Họa sĩ Vi Quốc Hiệp và hành trình ngược miền ký ức di sản

03:10, 30/10/2013

Một trăm hai mươi tác phẩm của Vi Quốc Hiệp trình làng chủ yếu là những sáng tác mới và một ít tác phẩm lần đầu xuất hiện. Một số tác phẩm về hoa, thiếu nữ còn chủ yếu là kiến trúc và biệt thự Đà Lạt bằng sơn dầu, phấn màu và acrylic.

Trước ngưỡng cửa Đà Lạt tròn tuổi 120, Hội VHNT Lâm Đồng và họa sĩ (HS) Vi Quốc Hiệp chúc phúc bằng cuộc triển lãm hội họa ngay trung tâm thành phố vào ngày 2/11. Một trăm hai mươi tác phẩm của Vi Quốc Hiệp trình làng chủ yếu là những sáng tác mới và một ít tác phẩm lần đầu xuất hiện. Một số tác phẩm về hoa, thiếu nữ còn chủ yếu là kiến trúc và biệt thự Đà Lạt bằng sơn dầu, phấn màu và acrylic.

HS Vi Quốc Hiệp và tác phẩm mới của mình
HS Vi Quốc Hiệp và tác phẩm mới của mình


Sợ người xem ngả mũ cúi chào

Mái tóc bồng xõa, nụ cười đôn hậu, HS Vi Quốc Hiệp thân thiện, tự nhiên như chính thiên nhiên Đà Lạt. Ở tuổi 65, người trẻ trung, tranh tươi mới; đắm đuối cái đẹp lãng mạn mà chan chứa nỗi niềm. Vi Quốc Hiệp vẽ bằng nhu cầu thẩm mỹ tự thân, như những con sóng lừng ào ạt bùng lên từ đáy biển cho thỏa chí. Vẽ, không tuột mất cảm xúc của không gian tâm lý. Vẽ, vì không gian vật lý đang ngày một mất đi. Vẽ để giữ lửa trong mình và để níu kéo khoảnh khắc thực tại. Vi Quốc Hiệp lang thang góc cùng ngõ hẹp để chiêm ngưỡng hàng nghìn biệt thự cổ của thành phố rồi hối hả sáng tạo bằng sức tưởng tượng đa chiều. Anh đắm say khám phá từng chi tiết của nghệ thuật biệt thự mà những người tạo ra nó kỳ công tính toán và cả thời gian phết lên những mảng màu xưa cổ… Nhưng tranh Vi Quốc Hiệp không tả thực, anh biểu cảm trừu tượng và lập thể, tổng hợp bằng hình thể và màu sắc của cọ, bàn tay, cắt dán, đắp nổi... Tranh biệt thự Đà Lạt của anh phản chiếu từ nhiều chiều, đa diện. Thấp thoáng trong rừng, gần và xa, sương mù lãng đãng, vạt nắng bừng vàng, mảng lá xanh, khóm hoa rực rỡ... Không gian khoáng đạt, hoa lá mộng mị ven các lối đi giao mùa. Phảng phất và sâu lắng những nét đẹp vĩnh cửu: ô cửa sổ xinh, ống khói chót vót, mái nhà uốn lượn và cả những mảng tường rêu phong…

Giàu mỹ cảm, sáng tạo đắm say, tác phẩm của Vi Quốc Hiệp có sức lan tỏa, chạm vào những cung bậc tế vi của tâm hồn, nhận được mối giao cảm cộng hưởng ở người thưởng lãm. Mỗi tác phẩm dồn nén của trải nghiệm, dâng trào của cảm xúc rồi thể hiện thành độc bản. 35 năm, Vi Quốc Hiệp sáng tác gần 400 bức tranh về biệt thự cổ Đà Lạt nhưng triển lãm này 90% bức sáng tác trong 5 năm qua. Anh nói: Mình giữ đúng lời hứa với người xem, không treo tranh đã triển lãm và có như thế mình mới thúc mình luôn luôn sáng tạo. Sợ nhất là ai đó đi qua tranh triển lãm người ta ngả mũ cúi chào: tôi đã gặp anh rồi.  

 Biệt thự cổ Đà Lạt
Biệt thự cổ Đà Lạt


Thông điệp về di sản

Năm 2006, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Lịch sử Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia trao đổi với tôi về Đà Lạt: “Muốn trở lại những giá trị đã có, chúng ta phải vượt qua được cái ngưỡng trong nhận thức là di sản của chế độ cũ. Chúng ta mặc cảm về chế độ nặng nề mà quên rằng di sản ấy là di sản của nhân dân, của dân tộc mình và kể cả di sản của nhân loại nữa”. Vi Quốc Hiệp đã cố níu giữ những di sản ấy bằng phản xạ tự nhiên của người con vùng cao xứ Lạng và bằng lăng kính của người họa sĩ đa tình tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam hơn 40 năm. Ba mươi lăm năm làm cư dân Đà Lạt, anh ý thức bổn phận phải giữ lấy hồn cốt kiến trúc Đà Lạt bằng hội họa. Ký thác tình yêu thành phố như thơ anh: “Lác đác những ngôi biệt thự mọc lên/Ẩn hiện khoe vẻ đẹp đài các kiêu sa/Những vòm cửa ống khói mái ngói nhấp nhô/Sáng sớm tinh mơ sương mù rủ nhau choàng khắp thành phố”. Hành trình ngược về miền ký ức của Vi Quốc Hiệp trước hết là sự giải tỏa chủ thể thẩm mỹ, sau nữa là thông điệp hãy giữ gìn những di sản quý. Hai mươi cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước, bao giờ biệt thự Đà Lạt cũng được HS Vi Quốc Hiệp trình bày.    

TĨNH XUYÊN