Khi nhà thơ “cai thơ”

02:07, 27/07/2011

Trước khi làm nhà thơ, Phạm Quốc Ca là nhà giáo  -  tiến sĩ ngữ văn, một “người chèo đò” đưa không biết bao nhiêu lớp sinh viên Đại học Đà Lạt “qua sông”. Người chèo đò ấy nay sắp sửa gác mái, “ngồi bờ” nhìn sông trôi...

Trước khi làm nhà thơ, Phạm Quốc Ca là nhà giáo  -  tiến sĩ ngữ văn, một “người chèo đò” đưa không biết bao nhiêu lớp sinh viên Đại học Đà Lạt “qua sông”. Người chèo đò ấy nay sắp sửa gác mái, “ngồi bờ” nhìn sông trôi. Những khách đò ngang của anh hẳn sẽ luôn nhớ hình ảnh: “Thầy cà vạt, comlê / Trông như người chính phủ!”

Còn Phạm Quốc Ca - nhà thơ - đã tròm trèm 40 năm theo nghiệp viết, đi từ “Tiếng trầm” đến “Chân trời mở”, từ “Làng trong nỗi nhớ” đến “Những cánh rừng những bài ca”, rồi quay về “Thơ viết trong album”. Nghĩa là cả một đời “nghiện ngập” nay bỗng nhiên đòi… cai thơ! Xem ra, thơ “hại” lắm nên dù có rất nghiện cũng đành phải cai?

Những ai đã từng đọc thơ Phạm Quốc Ca sẽ không bao giờ hoài nghi rằng anh là một hồn thơ trữ tình đích thực. Mà nếu thế sẽ bất ngờ khi đọc “Cai thơ”, sẽ nhìn thấy một Phạm Quốc Ca khác: Phạm Quốc Ca hài hước, Phạm Quốc Ca tự trào!

Phạm Quốc Ca cười. Nhưng anh cười cái gì?

Cả một đời làm thơ say mê, nghiêm túc, nay bỗng nhiên anh “xét lại”. Giống như một cô gái đẹp lâu nay vẫn ý thức về nhan sắc của mình, một ngày đẹp trời đi vào nhà gương dị dạng… và trông thấy một bộ mặt khác được phản chiếu:
                                          Mặt dại như ma ám
Cười một mình như mơ
Không Châu Quỳ điên nặng
Cũng Biên Hòa ngẩn ngơ! (Nhà thơ)

Chân dung nhà thơ được Phạm Quốc Ca biếm họa không dừng lại ở cái  bản mặt “như ma ám” với cử chỉ “cười một mình”, mà còn ở cái sự ngẩn ngơ, lơ đãng khác:
             Dừng xe cổng nhà mẹ vợ
            “Chết rồi! Bà xã rơi đâu?”
             Hoảng hốt nhà thơ quay lại
             Săm soi cả nước chân cầu…

             Trước sân vợ cười nhăn nhó:
             - Em đã kịp ngồi xe đâu! (Rơi vợ)

Bảo làm sao thiên hạ không coi nhà thơ là… hâm. Không những hâm mà còn lẩn thẩn! Không tin hãy đọc tiếp bài thơ sau:
              - “Reng! Reng! …” chuông điện thoại
              Giật bắn người, tỉnh ngay
               Ai chết một giờ sáng?
               Bất hạnh lớn rồi đây!

              - Dạ, thưa Tổng biên tập
               Em có bài thơ hay…(!) (Có bài thơ hay)

Cái nết ham tụ tập, bù khú bạn thơ, bạn rượu cũng trở thành đối tượng hài hước của Phạm Quốc Ca:
                           Chưa tan say. Tin nhắn:
                          “Quán Huynh đệ, tới ngay!”
                           Dream như có cánh
                           Đổ nhầm xăng máy bay. (Lưu Linh hiện đại)

Viết về người làm thơ, nghiện thơ và các đệ tử của Lưu Linh, ngòi bút của Phạm Quốc Ca hết sức dí dỏm. Những bài thơ của anh như những bức tranh hài mang đến cho người đọc những nụ cười nhẹ nhàng, sảng khoái. Bởi đằng sau cái đáng cười của các đối tượng ấy vẫn có nét đáng yêu. Phải từng trải lắm, coi nhẹ cái danh nhà thơ lắm mới có thể hài hước được với “sĩ diện” của mình và của đồng nghiệp. Nhưng cũng có không ít nụ cười để lại dư vị đắng ngắt. Một ông xếp bự tỏ vẻ quan tâm đến nhân viên, luôn mồm hỏi và khen “Tốt! Tốt!” mà không thèm đếm xỉa đến việc người ta đang gặp tai họa! Một vị tiến sĩ đến lúc bạc đầu vẫn còn tụng tiếng Anh:
                            Ba mươi năm dạy văn thế giới
                            Tiếng Anh tụng đều đầu hôm, sớm mai

                             Người ta xuất ngoại như buôn chuyến
                             Tiến sĩ chưa hề qua nước ai!

                              Vợ đã sinh con, con sinh cháu
                             Tiếng Anh tụng đều đầu hôm, sớm mai. (Tụng … tiếng Anh)

Còn những câu thơ dưới đây có lẽ đã vượt qua khỏi ranh giới của cái hài, khiến người đọc không thể không suy ngẫm:                                   
                              Chồng nghiện thơ mê rượu
                              Triền miên những đêm say.
                              Vợ ngồi gạt nước mắt
                              Biết thế lấy thợ cày! (Vợ nhà thơ)

Với “Cai thơ”, Phạm Quốc Ca đã chứng tỏ khả năng hài hước rất có duyên của mình. Thơ hài của anh cô đọng: thường mỗi bài chỉ 6 hoặc 8 câu, mỗi câu 5, 6 từ. Mỗi bài thơ là một câu chuyện với cấu tứ chặt chẽ, chứa đựng sự bất ngờ. Chỉ qua một vài từ ngữ, chi tiết ngắn gọn, anh đã tạo được tình huống gây cười. Điều thú vị là những bức chân dung nhà thơ, bạn rượu tuy được anh phóng đại quá cỡ nhưng không phải không chứa đựng ít nhiều sự thật!

Bêu riếu những “thói hư tật xấu” của mình phải chăng cũng là sự khiêm tốn?!  Và phải yêu thơ, quý bạn đến mức nào đó, mới có thể bông đùa, cười cợt như thế.
 
Chùm thơ hài hước của Phạm Quốc Ca
                         
Bạn thơ

Gặp nhau là bia, rượu
Là bình thơ, quát thơ
Nửa đêm chưa tàn cuộc
Vợ bạn phải bơ vơ:

- Trông ai cũng tử tế
Mà sao lại làm thơ?



Cai … thơ

Sướng thay nhiều thi sĩ
Làm thơ mà lên quan
Nay Hoa Kỳ, mai Nhật
Mốt ngắm tuyết xứ Hàn

Mình nửa đời ngây dại
Khổ lây cả vợ con
Trại nào cai thơ nhỉ?
Tiệt mơ mộng nghìn năm!
                             


Lời người say tiễn bạn

- Uống thế mới hoành tráng!
Chuyện vui cười vỡ nhà
Vợ mình khoái cậu lắm
Đêm mai đến nữa nha!                        

Quá gay

- Bài thơ em hay thế
Không được in số này!...
Nữ sĩ chợt òa khóc
Nhà vắng
Làm sao đây?

Tim tôi như muốn đứng
Vợ đang về!
Quá gay!


Hoàng Trọng Hà