Nước Nga trong thơ Nguyễn Mộng Sinh

03:11, 06/11/2013

Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã sang Nga (Liên Xô cũ) nghiên cứu, học tập, lao động. Nhiều người khi trở về nước đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước; trở thành những nhà khoa học… Văn học nghệ thuật Nga cũng tạo được dấu ấn đặc biệt trong tâm hồn của nhiều nghiên cứu sinh, những người lao động Việt Nam khi đến với đất nước này. 

Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã sang Nga (Liên Xô cũ) nghiên cứu, học tập, lao động. Nhiều người khi trở về nước đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước; trở thành những nhà khoa học… Văn học nghệ thuật Nga cũng tạo được dấu ấn đặc biệt trong tâm hồn của nhiều nghiên cứu sinh, những người lao động Việt Nam khi đến với đất nước này. 
 
Nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh trong Đêm thơ nhạc nước Nga năm 2007
Nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh trong Đêm thơ nhạc nước Nga năm 2007
 
Đà Lạt chào đón khá nhiều người con Việt Nam sau một thời gian dài học tập ở nước Nga về đây định cư, trong đó có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh. Anh sinh năm 1939 tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Năm 21 tuổi khi đang học năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh và một số bạn bè được cử sang Liên Xô học tập. Anh theo học, nghiên cứu hóa phóng xạ và nguyên tố hiếm ở Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kiev thuộc Nước Cộng hòa Ucraina. Năm 1968, anh là Phó Tiến sĩ Hóa học; là cộng tác viên khoa học Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúpna từ năm 1970 cho đến năm 1974. 
 
Về Việt Nam, anh đảm nhiệm nhiều chức vụ liên quan đến khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân. Nhưng với anh, nước Nga vẫn là những gì không thể nào quên. Với 12 năm gắn bó cùng nước Nga, ngôn ngữ Nga đã ở mãi trong anh. Người Nga, đất nước Nga luôn gợi trong anh nhiều kỷ niệm. Anh nhớ về những người thầy dạy dỗ anh tận tình, như  Giáo sư, viện sĩ Anatoli Cherenchievich Pilipenco, Giáo sư Andrey Matveenich Golup; chuyên gia hạt nhân Gheorghi Nhikolaievich  Flerov…, nhớ về những người bạn Nga, trong đó có Andrey Mailasốp… đã từng gắn bó với anh những năm tháng sinh viên trên đất bạn. 
 
Về nước, anh tham gia trong Liên hiệp các Hội KHKT Lâm Đồng, Hội VHNT Lâm Đồng và trở thành nhà thơ của Hội. Nước Nga đã vào thơ anh một cách tự nhiên. Ngay trong những ngày ở Nga, mỗi khi nhớ về Việt Nam, nhớ vợ con, anh lại tự an ủi mình: Anh lấy nhớ thương nuôi dòng cảm nghĩ / Thấy trong cách xa sự thử thách tâm hồn/ Những năm tháng chia ly không làm đời vô vị / Chỉ rèn giũa tình yêu trong sáng hơn (Khi xa - 1972).
 
Có những lúc anh khao khát muốn được về nước ngay; được nhìn thấy quê hương, gia đình mình ngay cho dù khó khăn vất vả đến đâu cũng cam chịu: Chẳng ở đâu bằng quê Mẹ ta/ Khó khăn gian khổ vẫn quê nhà / Rồi về ta tắm ao ta nhé,/ Nước đục mai này sẽ trong ra! (Cảm tác - 1973). Thế rồi, anh đã xác định yên tâm ở lại học tập, nghiên cứu. Những năm tháng trên nước Nga, anh đã qua rừng bạch dương, và thốt lên: Ta đi, đường ta đi / Rừng bạch dương vẫy gọi / Ôi sao thấy thần kỳ / Những sắc màu tươi rói! / Đó có phải hồn Nga /Trắng trong và hiền lành / Có phải những Dôi-a /Đã đi vào sử xanh ?/ Ôi bạch dương, bạch dương / Cớ sao người không nói / Trầm lắng đứng bên đường/ Chào cuộc đời đi tới! (Rừng bạch dương - 1971).
 
Một lần qua vùng Dacappat, nhìn thấy quang cảnh nơi đây thật hữu tình, anh thổ lộ: Đẹp quá ơi rừng, ơi núi ơi / Chập chùng uốn khúc ánh vàng tươi / Những hàng thông biếc đâm chồi nhọn / Như muốn vươn cao tới mây trời / Thấp thoáng trong cây những mái nhà / Những vườn nho nhỏ lá chen hoa / Tàu đi ngang núi lưng chừng dốc/ Nghe gió hòa theo tiếng suối xa…/ Đâu phải hôm nay mới thấy rừng/ Mà lòng sao bỗng thấy rưng rưng / Thân thương dáng cũ đời đương hẹn / Chia với rừng cây chút tình chung! (Rừng thu - 1971).
 
Sau này khi trở về Việt Nam, nước Nga vẫn ở mãi cùng anh. Nhớ về nhà thơ Nga Ê-xê-nhin (1895-1925), anh ghi lại những dòng thơ: Tôi đi thơ thẩn trong cánh rừng Nga / Đọc Exênhin giữa mùa rụng lá / Thấy hiện lên cảnh làng quê dân dã / Người mẹ già lầm lũi nếp nhà tranh/  Cuộc sống đơn sơ, bình dị, yên lành/ Nhớ đứa con yêu vui buồn lẫn lộn…/ Còn chàng trai, nhà thơ của đồng ruộng/ Vẫn suốt ngày lang bạt nơi xa / Gieo những vần thơ ca ngợi nước Nga/ Lúc say khướt ôm chầm cây liễu rủ / Tưởng người yêu đứng lạc loài trong gió/ Nên hôn nhầm chiếc lá đẫm sương đêm…? (Bản tình ca của Ê-xê-nhin – 1995).
 
Có lẽ bài thơ “Nước Nga” gần đây của anh như là một sự tổng kết những gì anh nghĩ về quê hương của Cách mạng Tháng Mười: “Tôi mang trong người duyên nợ nước Nga/ Mỗi nhịp đập trái tim mình thổn thức / Tấm lòng Nga bao la và chân chất / Nuôi dưỡng hồn tôi thuở biết làm người… Nước Nga đã là một nửa của hồn tôi / Nửa còn lại tôi là người Đất Mẹ/ Ơi Việt Nam thân thương hiền dịu thế / Tấm lòng Người có sắc đỏ hồn Nga…”.   
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh là một nhà thơ ở Lâm Đồng có nhiều bài thơ viết về nước Nga. Anh thường tâm sự: “Vì may mắn được sống và học tập ở nước Nga nhiều năm nên tôi tự coi mình là người chịu ảnh hưởng nền giáo dục của đất nước bạn. Và cũng có thể nói rằng, trong cách sống của tôi khá nhiều ảnh hưởng của tính cách Nga…”. Đọc thơ, chúng ta càng hiểu hơn những tình cảm của anh dành cho nước Nga ân nghĩa đến mức nào.
 
TRẦN NGỌC TRÁC