm cấp 2, cấp 3, đại học; nhóm công việc chuyên môn; nhóm phụ huynh lớp con; nhóm chị em cây khế… và cả chục nhóm đầu tư chứng khoán, thỉnh thoảng còn phải xóa bớt đi. Chiếc điện thoại cũ, cấu hình thấp thỉnh thoảng lại báo lỗi zalo. Tin nhắn luôn đầy ứ hự. Có khi kéo mòn cả vân tay vẫn không đọc hết mọi người nhắn những gì. Để tiếng tin nhắn không làm phiền, Dao đã phải tắt tính năng thông báo trên tất cả các nhóm chat. Những đêm mất ngủ do hậu covid, Dao thường mở lần lượt từng nhóm chat ra xem. Hàng trăm tin nhắn vẫn chẳng có thứ gì dành cho Dao cả. Chị nhận ra rất nhiều người nhắn trong nhóm chat chẳng phải để tranh luận hay chia sẻ điều gì. Họ cũng chẳng cần ai phải lắng nghe. Như một kiểu giải tỏa cảm xúc. Phải chăng nói với những người xa lạ bao giờ cũng dễ hơn người kề cận bên mình. Dao vuốt ngược màn hình, kéo hộp thư tin nhắn dài dằng dặc để tìm kiếm nick zalo của chồng. Chị bấm vào chỉ để xem chồng mình còn online hay không? Hoặc đã online bao nhiêu phút trước? Dù chẳng để làm gì ngoài những suy nghĩ miên man, không lối thoát…
Minh họa: Phan Nhân |
Trước, Văn là kỹ sư xây dựng, đi miết. Mỗi công trình nhanh thì vài tháng, lâu thì vài năm. Sau này, Văn làm chủ nhiệm dự án, công việc ngày một nhiều hơn. Lúc còn yêu nhau, tháng nào Văn cũng tranh thủ về thăm nhà một lần. Lấy nhau rồi những cuộc về thăm thưa thớt dần đi. Bởi các công trình ngày càng xa hơn, từ Bắc vào Nam. Công việc thì nhiều, những người tin tưởng cũng đã không còn làm cùng nữa. Văn không yên tâm bỏ bê công việc để về, công trình mà bị rút ruột, tội vạ đổ lên đầu anh thì sao mà gánh được. Dao hiểu công việc của chồng nhưng đôi lúc chị không cách nào vỗ về nỗi cô đơn trong mình cả. Khi ngay cả vài dòng tin nhắn hỏi han Văn cũng không làm được. Lúc nhỏ bé Su hay đứng ngẩn người ngoài sân nhìn nắng lấp lánh lọt qua giàn gấc, nhớ bố. Con bé dùng bàn tay nhỏ nhắn phủi đi lớp bụi trên đôi dép đi ở nhà của bố. Cũng có khi con bé vẽ trên lớp bụi một hình trái tim nho nhỏ. Nó hỏi:
- Mẹ ơi, bao giờ thì bố về?
- Khi nào thu xếp được công việc thì bố sẽ về thăm con.
- Mẹ nói y như bố. Người lớn toàn nói dối. Bố đi từ mùa hoa dẻ trước, giờ sang mùa hoa dẻ nữa rồi. Nếu bố gọi về mẹ bảo con sắp quên mùi mồ hôi của bố mất rồi.
Dao ôm con vào lòng, hít hà mái tóc màu hạt dẻ của con. Con bé giống bố cả hình lẫn bóng. Giống từ cái môi cong, mắt vừa to vừa sâu, đôi lông mày sắc nét. Ngay cả cái tính nóng nảy, khó kiềm chế cũng y hệt Văn. Bé Su lên cấp 2, đã cao gần bằng mẹ. Con bé thay đổi nhiều, đã không còn bám rịt quanh quẩn bên mẹ nữa. Con đã đến cái tuổi lúc nào cũng một chân trong nhà, một chân đặt sẵn bên ngoài cửa. Tiếng của con không còn thủ thỉ bên tai Dao nữa, mà lúc nào cũng vẳng lại từ xa. Tiếng theo chân, con chạy tuột ra đầu ngõ vui cùng chúng bạn. Vài lời Dao dặn với theo thường con không nghe tiếng. Hoặc có nghe cũng tai nọ sang tai kia, chẳng bao giờ con để trong đầu. Dao không nghĩ con rời khỏi vòng tay mình sớm thế. Thành ra nhà rộng càng thêm rộng.
Ngày nghỉ, chẳng biết làm gì. Bãi đất sau nhà Dao đã san phẳng, cải tạo chất đất, trồng cây kín cả rồi. Lúc mới mua đất xây nhà Văn đã hứa: “Lần sau về anh sẽ làm vườn”. Nhiều cái hứa như thế trôi qua, Dao không đợi thêm được nữa. Cây cối cần có thời gian vun trồng chăm bẵm chứ đâu phải ngày một ngày hai. Mỗi lần nhìn ra khoảng trống khô khốc, trơ sỏi đá Dao thấy lòng mình nhói đau khó tả. Chỗ bé Su ngồi học ngay cửa sổ, mắt hướng về bãi đất sau nhà. Dao không hình dung được con bé sẽ lớn lên thế nào nếu cứ nhìn vào khoảng trống khô khốc đó. Phải có vài tán xanh dịu mát, có hoa thơm trái ngọt để mẹ con Dao còn níu lấy đợi chờ. Chờ mùa quả mùa hoa dù sao cũng dễ hơn chờ đợi một con người. Cây cỏ thiên nhiên thường không lỗi hẹn.
- Anh cố gắng tập trung làm ăn mấy năm. Anh ngoài bốn mươi rồi. Vài năm nữa nghỉ là vừa. Nghề này dễ đào thải lắm. Anh cũng đâu thể vạ vật theo công trình, ăn xó mó niêu được mãi. Sống cuộc đời tạm bợ trên công trường cực lắm em ơi. Ai chẳng muốn gần vơ,̣ gần con, chăn ấm nệm êm. Đồng tiền bạc lắm.
- Con mình lớn lắm rồi anh biết không? Cả tuổi thơ vắng bố. Em chỉ sợ lúc anh dành thời gian được cho gia đình thì con đã xa chúng ta quá mất rồi. Tiền có bao giờ là đủ đâu anh.
- Anh biết rồi. Anh đã lo liệu mọi việc chu đáo. Em đừng lo…
“Em đừng lo”, Dao vịn vào câu nói ấy đi hết ngày ngắn đêm dài, xuân, ha,̣ thu, đông. Ban ngày, Dao làm việc tám tiếng trong thư viện một trường cấp 2 của thị xã. Công việc không có gì vất vả nhưng nhàm chán. Để giết thời gian, Dao bước vào thế giới mà những trang sách mở ra, đôi khi lạc lối trong đó. Lúc trống trường vang lên, Dao bừng tỉnh trở về với đời sống thực tại. Đón con, đi chợ, nấu cơm mà chẳng có ai để đợi chờ. Chỉ tin nhắn trong những nhóm chat vẫn ứ đầy. Vài người tag tên Dao trong câu chuyện bông đùa tếu táo. Mua mã này, chốt mã kia, thị trường chứng khoán biến động lên xuống, nến xanh nến đỏ cũng giúp Dao bị cuốn theo lúc nào không hay. Đời nhất định phải kiếm việc gì đó để bận rộn. Có bận rộn mới bớt than phiền với Văn những chuyện vụn vặt của đàn bà. Đối với đàn ông, họ thích những phụ nữ im lặng hơn kể lể. Mà Văn thì quá bận rộn, đến hộp cơm có hôm còn nuốt nhanh mắc nghẹn. Đã bao lâu rồi ngay cả tin nhắn chúc mẹ con Dao ngủ ngon cũng không có nữa. Văn nói, anh đặt lưng chưa kịp cầm cái điện thoại lên thì mắt đã sập xuống ngủ quên tự lúc nào.
Trên nhóm chat phụ nữ đang tếu táo: “Tháng này chứng khoán lỗ quá. Làm cả năm không bằng lỗ một phiên. Kiểu này sớm muộn gì chồng cũng đuổi khỏi nhà”. “Thua chứng không phải lỗi của chị. Theo em, lỗi của chị chính là không rủ chồng cùng chơi chứng. Nhà em bây giờ đoàn kết lắm, động viên nhau cùng gồng lỗ đây này”. Dao tự nhiên nghĩ đến chồng mình. Văn không phải là mẫu ông chồng chia sẻ, quan tâm tới vợ từ những việc nhỏ nhoi. Nhưng ít ra Văn luôn ủng hộ mọi quyết định quan trọng của Dao.
Ủng hộ việc Dao làm mà chưa bao giờ phàn nàn dẫu đúng dẫu sai. Lúc biết Dao đầu tư chứng khoán, Văn cười bảo:
- Cũng là một kênh đầu tư tốt nhưng đầy rẫy rủi ro. Em đừng dồn nhiều tiền vào khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Trên sàn chứng khoán mọi bài học đều phải trả giá bằng tiền. Nhưng em thích thì cứ mạnh dạn vừa đầu tư vừa tìm hiểu.
- Anh không sợ em chơi lỗ hết à?
- Tiền mình làm ra mình có quyền sai lầm mà em.
Thỉnh thoảng sau những đợt thị trường biến động mạnh, rơi hàng trăm điểm, Văn có nhắn hỏi: “Em ổn không?”. Văn không có mặt cạnh bên những lúc chị cần nhất. Như khi sinh bé Su, nội ngoại ở xa không đến kịp, Văn thì bận công trình mãi trong Quảng Nam. Mình Dao bắt xe đến viện, chỉ mong đẻ thường được để mẹ con tự chăm sóc cho nhau. Con đầy tháng, Văn mới về nhà. Nhưng nhìn vào trong chiếc balo bạc phếch Văn khoác về thấy lọ chống hăm, chống muỗi, D3, mấy bộ quần áo xinh xinh cho con; lọ kem dưỡng da, kem chữa rạn bụng, thuốc lợi sữa mua cho vợ, Văn để chật ních cả ba lô. Chỉ cần thế thôi cũng đủ khiến Dao thấy mủi lòng, không còn thiết tha gì chuyện hờn dỗi nữa. Vài lời bóng gió xa xôi bạn bè Dao vẫn nói: “Biết đâu ông ấy bồ bịch bên ngoài. Dân công trình cơm chợ vợ đường. Đừng có tin tưởng quá”. Dao có cô đơn thật đấy nhưng chưa bao giờ thiếu tin tưởng ở Văn. Nếu đến cả niềm tin còn không có cho nhau, thì chẳng phải cuộc sống này đã quá nghèo nàn…
***
Một sớm cuối tuần mùa hè, lúc Dao đang nhặt cỏ ngoài vườn thì chuông cửa vang lên. Bé Su lúi húi chơi với chú chó mông cộc sau vườn vội vàng chạy ra mở cửa. Con bé vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy người bố đen đúa, bụi bặm của mình đứng ngay trước mặt. Con gấu bông cỡ lớn che gần hết khuôn mặt của Văn. Con bé hét lên: Bố về! Rồi chạy lại ôm chầm lấy bố. Thấy chú chó cộc sủa ầm ĩ, Su bảo:
- Bố đi lâu thế đến con chó còn không nhận ra chủ nữa kìa.
- Bố chẳng sợ con chó quên mình. Bố chỉ cần con gái không quên bố.
Su đỡ con gấu bông từ tay bố sung sướng chạy vào nhà. Dao chạy ra, tay chân đầy đất cát vẫn chưa kịp rửa.
- Sao anh về đột ngột mà không báo gì cho hai mẹ con thế?
- Thì anh muốn về bất ngờ xem có xin được hai mẹ con bát cơm nào không?
- Em còn chưa kịp nấu đây này. Sáng giờ em cứ mải làm vườn.
Văn đi ra vườn. Ngỡ ngàng thấy mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi hôm nào đã mướt xanh. Góc trồng rau, góc trồng cây ăn quả và đủ loại hoa chạy dọc ven vườn. Anh nhận ra mình đã xa nhà lâu quá. Lâu đến mức đất đai đã kịp đổi màu. Ngó sang bên cạnh thấy vợ mình đã gầy đi trông thấy, tuổi tác đã hằn trên khuôn mặt đầy vết tàn nhang. Văn ôm lấy Dao, lúc chị đang đứng xào rau. Mùi tỏi phi thơm đến cồn cào.
- Tụi mình sinh thêm một đứa con nữa được không em? Để sau này Su không phải lủi thủi một mình.
- Sao anh không nghĩ đến việc này sớm hơn. Em đã gần bốn mươi tuổi rồi đấy. Còn anh cũng sắp năm mươi. Nghĩ đến cảnh một mình chăm con nhỏ khi anh vắng nhà, em thấy sợ.
- Anh sẽ không đi nữa, bấy nhiêu năm xa nhà đã quá đủ rồi. Anh sẽ ở nhà, mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, quanh quẩn bên mẹ con em.
Dao tắt bếp, chẳng hiểu sao nước mắt cứ thế rơi. Những giọt nước mắt không rõ là buồn tủi bao ngày chỉ chờ cơ hội trào ra. Hay đó là giọt nước mắt hạnh phúc khi nghĩ đến những bữa cơm đông đủ gia đình. Nghĩ đến ước mơ của bé Su được bố chở tới trường và đón về khi tan học cuối cùng sắp thành hiện thực. Nghĩ đến những mùa hoa, mùa quả trong vườn được cùng nhau chờ đợi. Nếu không từng trải qua những tháng ngày cách xa đằng đẵng, chờ đợi mỏi mòn thì chắc gì Dao đã hiểu được thứ hạnh phúc bình dị ấy đáng quý nhường nào…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin