Hồi ức của người lính

03:07, 28/07/2011

Gặp Thiếu tá Đang bên lề cuộc gặp mặt nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, bắt tay tôi ông hỏi : “ Độ này viết bài nhiều không ?” Tôi than: “Dạ, cúp điện hoài cũng hạn chế lắm !” Ông cười thông cảm rồi nói: “Thời chúng tôi viết trong bóng đêm. Vậy mà…” Ông bỏ lửng câu nói như chợt hiểu tôi là người của… thời nay. Mang câu nói của ông về nhà tôi ngẫm ngợi. Viết thì phải viết trong ánh sáng chứ sao có thể trong bóng đêm ? Như đêm nay cúp điện tôi vẫn viết dưới ánh đèn cầy le lói…

Gặp Thiếu tá Đang bên lề cuộc gặp mặt nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, bắt tay tôi ông hỏi : “ Độ này viết bài nhiều không ?” Tôi than: “Dạ, cúp điện hoài cũng hạn chế lắm !” Ông cười thông cảm rồi nói: “Thời chúng tôi viết trong bóng đêm. Vậy mà…” Ông bỏ lửng câu nói như chợt hiểu tôi là người của… thời nay. Mang câu nói của ông về nhà tôi ngẫm ngợi. Viết thì phải viết trong ánh sáng chứ sao có thể trong bóng đêm ? Như đêm nay cúp điện tôi vẫn viết dưới ánh đèn cầy le lói…

Bởi không thể hiểu nổi thời hào hùng của ông, tôi gọi điện hỏi. Ông kể thời đó phóng viên chiến trường làm gì có laptop nên có bao giờ ai than cúp điện đâu. Ngày kết nạp Đảng của ông cũng là một ngày đáng nhớ. Bởi nó không giống như ngày nay khi cả hội trường hoa và ánh đèn bừng sáng. Năm 1965 tiểu đoàn ông ( thuộc Trung đoàn 9) hành quân về tới Cổng Trời, bên kia là tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào, bên này là đèo Mộ Dạ, đồi Cha Lo của tỉnh Quảng Trị; đột nhiên có cơn lũ chia cắt đội hình làm hai, ông và anh em ổn định xong đội hình thì trời đã sập tối. Lệnh trên báo đêm nay kết nạp Đảng cho ông. Bên khe suối cạn, ngồi trên những tảng đá to như lưng voi, không một chút ánh sáng. Chính trị viên đại đội gấp chiếc khăn mù-soa làm bốn, che đèn pin đọc điều lệ và quyết định kết nạp. Ông Đang phải đọc những lời tuyên thệ đã được viết trong đầu mà ông gọi là “đọc vo”. Quả thật có những hoàn cảnh tối tăm, nhưng tâm hồn người lính sáng trưng không có ánh đèn nào sánh kịp. Vì vậy, trong bóng tối mới thấy được ý chí người lính ngời lên bất chấp mọi gian nguy. Đây là những câu thơ còn lại trong nhật ký của người lính ấy: “Bâng khuâng nhớ tháng nhớ năm/ nhớ đêm kết nạp tối tăm mịt mùng/ dưới khe suối cạn tối bưng/trên đầu phản lực gầm rung động trời…”
  
Sau đêm ấy, tiểu đoàn tiếp tục hành quân, nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn ở lại cùng quê hương mới đến. Ông tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc, những trang viết tiếp tục được viết trong những đêm tối mịt mùng như thế mà thành kỷ niệm, mà thành quá khứ hào hùng của quân đội ta.

Lần ông bị thương cũng là một đêm tối.. Đó là đêm 19/5 tiểu đoàn lập thành tích kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Lúc đó ông là trung đội trưởng pháo cối 82, cuộc tiến công chia làm hai mũi. Cánh quân của ông tiến vào Triệu Phong (Quảng Trị), ông bị địch bắn một quả M79, một mảnh găm vào hoành phổi phải, một mảnh găm vào thận phải và vô vàn những mảnh vụn khác… Ông được đồng đội cán đi trong đêm tối. Lúc bấy giờ bệnh viện dã chiến đã gắp mảnh đạn trong thận ra, còn mảnh đạn trong phổi vẫn theo ông cho tới bây giờ. Vì vậy khi trái gió trở trời lá phổi lại nhắc nhở ông về những tấm gương trong sáng trong đêm tối ấy. Có người phải hy sinh vì ra sức cứu đồng đội bị thương.
  
Lần thứ hai ông bị thương trong trận tổng tấn công và nổi dậy năm Mậu thân 1968 tại Huế. Ông bị một quả lựu đạn nổ trước mặt, gãy cánh tay phải tận bả vai, lúc ấy là 3 giờ sáng. Đêm tối đen ông buộc cánh tay gãy vào người, cánh tay còn lại tiếp tục ôm súng chỉ huy cho quân ta rút an toàn về trạm tiền phương trong nội thành Huế. Đến nơi ông hôn mê vì mất nhiều máu. Trạm tiền phương lại bom địch tấn công, cánh tay ông được vá víu trong đêm tối mịt mùng ấy. Có những chiến sĩ đi tải thuốc cho bộ đội mãi mãi đi xa…
 
Bây giờ đã hơn 36 năm hòa bình, ông vẫn còn nhớ rõ từng trận địa, từng khuôn mặt chiến sĩ. Dẫu tất cả đã xảy ra trong đêm tối đen như mực, giống như những vần thơ tả thực, đã nhòa trong nhật ký của ông: “Lập lòe ánh chớp lóe soi/ thoáng trông thấy mặt nhau rồi lại đen/cách nhau gang tấc đâu nhìn/ chỉ bằng giọng nói thân quen nhận người…”.

- Vậy những phóng viên chiến trường họ làm việc ra sao ? Tôi lo lắng hỏi. - Họ vẫn viết trong đêm tối, giữa trận chiến khốc liệt đấy thôi !
Vâng, vì thế mà có người đã hy sinh, nhưng trang viết của họ còn nóng hổi tính thời sự, để kịp lên mặt báo, tỏa ra những cánh sóng phát thanh mà đến với đông đảo nhân dân, với những con người tiến bộ trên khắp thế giới…

Và Thiếu tá Nguyễn Văn Đang, người tôi đang kể chuyện, đã có dịp về thăm những nơi ông đã từng chiến đấu và gởi những giọt máu hồng ở đó. Tất cả như vừa trải qua một đêm ngủ dài, giờ đã thay da đổi thịt thành những khu buôn bán sầm uất, thành điểm du lịch cho khách quốc tế tham quan. Quê hương từng giờ bừng sáng và năng động phát triển kinh tế…

Nguyễn Thánh Ngã