Công nhận nghề truyền thống làm nhẫn bạc của ChuRu

04:11, 06/11/2013

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định công nhận nghề làm nhẫn bạc của dân tộc ChuRu xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đạt tiêu chí nghề truyền thống. Sản phẩm của nghề này là đồ mỹ nghệ được chế tác từ bạc. 

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định công nhận nghề làm nhẫn bạc của dân tộc ChuRu xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đạt tiêu chí nghề truyền thống. Sản phẩm của nghề này là đồ mỹ nghệ được chế tác từ bạc. Sau khi được công nhận, nghề này sẽ được hưởng các chính sách khuyến khích về mặt bằng sản xuất, đầu tư tín dụng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực theo Nghị định 66 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. 
 
Anh Kajong Ja Tuất đang chế tác và những sản phẩm nhẫn bạc đã hoàn thiện
Anh Kajong Ja Tuất đang chế tác và những sản phẩm nhẫn bạc
đã hoàn thiện
 
Trong thực tế, nghề làm nhẫn bạc hiện chỉ còn gia đình dân tộc ChuRu duy trì là anh Kajong Ja Tuất, vợ Ma Wen và con trai Ja Thương. Đây là nghề làm đồ trang sức bằng bạc do người cậu (em của mẹ) là già làng Grang truyền nghề  cho anh Ja Tuất cách đây hơn 20 năm. Qua đúc kết kinh nghiệm, Ja Tuất hiện đã chế tác được 12 kiểu nhẫn, trong đó có “nhẫn lạ”, “nhẫn liền” trơn, hoa văn nhẹ của nữ và “nhẫn có mắt”, “nhẫn có đầu” (núm) của nam. 
 
Quy trình chế tác của anh hoàn toàn bằng thủ công, ngoài chất liệu bạc còn có các chất liệu khác như hạt kơnia, lông đuôi voi và phương tiện chế tác là đất bùn, phân trâu, sáp ong, lá dứa rừng, nước bồ kết… Theo nghệ nhân Ja Tuất, quy trình chế tác còn phải dựa vào nhiều kinh nghiệm về thời tiết, thời gian… Nhẫn của Ja Tuất chủ yếu phục vụ các lễ cưới hỏi của đồng bào các dân tộc bản địa như ChuRu, Raglai… ở Tây Nguyên, Ninh Thuận và một số ít bán cho du khách. Anh Ja Tuất rất vui mừng khi được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống và đang hy vọng được quan tâm đầu tư để cố gắng duy trì và phát triển một nghề đặc sắc của ông cha để lại.   
 
MINH ĐẠO