Yếu tố văn hóa - bước đột khởi của du lịch Đà Lạt trong giai đoạn mới

03:10, 30/10/2013

Du lịch Đà Lạt đang đứng trước xu hướng chủ động hội nhập với toàn cầu. "Hội nhập" thì nói và bàn nhiều rồi, nhưng "chủ động hội nhập" thì nhận thức trong không ít người còn mập mờ lắm!

Du lịch Đà Lạt đang đứng trước xu hướng chủ động hội nhập với toàn cầu. “Hội nhập” thì nói và bàn nhiều rồi, nhưng “chủ động hội nhập” thì nhận thức trong không ít người còn mập mờ lắm! Trong từ “chủ động” ta muốn lưu tâm tới việc hãy từ “ta” mà đến với “người”. Có thế mới mang lại hiệu quả như mong đợi. Muốn thế, cần hiểu rõ và hiểu đúng “ta” như thế nào? Hay-dở ra sao và ở đâu? Không dễ trả lời. Vì phải thật sát hợp và cụ thể. Không thể vu khoát và trừu tượng. Ta từng phải trả giá, đôi khi khá đắt, cho những dự tưởng, những dự án vu vơ kiểu đó. Thấm thía quá rồi mà! Vậy trở ngại lớn nhất từ phía chủ quan hiện giờ là gì? Có nhiều cách trả lời. Theo tôi, không gì khác, mà nằm ở thói quen cố hữu trong tư duy và cách làm du lịch.  
 

Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phan Văn Em
Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phan Văn Em

Tính đến nay, công cuộc Đổi mới đã chính thức triển khai được gần 27 năm nếu tính từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1986). Rất nhiều thành tựu to lớn đã được thừa nhận rộng rãi. Nhưng không ít hạn chế, bất cập đã lộ ra, càng ngày càng rõ rệt hơn. Nói riêng về du lịch Đà Lạt cũng thế. Sau một thời gian phát triển liên tục, nó hiện đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng mang tính quyết định: hoặc cứ đi theo quán tính với sức lỳ dai dẳng hoặc phải thay đổi theo hướng mới một cách rốt ráo và quyết liệt? Cứ như một người học ngoại ngữ ấy! Giai đoạn hăm hở trước cái mới lạ do thứ tiếng mới đem lại đã chấm dứt, giờ đứng trước một thử thách sống còn: phải bứt phá! Nếu không, tất sẽ rơi vào trạng thái bất động. Mọi cái hầu như không mấy tiến triển, cũng có nghĩa là thoái lui. Rồi không mấy chốc lại sẽ trở về trạng thái ban đầu. Bao công sức xem ra đổ xuống sông xuống biển hết cả… Có thể hình dung du lịch Đà Lạt đang ở trạng thái bão hòa như vậy. Rất cần một cuộc bứt phá tổng lực. Khâu đột khởi giữa lúc này, theo chúng tôi, không thể nào khác mà chính là việc gia tăng yếu tố văn hóa trong du lịch. Chỉ có thế mới tạo nên một bước chuyển ngoạn mục về chất trong mọi khâu và mọi hoạt động. Đó chính là động lực cơ bản tạo nên sự phát triển bền vững, ảnh hưởng tích cực và dài lâu tới mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần của toàn thành phố trong tương lai không xa.

Rất cần thống nhất xem yếu tố văn hóa ấy là gì vậy? Ngày 9 tháng 12 năm 2005, Ủy ban UNESCO của Liên hiệp quốc họp Đại hội lần thứ 33 và đã kí Công ước bảo hộ và xúc tiến các hình thức biểu hiện văn hóa đa dạng, gọi tắt là Công ước về đa dạng văn hóa. Trong tài liệu nêu trên, ngài F. Moyor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, có đưa ra một định nghĩa về văn hóa được nhiều nước chấp nhận: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động đó hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu, những yếu tố các đặc tính riêng của dân tộc”.  Ngài còn nói rõ thêm: “Văn hóa nên được xem là một tập hợp các đặc điểm nổi bật về mặt tinh thần, vật chất, trí thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn chương và nghệ thuật thì văn hóa còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng - Tôi nhấn mạnh” (*). Như vậy, cần xem bản chất văn hóa không gì khác mà chính là chất Người (viết hoa) được kết tinh trong mọi hoạt động và sản phẩm về vật chất cũng như tinh thần của xã hội, tập trung hơn cả ở vẻ đặc sắc của văn chương - nghệ thuật. Một quan niệm như thế về văn hóa có thể xem là sát hợp và toàn diện. Đặc biệt là từ điểm nhìn của ngành Du lịch hôm nay.

Dựa vào đó, chắc có người sẽ lên tiếng cật vấn: Ta đã quan tâm tới yếu tố văn hóa trong du lịch từ lâu rồi đấy chứ! Nếu không thì sao có được những thành tựu được thừa nhận rộng rãi như ngày hôm nay. Chúng tôi không mảy may có ý phủ nhận. Nhưng cần nhìn yếu tố văn hóa trên một tinh thần mới - toàn diện và triệt để hơn. Chỉ xin nêu một dẫn dụ điển hình về chủ thể du lịch. Từ trước tới nay chúng ta đã chú trọng đầu tư theo hướng văn hóa hóa chủ thể du lịch. Rất nhiều lớp bồi dưỡng ý thức, trình độ và kỹ năng văn hóa ngắn và dài hạn cho người làm du lịch đã được mở ra. Hiệu quả rất đáng khích lệ. Cứ đến bất cứ khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… nào ở Đà Lạt rồi sẽ thấy rõ. Tính chuyên nghiệp trong khâu phục vụ mà phẩm chất văn hóa là yêu cầu trước tiên đã được nâng cao lên khá nhiều. Từ ăn mặc, đi đứng, nói năng… đến giao tiếp, quan hệ, ứng xử… Nhiều tấm gương sáng có thể đem ra cùng soi chung. Tuy nhiên, có một câu hỏi tự nhiên được đặt ra: Tại sao chúng ta chỉ giới hạn việc nâng cao văn hóa cho những người trong ngành? Nên thấm nhuần phương châm “Toàn dân làm du lịch”. Không, đó tuyệt nhiên không phải là khẩu hiệu suông. Nó ẩn chứa một tầm nhìn xa rộng. Chúng tôi muốn nói rằng, nếu không dần dà tạo nên ý thức văn hóa thường trực và hành vi văn hóa thường xuyên cho mỗi người dân Đà Lạt thì đừng nói tới những dự định cao siêu nào khác.

Vậy yếu tố văn hóa trong du lịch biểu hiện ở đâu? Rất cần một quan niệm toàn diện: trong môi trường du lịch, qua sản phẩm du lịch và nơi con người du lịch.

Môi trường du lịch mang tính văn hóa là điều kiện của mọi điều kiện. Đà Lạt rất giàu tiềm năng du lịch tự nhiên như cảnh quan thơ mộng, khí hậu mát mẻ, kiến trúc độc đáo… Ấn tượng tạo ra nơi du khách trên thực tế là đặc biệt và bền lâu. Nhưng phải chăng từ trước tới nay chúng ta nặng về khai thác những ưu thế sẵn có mà ít chú tâm bồi bổ, nâng cao theo xu hướng giữ gìn bản sắc mà vẫn gia tăng tính hiện đại? Trong rất nhiều điều cần nói, về phương diện văn hóa, có lẽ cái cần nói đầu tiên chính là sự thân thiện. Như những người am hiểu đã bàn và đi tới thống nhất thì trong du lịch ấn tượng tổng hòa về một chuyến đi là quan trọng bậc nhất. Ấn tượng ấy biểu hiện ở mọi nơi mọi lúc. Làm thế nào để thỏa mãn được du khách? Ở đây, sự thân thiện của môi trường, theo chúng tôi, mang tính quyết định. Chớ nên nghĩ sự thân thiện một cách trừu tượng. Cảm giác thoải mái, an tâm trong sự cởi mở, khoáng đạt… nơi du khách là những gì thật sự sinh động và sống động. Một vài ví dụ nhỏ: nạn buôn bán vỉa hè liệu đã chấm dứt? Xe lưu thông trên đường thường dốc và cua liệu đã đảm bảo an toàn?... Ở đây, xin nêu một đề xuất. Vào những năm 1990, khi cần thu hút đầu tư, thành phố đã cho làm sân gôn 18 lỗ dưới hình thức liên kết. Đó là một quyết định sáng suốt và táo bạo vào thời đó. Nhưng tới giờ, liệu có còn thích hợp? Xin nêu ra ba vấn đề để cùng bàn bạc. Một là, có nên để sân gôn nằm ở ngay trung tâm thành phố? Hai là, sân gôn có chủ yếu phục vụ đa số không? Và ba là, sân gôn đem lại lợi ích kinh tế như thế nào? Có lẽ các nhà hoạch định tương lai của Đà Lạt nên suy xét kỹ để sớm có câu trả lời thỏa đáng. Tôi nghĩ, sự trưng cầu dân ý có lẽ là một cách tốt nhất để có thể định đoạt một cách đúng đắn…

Sản phẩm du lịch mang tính văn hóa rất cần sự độc đáo. Càng đặc sắc càng hay. Để làm sao khi nói tới Đà Lạt là người ta nghĩ ngay tới những sản phẩm đặc trưng đó. Người ta gọi Đà Lạt là “Thành phố hoa”. Đúng quá rồi! Nhiều năm nay chúng ta đã tốn không ít công sức và tiền của để tô đậm cho đặc trưng hiếm hoi này. Lễ hội Hoa định kỳ ngày một mở rộng về tính chất và quy mô là một dẫn dụ tiêu biểu. Nhưng vẫn còn đó không ít trăn trở. Ngay ở những người có trách nhiệm cao nhất. Chẳng hạn: Làm sao để những chi phí không nhỏ trong mùa lễ hội được lưu giữ dài lâu? Thật tiếc nếu bao nhiêu công sức và tiền bạc bỏ ra cho một xe hoa tham gia diễu hành thành phế thải khi lễ hội hoành tráng kết thúc. Và còn nhiều, nhiều nữa những băn khoăn cụ thể không thể nói là không tâm huyết và chính đáng. Vì suy cho cùng thì đó cũng là tài sản vật chất của người dân mà! Ta phải tính toán sao cho thật nghiêm cẩn. Ở đây, cũng chỉ xin nêu ra một đề xuất. Những năm tháng học tập ở Liên Xô cũ, trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, tôi có dịp đi thăm nhiều thành phố thuộc 15 nước cộng hòa. Dừng ở đâu, tôi cũng gắng tìm mua cho bằng được huy hiệu riêng của từng thành phố. Nó là biểu trưng của vùng đất mà! Sau này, mỗi lần nhìn những tấm huy hiệu tưởng như vô tình kia thì rất tự nhiên, bao kỷ niệm riêng có với mỗi thành phố từng đi qua chợt sống dậy trong tâm trí. Tôi coi đó là những hành trang tinh thần quý giá của riêng mình. Liệu ta có nên học tập những việc làm tưởng nhỏ nhoi mà thật giàu ý nghĩa tương tự?

Cuối cùng, yếu tố quyết định bao giờ cũng tập trung ở con người của một vùng đất. Rất cần phải văn hóa hóa con người là vì thế. Càng rộng rãi, càng thường xuyên càng tốt. Phẩm chất văn hóa đáng quý nhất trong các hoạt động du lịch, theo tôi, nằm ở sự lịch thiệp. Mà lịch thiệp theo kiểu rất Đà Lạt kia! Chỗ này thì phải biện giải thêm một chút. Nhiều người cho rằng, có nên đặt vấn đề phong cách người Đà Lạt khi thành phố của chúng ta còn quá trẻ - chỉ mới có 120 năm hình thành và phát triển. Chúng tôi lại nghĩ khác. Phong cách con người của một vùng đất hẳn nhiên tùy thuộc vào lịch sử. Càng dài lâu càng dễ đậm nét. Như Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Nam Định… Nhưng không thể không tính tới những yếu tố quan thiết khác. Chẳng hạn, cảnh quan và khí hậu. Ở những phương diện này, thành phố của chúng ta tỏ ra nổi trội hơn cả. Vậy, phải chăng sự kín đáo, nhỏ nhẹ, khoan thai, hiền hòa… đã sớm hình thành nên bản sắc của người Đà Lạt? Sự lịch thiệp mang nét riêng của con người Đà Lạt tất bị chi phối bởi những đặc tính chung ấy. Điều này có thể khó chỉ ra tường tận nhưng cảm nhận được thì lại không hề khó. Mà sự cảm nhận trong du lịch nhiều khi quan trọng hơn sự hiểu biết rất nhiều…

Như vậy, chúng tôi đã nhấn mạnh tới những biểu hiện khác nhau của yếu tố văn hóa trong du lịch từ điểm nhìn của thành phố chúng ta. Chắc không một ai lại có ý định tách rời ba yếu tố ấy ra cả. Nói một cách khác, khi chú tâm nâng cao từng yếu tố môi trường, sản phẩm hay con người trong văn hóa du lịch là ta đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp nâng cao những yếu tố khác trong một tổng thể văn hóa duy nhất rồi. Chỉ có như vậy, chúng ta mới mong đẩy nhanh hiệu quả và chất lượng hoạt động du lịch của Đà Lạt theo mong muốn da diết của mọi người trong điều kiện mới đã khác trước rất nhiều…

(*) Trần Đình Sử: Bản chất đa dạng của văn hóa - vanhocviet.org.

PGS-TS. Phạm Quang Trung