Gặp nhà thơ, nhà báo Văn Thảo Nguyên

03:08, 17/08/2011

Vậy là hơn mười năm, tôi lại có dịp gặp nhà báo, nhà thơ Văn Thảo Nguyên tại Đà Lạt. Anh Nguyễn Thanh Đạm, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng đưa anh đến Khách sạn Đà Lạt Hoàng Gia nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh giới thiệu, tôi ngạc nhiên vì anh Văn Thảo Nguyên rất trẻ so với tuổi. Năm nay anh đã hơn 80, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, săn chắc.

Nhà thơ, nhà báo Văn Thảo Nguyên (bìa phải)
Nhà thơ, nhà báo Văn Thảo Nguyên (bìa phải)
Vậy là hơn mười năm, tôi lại có dịp gặp nhà báo, nhà thơ Văn Thảo Nguyên tại Đà Lạt. Anh Nguyễn Thanh Đạm, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng đưa anh đến Khách sạn Đà Lạt Hoàng Gia nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh giới thiệu, tôi ngạc nhiên vì anh Văn Thảo Nguyên rất trẻ so với tuổi. Năm nay anh đã hơn 80, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, săn chắc.

Nhà báo, nhà thơ Văn Thảo Nguyên từng nổi tiếng với bài thơ Nói với trái tim mình, và những dòng thơ trong một bài thơ:.. Trời xanh chi mà xanh xanh thế! Đất lạ đất níu bàn chân. Tôi gặp lại nụ cười của Huế, Giữa Hương Lâm một sáng mùa xuân… Một bài thơ viết về vùng kinh tế mới Huế ở Đạ Huoai ngày nào vẫn còn ăm ắp trong trái tim người đọc một thời.

Một buổi sáng mùa thu tại khách sạn, tôi được ngồi nói chuyện cùng anh và hiểu thêm buổi đầu khai sinh ra Báo Lâm Đồng cũng như nỗi gian truân nhưng nhiều kỷ niệm của những người làm báo thời bao cấp. Năm 1977, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã mời anh, lúc đó đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở thành phố Hồ Chí Minh về làm Báo Lâm Đồng. Đồng chí Trần Lê, Bí thư Tỉnh uỷ lúc đó đã ký quyết định cử đồng chí Chín Cán ( Phạm Thuần) làm Chủ nhiệm, đồng chí Hồ Phú Diên làm Tổng Biên tập, Văn Thảo Nguyên làm Phó Tổng biên tập. Ban biên tập mời anh Nguyễn Đăng Cương làm Thư ký toà soạn. Sau đó có thêm nhà báo, nhà thơ Phạm Vũ, Nguyễn Hữu, Đinh Tráng, Đặng Văn Đức, Ngô Duy Chuyên, Trần Hữu Lục…

Thuở ban đầu, Báo Lâm Đồng chỉ có 10 người. Báo ra khổ lớn bằng báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân. Một tuần ra 1 số 4 trang. Số báo đầu tiên là ngày 19 tháng 8 năm 1977, đúng dịp Kỷ niệm 32 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 – 9.  Báo được in trên giấy trắng, hình ảnh rõ ràng, rất đẹp. Đây là tờ báo Đảng của tỉnh có khổ báo lớn nhất trong cả nước, cũng vì thế mà các anh bị nhắc nhở vì “dám” làm bằng báo Trung ương. Báo Lâm Đồng cũng là tờ báo “sinh sau đẻ muộn” so với các báo tỉnh ở phía nam sau năm 1975.

Khi nhận nhiệm vụ, Toà soạn triển khai hoạt động ngay. Phóng viên, kể cả Chủ nhiệm, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập đều xuống cơ sở khai thác tư liệu, viết bài, chụp ảnh. Một lần, các đồng chí Phạm Thuần, Văn Thảo Nguyên trên đường đi công tác về vùng căn cứ cách mạng ở Sơn Điền thì gặp hàng chục đồng bào của một buôn ở Di Linh đang nhảy múa, vỗ tay hát những bài hát cách mạng như: Như có BácHồ trong ngày vui đại thắng, Giải phóng miền Nam…các đồng chí vui mừng quá. Lúc đó có một đồng chí ở xã đi ra rỉ tai cho biết là Fulrô đang tổ chức mít tinh. Đây là giai đoạn Fulrô hoạt động chống phá quyết liệt, nhưng vì không có bài hát nào nên chúng dùng bài hát của cách mạng để hát…

Chuyện làm báo buổi đầu của Báo Lâm Đồng thật nhiều kỷ niệm. Báo in đẹp, khổ lớn, nhưng tiền in lại được Nhà máy in Tiến Bộ (sau này là Liksin) cho không. Đáp lại nghĩa cử cao đẹp của Nhà máy in, cứ dịp lễ tết, toà soạn mua một xe hoa tươi Đà Lạt chở về thành phố biếu tặng anh em cán bộ, công nhân nhà máy. Những đoá hoa tươi Đà Lạt rực rỡ trong phòng khách nhà máy, trong mỗi gia đình những ngày xuân đến.

Sau năm 1975, tình hình lương thực thực phẩm khó khăn, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước được hưởng chế độ theo tem phiếu. Lương thực chủ yếu là khoai mì, khoai lang. Gạo chiếm một tỉ lệ rất thấp trong khẩu phần ăn. Các cơ quan phải tự túc lương thực thực phẩm để bù vào tiêu chuẩn. Vậy là toà soạn lại dành một vài ngày trong tuần xuống cơ sở trồng lúa và hoa màu. Có khi toà soạn phải đóng cửa cả tuần liền tổ chức đi lao động sản xuất. Khổ cực lắm nhưng cũng vui lắm.

Ngay từ những ngày đầu làm báo, Báo Lâm Đồng đã tham gia chống tham nhũng và tiêu cực trong xã hội. Một sự kiện mà anh không thể nào quên, là có một lần một cán bộ cơ sở lấy bớt phần lương thực của một người già, anh đã viết bài đăng báo. Đến mức, anh chàng cán bộ ấy đã dí súng vào cổ tự sát, nhưng rất may chỉ bị thương nhẹ.
    
Nhà báo, nhà thơ Văn Thảo Nguyên cho biết thêm về Toà soạn đầu tiên của Báo Lâm Đồng là ngôi biệt thự 22 Hùng Vương, Đà Lạt. Sau năm 1975, biệt thự này tỉnh giao cho đồng chí Mỹ, Trưởng ty Công an lúc bấy giờ ở và quản lý. Năm 1977, các đồng chí lãnh đạo của Báo đến gặp đồng chí Mỹ, qua trao đổi, đồng chí Mỹ đã giao ngôi biệt thự cho Báo làm trụ sở. Có được căn nhà 22 Hùng Vương, Toà soạn lại xin thêm ngôi biệt thự số 29 rồi 14 Hùng Vương làm nơi ở cho phóng viên, biên tập của Báo.

Nhà báo, nhà thơ Văn Thảo Nguyên từng được đào tạo là nhà biên kịch. Một số phim tài liệu, phim truyện do anh viết kịch bản đã được dàn dựng. Nhưng anh không theo nghề nghiệp mà mình đã học. Lối rẽ mới của anh là báo chí… Hoàn cảnh gia đình anh khá đặc biệt. Sau ngày cưới, vợ sinh cho anh được một cháu gái ba tuổi thì từ giã cõi đời. Anh ở vậy nuôi con khôn lớn cho đến bây giờ. Một phần cũng do công việc vào ra chiến trường, nay đây mai đó không có thời gian để nghĩ về tổ ấm mới của mình. Nay tuy tuổi đã cao, nhưng anh vẫn tiếp tục nhận công việc mà cấp trên tin cậy giao phó.
Anh thực sự vui mừng khi Báo Lâm Đồng ngày càng trưởng thành, từ chỗ một tuần một số, nay lên 4 số một tuần và có báo điện tử, bản tin ảnh “Dân tộc – Miền núi” hàng tháng là một cố gắng lớn của tập thể cán bộ, phóng viên, viên chức của Báo.

Câu chuyện về Báo Lâm Đồng cứ miên man trong hồi ức kỷ niệm của anh. Anh ngồi lặng nhìn ra bầu trời đầy mây của Đà Lạt trong mùa thu này. Bất chợt nhìn lên khuôn mặt phúc hậu của anh, tôi nhận ra một giọt lệ long lanh tràn ra khoé mắt. Đôi mắt ấy một thời đã rực lên khi đứng trước những hiện tượng tiêu cực manh nha phát sinh trong xã hội, nhưng đôi mắt ấy cũng từng thẫm đẫm thương yêu đằm thắm của những câu thơ anh viết cho đời. Và trong hoài niệm xa xăm ấy hiện lên bóng dáng một con người từng hết mình với tờ báo ở vùng đất mà anh yêu quý: Đà Lạt – Lâm Đồng.
 
 Đà Lạt mùa thu tháng Tám 2011
 
TRẦN NGỌC TRÁC