Càng có tuổi, người ta càng nghĩ về quá khứ. Tôi nghe nhiều người nói thế và thấy rất đúng với cha mình. Hằng năm, cứ mỗi dịp đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn là cha lại nhớ về những tháng ngày chiến chinh, binh lửa. Thời gian xa lùi, dấu xưa phai nhạt, cha tôi thường lặng lẽ bên chiếc cặp da cũ kĩ, chắc đã hơn 40 năm. Chiếc cặp chứa nhiều kỉ vật, gợi nhắc biết bao kí ức khó phai mờ của một thời cha đi bộ đội.
Ông bà nội có tám người con, nhưng hai trong số đó đã mất từ nhỏ. Còn lại sáu anh em trai, ai cũng to cao, khỏe mạnh. Cha tôi là con út trong nhà, theo cách gọi ở quê là thứ 9. Lần lượt các bác: Hai, Bốn, Năm, Sáu đều tham gia cách mạng; riêng bác Bốn tập kết ra Bắc từ cuối năm 1954, mãi sau năm 1975 mới trở về. Vì cha tôi là con út nên ông bà nội muốn cha ở nhà lo việc ruộng đồng, trông coi nhà cửa, chăm sóc ông bà, để những người anh an tâm công tác. Tuy nhiên, theo lời cha kể lại, cha chỉ muốn đi bộ đội như các anh, các bác. Ông bà nội có lo lắng nhưng cũng đành chấp nhận để cha đi, dù lúc này không còn người con ruột nào ở nhà!
Năm 1965, cha vừa tròn 20 tuổi là thoát li tham gia kháng chiến. Trực thuộc quân khu V, đơn vị của cha đóng quân từ Đà Nẵng - Quảng Nam cho đến Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Suốt dọc dài hành quân chiến đấu, nay miền duyên hải, mai đến núi rừng Tây Nguyên, có khi lằn ranh sinh tử mong manh như một làn khói. Chiến tranh kết thúc, cha mới lập gia đình khi đã hơn 30 tuổi. Năm 1982, cha xin xuất ngũ, rời phố núi Pleiku, dù đã gắn bó 18 năm trong môi trường quân đội. Lúc này, cuộc sống thanh bình nhưng gia đình quá đơn chiếc, một mình má phải lo cho ba đứa con nhỏ nên cha đành trở về trong nuối tiếc!
Những kỉ vật đời lính của cha là chiếc ba lô, bộ đồ lính, sợi dây thắt lưng, đôi giày hoặc chiếc mũ cối có gắn ngôi sao, đều đã cũ rách sau 40 năm dài đằng đẵng. Tuy nhiên, cũng có kỉ vật còn nguyên vẹn, nằm trong chiếc cặp da từ thời chống Mỹ. Đó là giấy tờ tùy thân, những giấy khen, bằng khen, huân, huy chương các loại. Dù cho nét chữ bị mờ nhưng tôi vẫn còn thấy rõ bút tích của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ kí khen tặng cho cha. Cha tôi nâng niu, gìn giữ cẩn thận nhưng vẫn không tránh được sự mai một của thời gian. Riêng chiếc bi đông, tuy sờn bạc lớp ngoài nhưng vẫn còn tốt, cha thường đựng nước khi đi làm ruộng. Đặc biệt nhất là mấy tấm ảnh trắng đen chụp những người bác ruột cùng với cha tôi thời trai trẻ. Mỗi khi nhìn lại, cha đều xúc động rưng rưng. Cha chỉ vào bức ảnh là bác Hai, bác Sáu đều đã hi sinh và hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác. Bác Ba thì đã mất lâu rồi, còn bác Bốn và bác Năm đều gần 90 tuổi, cha tôi là em út mà nay cũng đã già...
Thật tình, khi rời quân ngũ trở về, cha chỉ lo nghĩ đến miếng cơm, manh áo cho gia đình. Thậm chí, bao nhiêu mùa bão lụt đi qua, nếu không kịp thời bảo quản thì nhiều giấy tờ đều bị hư hỏng hết. Rất may, và đặc biệt vui đối với cha là khi cơ quan quân sự đến hướng dẫn làm hồ sơ để nhận trợ cấp hằng tháng cho đối tượng quân nhân theo NĐ 142/2008/QĐ-TTg, thì những kỉ vật tưởng như vô tri vô giác ấy đã nói thay tất cả. Cha tôi mừng đến nghẹn ngào, ông hiểu rằng đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với những người lính đã dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Đặc biệt, thiêng liêng là bà nội được Nhà nước truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, được cấp kinh phí để tu sửa phần mộ và các khoản lo hương khói cho bà. Phận con cháu, tôi rất tự hào và biết ơn tất cả!
Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, mỗi sớm mai bên chén trà rôm rả nơi góc sân, cha tôi và những người bạn già đều mừng vui khi thấy đất nước được yên bình, quê hương ngày càng phát triển. Tuổi xế chiều, cha tôi càng nâng niu những kỉ vật đời lính. Và mỗi khi nhìn ngắm chúng, cha như sống lại kí ức hào hùng của một thời trai trẻ. Và rồi, cha cũng không quên nhắc nhở cháu con về lí tưởng, lẽ sống, truyền thống gia đình, hình ảnh đẹp rạng ngời của người lính bộ đội Cụ Hồ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin