Ở xã Gung Ré, huyện Di Linh - nơi có đến trên 47% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) K’Ho, những tiếng chiêng, điệu múa vẫn đang hàng ngày được trao truyền và tiếp nối bởi tình yêu và niềm tự hào của bao thế hệ.
Những chàng trai, cô gái K’Ho ở Gung Ré trong tiếng chiêng, điệu múa của dân tộc mình |
Những ngày cuối cùng của năm, các thành viên của CLB Cồng chiêng xã Gung Ré đang tăng cường tập luyện nhiều hơn để chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng địa phương cũng như lịch diễn tại một số điểm du lịch trên địa bàn. Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc cùng chiêng, gùi,... những cô gái, chàng trai người K’Ho hòa vào điệu múa đẹp mắt, vừa khỏe khoắn, quen thuộc, vừa sáng tạo, hiện đại. Trước sự bất ngờ của chúng tôi vì phong thái cùng nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt của các bạn trẻ trong suốt tiết mục, Tam Bộ Thơ - chủ nhiệm CLB giải thích rằng, các bạn đã có nhiều cơ hội được biểu diễn phục vụ tại các điểm du lịch. Nhờ đó mà sự rụt rè ban đầu dần được thay thế bằng sự tự tin, mạnh dạn.
Tam Bộ Thơ là cô gái K’Ho yêu tha thiết văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sinh năm 1990, từ nhỏ, cô đã được cùng các bà, các mẹ tham gia múa xoang trong mỗi dịp lễ hội của thôn, xóm. Tình yêu với chiêng, với múa lớn dần lên qua mỗi mùa lúa mới. Để rồi sau một thời gian đi xa để học tập, làm việc, cô lại trở về gắn bó với quê hương và dẫn dắt CLB Cồng chiêng thôn Klong Trao 1, sau đó đổi tên thành CLB Cồng chiêng xã Gung Ré.
Hiện, CLB có 14 thành viên với nhiều độ tuổi từ 16 đến 34. Có bạn còn đi học, có người đã đi làm công ty hoặc làm nương rẫy phụ giúp gia đình. Thời gian rảnh rỗi khác nhau, nhưng mỗi người đều cố gắng sắp xếp để có thể tham gia tập luyện cùng CLB mỗi tuần 3 buổi. Bên cạnh những động tác, điệu múa truyền thống đã được học từ nhỏ, Tam Bộ Thơ cũng sáng tạo, biến tấu thêm những động tác mới phù hợp với hiện đại.
Từ tình yêu và niềm đam mê đó mà dù chỉ mới thành lập từ năm 2023, CLB Cồng chiêng xã Gung Ré đã đạt nhiều giải cao tại Hội thi “Âm vang đại ngàn Tây Nguyên” do UBND huyện Di Linh tổ chức, bên cạnh đó, cũng thường xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn tại các điểm du lịch, các sự kiện trong và ngoài xã. Chị Tam Bộ Thơ chia sẻ: “Cứ mỗi lần cái tên Gung Ré vang lên khi giới thiệu về tiết mục của CLB, chúng tôi lại thấy vô cùng hãnh diện và tự hào khi được mang nét đẹp của người K’Ho đến với nhiều người; góp phần giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.
Thôn Klong Trao 1 có 246 hộ, 1.170 khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Ông K’Brèm - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Klong Trao 1 chia sẻ: “Một thời, việc giới trẻ không quan tâm khiến văn hóa truyền thống dần trở nên mai một đã từng là nỗi trăn trở của những người già nơi đây. Nhưng thật may, nhờ Nhà nước thường xuyên tuyên truyền, vận động, đặc biệt là mở các lớp truyền dạy cồng chiêng mà thế hệ trẻ trong thôn đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn các điệu múa, điệu chiêng”. Bản thân ông K’Brèm cũng vô cùng tự hào khi cả 3 cô con gái của ông đều biết múa xoang, lần lượt tham gia vào CLB.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát triển nghề đan lát tuyền thống, đánh cồng chiêng vào các dịp lễ lớn của thôn hay tổ chức lễ hội cúng mừng lúa mới cũng được thôn Klong Trao 1 duy trì và thực hiện có hiệu quả. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống tinh thần của bà con Nhân dân nơi đây. Từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động của người dân, đặc biệt là trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Năm 2023, thôn Klong Trao 1 vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để xây dựng Làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K’Ho. Trong ánh nắng vàng rực rỡ mùa cuối năm, ông K’Byie - người uy tín thôn Klong Trao 1 tất bật chẻ từng cây nứa, kết từng bức vách, dựng từng nếp nhà, hệt như ký ức những ngày trẻ được cha ông chỉ dạy. Trong lời kể của ông, niềm vui và tự hào dường như chẳng thể giấu nổi: “Không chỉ mình đâu, ai cũng mừng lắm, bởi sau này đã có thứ để lại cho con cháu. Mấy cái nhà này, đâu có khác cái nhà ngày xưa, thậm chí còn đẹp hơn nhiều”.
Ông Trịnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, địa phương luôn xác định phải gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái để đảm bảo tính bền vững, lâu dài, hiệu quả. Trong đó, định hướng của huyện và xã là lấy lực lượng trẻ làm nòng cốt bởi các bạn có sức trẻ, có nhiệt huyết, được va chạm nhiều nên có sự tự tin. Tuy nhiên, vẫn phải dựa vào các già làng và người có uy tín, là những người có kinh nghiệm trong bảo tồn. “Do đó, bên cạnh tiếp tục phối hợp mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ hàng năm, chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các già làng, người có uy tín trong các thôn đồng bào DTTS bảo tồn, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình; tiếp tục phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa” - Chủ tịch UBND xã khẳng định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin