Minh họa: Phan Nhân |
Tiếng chuông báo thức từ chiếc đồng hồ con cóc làm Thuần giật mình tỉnh giấc. Ngoài trời đang mưa, chiếc đèn quả táo của dãy trọ hắt luồng sáng vàng vọt uể oải qua ô cửa sổ khép hờ vào phòng. Hôm nay thứ Bảy không có giờ lên lớp, Thuần kéo chiếc chăn bông lên ngang ngực, muốn ngủ nướng thêm chút nhưng chẳng được. Nghe tiếng lũ chuột chạy bình bịch trên trần nhà, nhìn căn phòng sơ sài mấy món đồ sinh hoạt lặt vặt, Thuần thấy lòng dạ xao xác, nhớ mẹ vô cùng.
Nhiều năm, mẹ con Thuần phải sống trong sự dò xét của người đời về một người đàn bà không chồng mà chửa, và Thuần là đứa con hoang. Mẹ Thuần là chị lớn trong nhà, dưới mẹ còn các dì và cậu. Cuộc sống thời bao cấp và những năm đầu đổi mới bộn bề vất vả, đợi đến khi các dì, các cậu lớn khôn thì mẹ Thuần đã thành “gái già” trong xóm. Đùng một cái, bà có chửa. Người hiểu chuyện thì động viên an ủi, kẻ không hiểu thì dè bỉu mỉa mai “không chồng mà chửa mới ngoan”. Những năm ấy, danh dự, lễ nghĩa là thứ cao quý, nhà có con gái không chồng mà chửa là nỗi nhục nhã, ô uế của gia đình, dòng họ. Ngày chuẩn bị sinh, mẹ phải khăn gói ra ở căn chòi ẩm thấp ngoài khu vườn ven đê của ông bà ngoại. Từ nhỏ, Thuần nhiều lần chứng kiến mẹ ôm mặt khóc nấc khi ông ngoại buông lời chê trách, mắng mỏ. Khi Thuần 8 tuổi, mẹ quyết định gửi Thuần lại cho cậu mợ, theo chân người làng vào Nam, làm công nhân nhà máy điều. Hồi đó, phương tiện đi lại còn hạn chế, nên mẹ con Thuần cứ xa nhau đằng đẵng cả đôi, ba năm ròng mới gặp nhau được mấy ngày tết ngắn ngủi.
Không có cha, thiếu vắng mẹ, sự chăm nom mà mọi người trong nhà cậu Hân dành cho Thuần như con ghẻ. Mẹ gửi tiền về để cậu mợ lo cho Thuần ăn học. Thế mà nhiều lần ngồi chén trà chén tửu với hàng xóm, cậu Hân nói rằng tự thân cậu mợ lo toan cho Thuần tất thảy. Mẹ không hay biết chuyện này, vẫn cứ đều đặn gửi tiền và an tâm rằng Thuần được chăm sóc tốt. Nhưng chỉ Thuần biết, cái cảnh “con chị, con tôi” tuy chẳng ai trong nhà cậu Hân nói ra, nhưng cách mà cậu đối xử với Thuần chỉ như với một đứa chịu ơn.
Thuần đã cam phận làm kẻ chịu ơn thật, bởi vì không có mẹ, Thuần còn biết trông nhờ ai ngoài cậu mợ. Thế nên mười tuổi mà Thuần đã tất bật việc đồng việc nhà, cấy, gặt, cắt rau, chăm lợn, nấu cơm… cái gì cũng đến tay. Thương mẹ nên Thuần không muốn kể lể, nói ra sợ mẹ buồn lo. Mà dẫu có nói ra được thì những lời của Thuần cũng chỉ được coi là lời con trẻ, rồi Thuần lại thành ra đứa vô ơn.
Miên man một hồi, Thuần lại thiếp đi lúc nào không hay. Mà lạ, cái trò ngủ lại giấc như thế rất hay mơ. Những giấc mơ chắp vá cứ kéo Thuần chìm sâu không tỉnh nổi. Hồi lâu, chuông điện thoại vang lên dồn dập thì Thuần mới choàng tỉnh. Là Hoàng, con gái dì Hảo gọi sang bác Toan chơi. Bác Toan là anh trai của mẹ Thuần và mẹ Hoàng, đi bộ đội rồi lấy vợ lập nghiệp luôn ở nơi đơn vị đóng chân. Vì công ty vừa mới lập chi nhánh, với tư cách là giám đốc bộ phận khách hàng, Hoàng đi công tác, tiện thể ghé bác chơi vài hôm. Dù biết Hoàng ra đã mấy hôm nay nhưng Thuần cứ viện cớ bận học không gặp, chủ ý là để tránh gặp mặt bác.
Nghĩ tới bác Toan, lòng dạ Thuần bỗng lưng chừng thương ghét. Bác trong những dịp về quê đã thấu hiểu nỗi khổ của Thuần, nên nói với cậu mợ muốn mang Thuần ra ở cùng để cô được tiếp tục học hành. Tương lai mới mở ra, nhưng rồi Thuần lại trở thành kẻ chịu ơn, sống như một người giúp việc nhà không hơn không kém. Ban đầu háo hức trước cơ ngơi rộng rãi, sang trọng của bác bao nhiêu thì về sau lại thấy nó tù túng, bó ép bấy nhiêu. Không thiếu thốn vật chất, nhưng dần dà Thuần thấy mình cũng chỉ nhận được sự thương yêu chiếu cố. Vẻ hờ hững, khinh rẻ của bác gái và các chị làm thuần như muốn ngộp thở. Không bao giờ Thuần quên được, bác Toan trong lúc say men hay nóng giận cũng không tiếc lời nhiếc móc Thuần là đứa trẻ “vô nòi không cha”. Không chịu đựng nổi tổn thương, Thuần đã dọn ra ngoài.
- Ai dạy mày cái cách ăn cháo đái bát thế hả Thuần?
- Cháu chỉ muốn được tự lập, cháu cũng đã gần hai mươi tuổi rồi - Thuần viện lý do.
- Mày tính bôi tro trát trấu vào mặt bác mày à? Đã đi thì đừng bao giờ quay lại.
Thuần đâu có làm chuyện gì xấu xa, vậy mà lại bị quy kết là kẻ có tội. Tội làm người cưu mang mình xấu hổ? Nhưng thật lạ là, giây phút quyết định bước ra khỏi ngôi nhà ấy, lòng Thuần thấy nhẹ nhõm bội phần. Thuần tin vào sự lựa chọn, tuy rằng ai cũng bảo Thuần trẻ con bốc đồng, nông nổi… Ở một mình, không bao giờ Thuần phải nghe nhắc về cha hay những điều mỉa mai xa gần về thân phận của mình. Lời nói không làm đau thể xác, nhưng nó làm tâm hồn Thuần điên loạn.
Thuần cùng Hoàng lặng lẽ sửa soạn cơm trưa. Bác Toan uống rượu và bắt đầu điệp khúc kể tội Thuần cho Hoàng nghe. Kiếm cớ đánh lảng sang những chuyện khác, nhưng Hoàng không ngăn được việc bác lại làm tổn thương Thuần.
- Mai này bác mong cho mày lấy được gã chồng tốt. Nhưng liệu nó có tốt mà mang mẹ mày về nuôi không Thuần?
- Dù có đi ăn mày, cháu cũng sẽ mang mẹ theo - Thuần đáp.
- Hay đấy, khẩu khí gớm nhỉ? Lớn tướng rồi, mày nên đi tìm cha thôi. Cha mày chưa chết như mọi người nói đâu. Muốn tìm thì bác mày chỉ lối cho.
Thuần bật khóc, nói trong tiếng nấc.
- Ai nói gì cháu cũng có thể nhẫn chịu, nhưng bác là ruột thịt mà sao cũng cay nghiệt đến vậy.
- Vậy bây giờ có về ở với bác không?
- Không!
- Nếu đã thế thì cút… mày cút… đi…
Thuần đưa ra câu từ chối hết sức quả quyết mà không cần suy nghĩ. Thực sự đối với Thuần, hai chữ gia đình là cả một ước mơ to lớn, nhưng cô sợ hãi phải đối diện với những lời nói và ánh mắt lạnh lùng như thuốc độc. Ừ thì Thuần từng tìm lý do để bác có lý, chỉ là bác đang say, chỉ là bác đang không vui… Nhưng không có cha đâu phải là cái tội của Thuần. Chén cơm còn chưa kịp ăn đã đong đầy nước mắt,
Thuần vụt chạy ra ngoài mà quên mất ngoài trời đang mưa. Hoàng chạy theo cố nói điều gì đó, nhưng tuyệt nhiên Thuần không còn nghe gì nữa.
Đi dưới mưa, lòng Thuần như được trút bỏ. Thuần không biết mình có khóc không. Nếu có một gia đình tròn vẹn, chắc hẳn cha mẹ sẽ cuống quýt khi thấy cô ướt sũng thế này. Nhưng nào có bao giờ, đó chỉ là Thuần mơ tưởng.
***
Hơn mười năm trôi qua kể từ ngày dầm mưa buồn tủi ấy, trong những giấc mơ chập chờn lặp lại nhiều lần, Thuần đứng trên bờ đê làng quê ngạt ngào mùi thơm lúa non, thấy một chiếc diều mang dáng chú chim phượng hoàng đang chao lượn trên bầu trời xanh vời vợi. Có ai đó cười thật to giòn, nói với Thuần rằng những đám mây bồng bềnh biết xoa dịu nỗi đau, và một con diều no gió sẽ có thể đưa ta bay đến những vùng đất mới tràn đầy niềm vui cùng may mắn. Thuần thấy mình cầm được dây diều và chạy trên bờ đê lộng gió, lòng Thuần rộn lên vui sướng như đang bay cùng cánh diều.
Giấc mơ ấy diệu kỳ đến nỗi Thuần cảm thấy tâm hồn mình như được chữa lành. Để rồi suốt những năm làm sinh viên trường sư phạm, Thuần chạy đua cùng thời gian không mệt mỏi, nỗ lực vừa học vừa đi làm thêm tự trang trải cuộc sống. Ra trường kiếm tìm cơ hội việc làm, rồi trở thành giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh cũng là một hành trình đơn độc. Nhưng sự tự do được làm chủ mọi quyết định khiến lòng cô đầy tự tin và hạnh phúc.
Đã 3 năm, Thuần và mẹ đón tết trong căn nhà nhỏ xinh, ấm áp của hai mẹ con tự tay gây dựng. Tổn thương ngày cũ như vết sẹo chạm tới còn đau, song Thuần đã lặng lẽ bước qua. Những người anh em cùng dòng máu với Thuần từ lâu đã mở lòng đón nhận cô là em út, là máu mủ. Mấy chục năm qua, cha vẫn cứ biền biệt xa xôi chẳng màng trở lại quê nhà. Thuần không thể nhớ nổi khuôn mặt ông, thế nên cũng không trách cứ và mong đợi nữa. Trong hành trình sống dặm dài trước mặt, cô vẫn sẽ tự đi tìm và nắm giữ hạnh phúc của chính mình. Ý nghĩ ấy miên man đi vào giấc ngủ, cánh diều no gió bay cao một lần nữa trở lại, Thuần nghe được tiếng cười của mình vang lên khanh khách trong mơ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin