Tháng Tư, tháng của những ký ức lịch sử, tháng của niềm vui thống nhất non sông, tháng của muôn triệu trái tim Việt Nam hòa chung nhịp đập, tháng của hòa bình và khát vọng...
Giáo viên và học viên học tiếng Mạ, viếng Bia ghi công liệt sĩ xã Lộc Lâm |
Tháng Tư về thật riêng trong cảm nhận của mỗi người. Người đi qua cuộc chiến chống đế quốc Mỹ thì bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử của dân tộc, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, thời khắc giang sơn được nối liền một dải, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nơi nơi đều tưng bừng, rạng rỡ cờ hoa mừng đón ngày non sông thu về một mối. Người may mắn không bị can qua bởi cơn bão lửa chiến tranh thì náo nức reo vui trước cảnh đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày. Tháng Tư về, mỗi người dân nước Việt, ai ai cũng thấy mình như trẻ lại, hân hoan ngợi ca con đường độc lập, tự do của Tổ quốc. Chung hòa những cảm nhận rất riêng ấy có niềm tự hào dâng trào của các học viên học tiếng Mạ ở huyện Bảo Lâm khi nghe già làng K’Sáu, cựu Bí thư Đảng ủy xã Lộc Lâm, kể về căn cứ địa cách mạng Lộc Lâm.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Lộc Lâm là vùng căn cứ kháng chiến, một đầu mối quan trọng trên trục hành lang chiến lược Đông - Tây. Lộc Lâm cũng là nơi ghi dấu sự ra đời của Ban cán sự tỉnh Lâm Đồng (phiên hiệu B7), tổ chức tiền thân của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Lộc Lâm đã lập nên những chiến công hiển hách, góp phần không nhỏ làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cựu Bí thư Đảng ủy xã Lộc Lâm K’Sáu cho biết: Chỉ tính riêng việc tham gia bố phòng bảo vệ căn cứ địa cách mạng, Nhân dân xã Lộc Lâm đã đóng góp hơn 80.000 ngày công. Nhân dân xã Lộc Lâm còn đóng góp 80 tấn lương thực và hơn 70.000 ngày công tải đạn, tiếp lương phục vụ kháng chiến. Già làng K’Sáu nói thêm: “Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 21 người con của Lộc Lâm đã anh dũng ngã xuống. Những anh hùng liệt sĩ này, thuộc Đội 3 vũ trang tuyên truyền, thuộc Khoa Quốc dân thiểu số Khu VII”. Ông Trần Ngọc Biên - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, người tham gia biên soạn cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Lâm, cũng nói rằng: “Lộc Lâm (nay là Lộc Lâm và Lộc Phú) là 1 trong 4 cái nôi cách mạng của huyện Bảo Lâm, cùng với xã Lộc Bắc (nay là Lộc Bắc và Lộc Bảo), xã Lộc An (nay là Lộc An và Tân Lạc) và xã Lộc Nam (nay là Lộc Nam và Lộc Thành). Quân và dân Lộc Lâm đã tham gia 93 trận đánh bảo vệ căn cứ cách mạng, diệt 370 tên địch, bắn rơi 6 máy bay, bên cạnh việc đóng góp lương thực, ngày công tham gia bố phòng, tải đạn, tiếp lương như cựu Bí thư Đảng ủy xã Lộc Lâm K’Sáu nêu ở trên”.
Thắp hương tại Bia ghi công liệt sĩ xã Lộc Lâm, các học viên học tiếng Mạ kính cẩn trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hi sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của vùng đất anh hùng Lộc Lâm. Bà Song Tris, giáo viên tiếng Mạ, tâm sự: “Chuyến trở về nguồn Lộc Lâm, ngoài việc tạo điều kiện để học viên rèn luyện kỹ năng nghe - nói tiếng Mạ sau thời gian học tập, còn giúp các học viên tìm hiểu thêm về thực tế đời sống của người Mạ, cùng các câu chuyện lịch sử, những phong tục, tập quán đã gắn bó máu thịt với người dân nơi đây”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin