Thành công chuyển đổi số thời gian qua đã có tác động rõ rệt, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lâm Đồng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, văn hóa di sản, bảo tồn bảo tàng, thư viện.
Ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn bảo tàng nhằm phát huy các giá trị di sản |
Ngay từ năm 2015, ngành đã thực hiện quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn toàn tỉnh trong việc đăng ký khách lưu trú tại website https://quanlyluutru.lamdong.gov.vn, giảm thiểu được các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức trong công tác khai báo khách lưu trú. Đến nay, đã cấp tài khoản cho trên 3.800 sơ sở lưu trú để thực hiện việc đăng ký qua mạng, vừa có thể thống kê, quản lý cơ sở lưu trú và lập báo cáo về khách du lịch (lượt khách, loại khách, ngày lưu trú bình quân, công suất sử dụng phòng...) một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Thực hiện đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025” với nhiều nội dung: Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; Thành phố wifi; Bản đồ du lịch thông minh; Kho dữ liệu tập trung và hệ thống báo cáo ngành du lịch; Hệ thống phân tích du lịch thông minh. Ngoài 2 website chính thức về du lịch đang vận hành là https://svhttdl.lamdong.gov.vn/ và https://dalat-info.gov.vn/, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã phối hợp xây dựng thêm kênh thông tin chính thức, đậm nét và phong phú giúp cho du khách nhanh chóng có những lựa chọn phù hợp cho một chuyến du lịch đến TP Đà Lạt qua Cổng thông tin du lịch https://dalat.vn và phần mềm ứng dụng du lịch Dalat City. Du khách chỉ cần tải ứng dụng DaLat City trên App Store (IOS), hay Google Play (Android) hoặc truy cập trang dalatcity.org trên các thiết bị có kết nối internet thì sẽ cập nhật được tất cả thông tin chính thống về du lịch địa phương.
Cổng thông tin du lịch https://dalat.vn và phần mềm ứng dụng Dalat City đến nay đã cập nhật 1.284 khách sạn, cơ sở lưu trú; 778 nhà hàng; 613 địa điểm du lịch, tham quan, giải trí; 85 địa điểm mua sắm, và 523 địa điểm tiện ích công cộng (danh bạ công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe,...) và các thông tin về tỷ giá, thời tiết... Du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet, từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về TP Đà Lạt thông qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch; đặt vé, phòng khách sạn qua mạng; tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trên suốt lịch trình; nhận các thông tin sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ của du khách khi đến tham quan nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Đường dây nóng 19001067 cũng sẽ hỗ trợ du khách giải quyết các vấn đề phát sinh khi du lịch tại Đà Lạt... Tổng số lượt truy cập Cổng thông tin du lịch là 1.470.173 lượt. Tổng số lượt tải ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh là 23.524 lượt.
“Thành phố Wifi” đã được lắp đặt đưa vào sử dụng tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Quảng trường Lâm Viên, Chợ đêm, vòng quanh Khu Hòa Bình, Vườn hoa Thành phố, Bến xe Liên tỉnh, Bến xe Thành Bưởi, Siêu thị Big C,... với năng lực phục vụ lên đến 50.000 lượt truy cập wifi miễn phí mỗi ngày.
“Bản đồ du lịch thông minh” đã tích hợp bản đồ và bản đồ camera trên Cổng thông tin https://dalat.vn/ và phần mềm ứng dụng du lịch thông minh Dalat City, trong đó cập nhật các địa điểm về: tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí,... các thông tin, hình ảnh kết hợp công nghệ AR, VR, mô hình 3D giúp du khách dễ dàng tham quan các địa điểm, lập kế hoạch du lịch, có nhiều cơ hội trải nghiệm khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
Ứng dụng công nghệ số giúp du khách dễ dàng tìm kiếm các điểm du lịch cần đến. Ảnh: Chính Thành |
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng 2030 của UBND tỉnh, ngành đã từng bước hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin Thư viện Lâm Đồng với Thư viện Quốc gia và các thư viện trong và nước. Nâng cấp, hoàn thiện trang thông tin điện tử Thư viện Lâm Đồng theo hướng hiện đại gắn với triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa. 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng và Thư viện Lâm Đồng thu thập, quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, trường đại học, cao đẳng và trung cấp khác trên địa bàn tỉnh được thu thập và quản lý được số hóa; 60% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của các thư viện huyện, thành phố được thu thập và quản lý được số hóa. Phát triển thư viện số, ngành đã thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc, phát triển văn hóa đọc.
Đến nay, ngành VH-TT-DL đã thực hiện 100% văn bản được ứng dụng chữ ký số khi luân chuyển văn bản điện tử qua môi trường mạng; áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và dịch vụ công toàn trình, chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính 410/412 hồ sơ.
Thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số, thời gian tới ngành VH-TT-DL sẽ ứng dụng thuyết minh tự động tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, và hướng tới ứng dụng vào các di tích nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiến tới thực hiện số hóa trong công tác bảo tồn bảo tàng, số hóa các di tích lịch sử, văn hóa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin