Nhà văn Ma Văn Kháng:
Sống đồng nghĩa với yêu cuộc sống và học hỏi không ngừng

VÕ THU HƯƠNG 06:24, 21/03/2024

Có nhiều dấu ấn sáng tạo trong cả văn học thiếu nhi và người lớn, tác giả Mùa lá rụng trong vườn - nhà văn Ma Văn Kháng không chỉ khiến độc giả yêu quý về tài văn mà còn ở sức lao động bền bỉ của ông. Ngoài tuổi 80, ông vẫn xuất hiện trên văn đàn với tiểu thuyết Chim én liệng trời cao, Mãi mãi một thời thiếu sinh quân. Ông là nhà văn đạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. 

Nhà văn Ma Văn Kháng
Nhà văn Ma Văn Kháng
• SỨC LAO ĐỘNG BỀN BỈ

- Nhìn lại, kỷ niệm nào sâu đậm nhất trong đời văn của ông?

Kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là những ngày tôi viết và sau đó tiểu thuyết đầu tay Đồng bạc trắng hoa xòe của tôi được ấn hành. Tôi cầm quyển sách thơm mùi mực in mà ứa nước mắt. Đây là thành quả ao ước và lao động cật lực sau cả 10 năm của tôi. Niềm vui sướng và tự hào này choáng ngợp cả hồn tôi, khiến cả tháng trời tôi sống như trong mơ.

- Có nhiều gắn bó với mảng văn học thiếu nhi, ông đánh giá văn học thiếu nhi hiện nay như thế nào?

Văn học thiếu nhi nước ta thời hiện đại được ghi nhận là một thành tựu lớn của văn chương. Chúng ta có một đội ngũ nhà văn tài năng và các tác phẩm đặc sắc về đề tài này. Tôi không có nhiều điều kiện để theo dõi những sáng tác cho thiếu nhi gần đây nhưng theo thiển ý, những tác phẩm để lại ấn tượng lâu bền về đề tài này còn rất thưa thớt. Điều đó, theo thiển ý của tôi, có lẽ chúng ta còn thiếu nhiều cây viết mang tầm vóc, tâm hồn tương xứng với nhu cầu thẩm mỹ của tuổi thiếu nhi.

- Về tác phẩm nhà văn viết ngoài tuổi 80 được cả người lớn lẫn thiếu nhi yêu thích - Chim én liệng trời cao, cảm hứng nào để nhà văn viết tiểu thuyết dày dặn đến vậy khi đã xa tuổi “xưa nay hiếm”?

Thực tình là khi định viết cuốn Chim én liệng trời cao, tôi có ý nghĩ thế này: Thế là cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm đã trôi về dĩ vãng rồi. Còn ai nhớ về nó? Và trong các nhà văn hôm nay còn ai viết về nó nữa? Mà là viết về gương thiếu niên trong cuộc kháng chiến ấy. Mà thêm nữa, cuộc kháng chiến ấy có những đặc trưng riêng, đặc biệt là ở địa bàn miền núi (ví dụ việc cán bộ thâm nhập vào vùng hậu dịch), với những màu sắc riêng của từng dân tộc (Tày, Dao, Hà Nhì).

Chuyện này dựa trên tư liệu lịch sử có thật. Trần Văn Tiển là liệt sĩ được công nhận. Quê cậu là xã Cam Đường, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. (Tôi chưa có điều kiện để kiểm tra xem Bảo tàng lịch sử Lào Cai có ghi nhận việc này không). Tôi đã đi điền dã xuống vùng này nhiều năm tháng và tham gia viết lịch sử kháng chiến vùng này. Tung tích của cậu Tiển, tôi ghi chép đầy đủ. Chiến công của Tiển hiện chắc không còn ai nhớ. Lúc tôi ghi chép tư liệu thì chỉ còn mấy bác già nhớ. Tiển lại là con trai của liệt sĩ Hoàng Sào (tỉnh Lào Cai công nhận và tôi có in ở Ban Lịch sử Lào Cai chuyện Hoàng Sào). Tiển đi liên lạc cho bộ đội, cậu một mình vượt núi Phanxipăng. Những nhân vật thời kỳ ấy là anh Tô, cán bộ xã Cam Đường lúc ấy còn sống ở Lào Cai kể lại cho tôi nghe chuyện của Tiển...

Trong Chim én liệng trời cao có những chương viết tôi rất thích. Ví dụ, chương Mùa cốm; Cảnh đồng bào nổi dậy đấu tranh; Chuyện Tiển ở vùng đồng bào Hà Nhì... Tôi viết quyển này cũng khá công phu, dựng lại cả một thời kỳ cách mạng kháng chiến với không khí riêng biệt của nó. Tôi nghĩ không sống ở vùng đó khó thực hiện được.

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn. Ông là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo công chúng biết đến và được trích dẫn trong nhiều lớp, nhiều cấp học từ tiểu học đến THPT hàng chục năm nay.

Ông đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc. Dù ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng khoảng thời gian lập nghiệp, giảng dạy ở Tây Bắc đã ăn sâu trong tâm trí ông, trong những tác phẩm của ông viết.

Ông đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Truyện ngắn chọn lọc, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.

VIẾT VỀ TÂY BẮC VỚI TÌNH YÊU TRONG TRẺO VÀ GIẢN DỊ

- Sinh ra ở Hà Nội, điều gì khiến ông gắn bó nhiều với vùng đất Tây Bắc? 

Tôi được phân công và tự nguyện lên Lào Cai dạy học từ cuối năm 1954. Sau 22 năm sinh sống và làm việc ở miền biên viễn Tây Bắc này, tôi mới chuyển công tác về Hà Nội, nơi tôi sinh ra. Tính ra, từ năm 18 tuổi cho đến khi vào tuổi trung niên 40 - cả một thời trai trẻ, gần một phần tư thế kỷ trai trẻ lập thân lập nghiệp ở miền đất này, tôi đã yêu nó bằng một tình yêu vô cùng kỳ lạ và khó hiểu với hệ diễn giải thông thường, lạ lùng với chính tôi. Một tình yêu trong trẻo và giản dị. Một tình yêu có tính bẩm sinh, tiên thiên, định mệnh từ trong bản thể máu thịt nhưng mãnh liệt sâu xa, nó khiến tôi lúc nào cũng như ở trong cơn đam mê bất tận để có thể coi thường, vượt qua tất cả mọi nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy. Một tình yêu gắn liền với niềm háo hức trước cái bao la, hùng vĩ, ẩn tàng bao nhiêu điều chưa biết. Một tình yêu tươi trẻ, chỉ một cảm hứng dâng hiến. Một tình yêu đi cùng với khát vọng được làm một việc gì đó cho vùng đất này.

Tây Bắc, miền núi phía Bắc mỹ lệ và độc đáo, đau thương và anh hùng đến mê hoặc từ lịch sử, cuộc sống đến con người, màu sắc, hương vị. Và văn chương nữa, về phần mình, lại cũng là cái bí tàng giục giã tôi phải chiếm đoạt. Cả hai lĩnh vực đó là sự phối ngẫu của chúng là cội nguồn say sưa của tôi.

Tuy nhiên, để thỏa mãn tình yêu ra trước đó tôi đã phải học hỏi rất nhiều. Sống đồng nghĩa với yêu cuộc sống và học hỏi không ngừng!

- Tác phẩm ưng ý nhất của ông sau hàng chục năm theo đuổi nghề viết?

Tôi cảm thấy mình trân trọng tất cả những trang viết của mình. Từ một truyện ngắn 3.000 chữ tới tiểu thuyết sáu, bảy trăm trang. Lý do là tôi thành thật với mình, với nghề. Tuy nhiên, nếu phải chọn, bắt buộc phải chọn cái tiêu biểu thì trong sâu xa tôi muốn được dư luận biết đến bộ tiểu thuyết sử thi hai tập Đồng bạc trắng hoa xòe và Vùng biên ải của tôi xuất bản năm 1972 và 1983. Bộ sách này là lịch sử được kể bằng hình tượng văn chương giàu tính thẩm mỹ về một thời đoạn đặc sắc của các dân tộc Lào Cai trong bão táp cách mạng, tạo nên một khúc ca bi tráng, cao cả trong biên niên sử hiện đại. Tập 1 của nó được giải thưởng nhà nước năm 2001.

- Là một nhà văn dành trọn đời để viết, bí kíp để đi đường dài với văn chương của nhà văn là gì?

Bí kíp để viết lâu dài của tôi là học hỏi không ngừng trong cuộc sống và nghề nghiệp. Tôi đã tốt nghiệp đại học Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội; tôi đã theo học khóa 6, Trường Bồi dưỡng những người viết trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam; đã trực tiếp học nghề từ những nhà văn đàn anh lớp trước; tôi đã đọc các tác phẩm cổ điển và hiện đại tiêu biểu vừa tự trau dồi chính mình sau bao nhiêu năm cầm bút. Nhà văn G. Marques có hai câu nói rất hay mà tôi luôn ghi nhớ: Câu thứ nhất: "Tôi không thể quan niệm nổi một nhà văn mà không có hiểu biết 10.000 năm văn học trước mình". Câu thứ hai: "Nhà văn là người làm việc với từng từ một".

Tôi yêu cuộc sống như trên tôi đã nói, một tình yêu có tính định mệnh. Nhưng, tôi còn yêu văn chương vì sứ mệnh cao quý đáng kiêu hãnh của nó nữa. Maxim Gorki nói: “Với quyển sách và cây bút trong tay, chúng ta chiến đấu cho ngày mai”. Còn đây là đại ý câu nói của Albert Cancus: “Nghệ thuật không thể không có hiện thực. Nhưng hiện thực sẽ có giá trị bao năm nếu thiếu nghệ thuật?”.

- Từng đạt nhiều giải thưởng cao quý, đối với ông, giải thưởng có ý nghĩa như thế nào?

Giải thưởng nào cũng là cao quý với tác phẩm của tôi. Tôi trân trọng và biết ơn. Tuy nhiên, giải thưởng không một chút vương vấn và chưa bao giờ là động lực trong quá trình sáng tác của tôi. Ý nghĩa trực tiếp của giải thưởng với tôi sau khi đã hoàn thành tác phẩm là: Tác phẩm sẽ được thêm nhiều người nhớ đến, nhiều người nữa biết đến và đọc nó. Khiến tôi tự tin hơn. Và tôi có thêm chút điều kiện vật chất để cải thiện đời sống.

- Cảm ơn nhà văn đã chia sẻ!