Chuyện người chăn bò

Truyện ngắn: VÕ TRẦN PHÚ 06:34, 25/01/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Gió mùa đông bắc tràn về, thời tiết trên cao nguyên Lâm Viên thêm giá rét. Lúc này, mặt trời đã lên cao hơn một sào, những đám sương mù đặc quánh kết chặt dưới thung lũng sâu. Cầm chiếc roi bò trên tay, Nam lẩn thẩn bước đi dưới tán rừng thông lòng miên man nhớ về quê nhà. Cậu thầm nghĩ: “Không biết giờ này mẹ và hai em sống ra sao? Nhất là những ngày giáp Tết, thằng Việt và con Vân có được mẹ mua áo mới như những năm cha cậu còn sống”. Những hình ảnh đau thương, đói rách cứ hiện về trong đầu óc của cậu bé mới 11 tuổi đầu.

Nam nhớ lại, hình ảnh cha anh lúc chết, mặt đầy máu me dưới căn hầm sau bụi tre. Hôm ấy, thằng Một là thành viên trong đội du kích, do xích mích, mâu thuẫn chuyện tình ái nên bị tổ chức kiểm điểm, y bất mãn đi đào ngũ chạy theo giặc. Hắn dẫn bọn công an, cảnh sát áo trắng và một toán dân vệ vây ráp quanh nhà, chúng khui hầm bí mật, kêu gọi đội du kích đầu hàng. Ông Năm Lai - cha của Nam - chống cự quyết liệt. Chúng ném lựu đạn xuống hầm, ông chụp ném lại, về sau một trái vướng phải cửa hầm rơi ngược lại nổ tung khiến cả đội du kích tử vong.

Căn nhà tranh mục nát, trống huơ, trống hoác, gió vào cửa trước lùa phên sau, trong nhà không có vật gì đáng giá một xu. Hằng ngày, người dân ở xóm cây Bàng thường thấy ba đứa nhỏ con ông Năm Lai lang thang dắt dìu nhau ra đám ruộng khoai, bãi sắn bòn mót, đào bới những mẩu khoai mầm, những khúc sắn khô còn sót lại… mang về luộc lên, ăn đỡ cầm hơi đợi mẹ tối về có tiền đong gạo. Từ ngày mất cha, một mình mẹ lo toan, tảo tần ngược xuôi mua hàng chợ lớn về bán lẻ cho bà con cuối xóm trên, đầu xóm dưới. Trên đôi vai gầy lúc nào cũng nặng trĩu đầy ắp dưa, cà, bí đỏ, bí xanh, thịt, cá, mỗi thứ một ít. Dù gánh nặng đường xa nhưng không hề than vắn, thở dài, nhưng trong thâm tâm lúc nào ưu tư cũng trĩu nặng với nỗi đau mất chồng, con không có cha và cái đói cứ dày vò rình rập. Ấy vậy! mà những ngày giáp Tết, bà theo bạn bè buôn chuyến, mang hàng nào là quần áo, dép guốc, thực phẩm ngược sông Thu Bồn lên vùng cao hòn Kẽm đá Dừng, Tý Sẻ Dùi Chiên (thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), bán hàng cho bà con. Lúc xuôi thuyền về đầy ắp chuối, cam, cau, trầu bỏ mối cho chị em tiểu thương chợ Phố. Có đồng vào, đồng ra, bà sắm cho ba anh em mỗi đứa một bộ đồ mới. Trên bàn thờ ông Năm cũng có đòn bánh tét, một đĩa mứt, trái cây, xôi chè và ổ bánh tổ (một loại bánh bột nếp đặc sản của người dân quê Quảng Nam) và giấy tiền vàng bạc cùng với nhang đèn.

Cô Tư, chị ruột của ông Năm Lai, lấy chồng xa xứ, hôm nay mới có dịp về quê thăm bà con họ hàng. Thấy hoàn cảnh neo đơn, nghèo khó của cô em dâu mà thêm xót xa trong lòng. Tối hôm ấy, cơm nước xong, hai chị em hàn huyên tâm sự. Cô Tư thở ra một hơi dài rồi mở lời đề nghị:

-Thấy hoàn cảnh của mợ và các cháu, chị cầm lòng không đặng. Bây giờ như thế này, em cho thằng Nam đi với chị vào Đà Lạt, ban ngày nó đi coi bò cho nhà chị, tối đến các anh, các chị sẽ chỉ vẽ cho nó học thêm chớ để việc học hành dang dở thì tội nghiệp cho cháu sau này.

Nghe đến đây, ánh mắt người thiếu phụ trở nên sáng hơn, trong lòng chị mừng thầm “nhà đở được miệng ăn, con được học hành, quần áo không phải sắm, hàng năm có tiền gửi về đỡ đần”. Nhưng lòng người thiếu phụ đầy ưu tư, không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Thương con quá đi thôi, mới chừng ấy tuổi đầu đã rời xa mẹ, có lẽ ông trời đã vận vào gia đình này.

- Chị nói vậy nghe được không? tiếng cô Tư. 

Một thoáng giật mình, vợ Năm Lai ứ ừ…

- Chị thư thư để em suy nghĩ lại, rồi thưa với chị sau.

Hôm tiễn con đi theo cô Tư vào Đà Lạt, trên khuôn mặt và khóe mắt hằn vết chân chim của người thiếu phụ nhạt nhòa nước mắt. Hai đứa em lưu luyến nắm tay anh, dùng dằng không muốn cho Nam đi. Chiếc xe lăn bánh vù vù trên đường làng, khói bụi mịt mù, Nam ngoái đầu nhìn lại bóng mẹ và hai em xa dần khuất sau rặng tre. Giờ đây, cô Tư là người thân duy nhất nơi xứ lạ quê người.

***

Nhà cô Tư ở vùng ven thị xã Đà Lạt, nơi đây giáp với rừng đầu nguồn Suối Vàng. Công việc nhà bề bộn nào là vườn rau, nào là rẫy cà phê và một đàn bò hơn 20 con. Một mình cô không tài nào quán xuyến hết công việc. Hai năm sau, cô trực tiếp về đón mẹ và hai em của Nam vào làm việc cho cô, ở hẳn trong Đà Lạt.

- Chị giao cho em và mấy cháu trông coi, chăm sóc rẫy cà phê và đàn bò. 

Cũng năm ấy, Nam đã học xong lớp nhất (tương đương lớp 5 ngày nay) và thi đậu bằng tiểu học. Chị Phượng con cô Tư trao đổi với mẹ con Nam:

- Em nó mỗi ngày một lớn, cần phải tiếp tục học lên trung học. Nam là một đứa trẻ thông minh hiếu học, cháu giảng bài cho em thấy nó tiếp thu rất nhanh, chỗ nào chưa hiểu là nó hỏi đi hỏi lại và ghi chép cẩn thận, mợ thấy con nói có được không?

Vợ Năm Lai thấy phân vân trong lòng:

- Cháu giúp được gì cho em thì qua cảm ơn, qua mừng quá đi chớ- ngừng một lát. Ngặt, lấy tiền đâu để đi học.

-Việc này cháu sẽ bàn thêm với mẹ- nói xong Phượng quay sang Nam: -Với sức học của em, chị tin chắc em có thể học băng (nhảy lớp) trong vòng hai đến ba năm là em sẽ học xong trung học.

Ngày thả bò đi ăn, tối theo học ở các trường tư thục dưới phố. Ba năm sau, Nam tốt nghiệp và thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp (tương đương lớp 9). Thời gian này, những thanh niên đến tuổi 17 đều phải đi làm “lượt giải cá nhân”- một loại giấy do chính quyền Ngô Đình Diệm đặt ra nhằm theo dõi không để thanh niên trốn lính.

***

Theo chân đàn bò đi khắp vùng đồi núi miền Tây Bắc Đà Lạt từ Ban Tiêng, Đạ Nghịt lên đến thủy điện Suối Vàng đều có dấu chân người chăn bò đi qua. Một hôm, đi tìm bò lạc mé suối, Nam đang lội ngược dòng để qua bên kia đồi. Bỗng nghe có tiếng e hèm sau gốc cây to, khiến cậu khựng lại.

- Cháu đi đâu mà qua đây? 

- Dạ! cháu đi tìm con bò chạy lạc.

Nam quan sát thấy người lạ mang súng AK, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép râu, cậu nghĩ thầm trong bụng: “Đây là quân cách mạng hay giả danh Việt cộng”. Qua cách nói chuyện, thấy người đàn ông có vẻ hiền lành, hai chú cháu trao đổi tìm hiểu thăm hỏi gia đình, hoàn cảnh đời sống bây giờ ra sao, quê hương ở đâu sao lạc vào xứ này… Nam đâu ngờ buổi gặp hôm ấy là bước ngoặt trong cuộc đời cậu. Qua nhiều lần gặp gỡ, trở nên thân quen. Một hôm chú bộ đội giải phóng đưa Nam vào gặp chú Ba:
- Đây là chú Ba - thủ trưởng của bọn anh.

Nam gật đầu chào, miệng nói lí nhí không thành tiếng: Cháu chào chú…ạ.

- Cháu lại đây ngồi xuống sạp, uống nước đi ta nói chuyện cho vui.

Chú Ba hỏi thăm về gia cảnh, quê nhà ở đâu, hiện nay sống với ai… Nghe giọng nói trầm ấm và những lời lẽ dễ đi vào lòng người. Lúc này, Nam lặng lẽ quan sát, chú Ba có dáng người dong dõng cao, khuôn mặt sương sương khắc khổ. Có lẽ những năm tháng ở chiến trường gian khổ, căng thẳng đã cướp đi dáng dấp cương nghị của một người đàn ông ở tuổi trung niên. Chú ngồi xích lại gần Nam rồi ôn tồn khuyên bảo:

- Cháu phải cố gắng học hành, học thì phải nắm vững kiến thức căn bản, có văn hóa mới thuyết phục được người khác. 

Ngưng một lát, chú Ba nói tiếp: Muốn đi vào nhà thì người ta phải có chìa khóa để mở cửa. Chìa khóa ở đây là bộ não của cháu, có chìa khóa tốt mới mở được kho kiến thức của nhân loại. Bởi thế cho nên cháu phải học và học thật tốt, mai sau còn giúp ích cho đời.

Sau buổi gặp hôm ấy, Nam về suy nghĩ qua những lời khuyên quý hơn vàng của chú Ba, cậu càng suy ngẫm càng thấy sâu sắc coi đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc đời cậu.

***

Tiếng súng rền vang trên mọi miền Tổ quốc. Những trận đánh lớn của quân giải phóng vào tận sào huyệt của địch. Phong trào đấu tranh ở các đô thị đồng loạt nổ ra, các tầng lớp công nhân, tiểu thương, sinh viên, học sinh xuống đường biểu tình đòi dân sinh, dân chủ...