Gã… "Pleiku nhỏ" đã đi xa…

08:06, 26/06/2014

Nhiều lần tôi đến với Đà Lạt, xứ sở mộng mơ, Đào Hữu Thức (Hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng) đều tìm tôi, anh em cùng ra bờ hồ Xuân Hương nhâm nhi ly cà phê, tán chuyện văn nghệ, chuyện đời… Cảm nhận trong tôi về Đào Hữu Thức là một… gã đàn ông rất phong trần, bụi bặm, nhưng cũng rất… hiền, với nụ cười dễ mến và giọng nói trầm ấm, khá đặc trưng của người Bình Định xa xứ.

Nhiều lần tôi đến với Đà Lạt, xứ sở mộng mơ, Đào Hữu Thức (Hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng) đều tìm tôi, anh em cùng ra bờ hồ Xuân Hương nhâm nhi ly cà phê, tán chuyện văn nghệ, chuyện đời… Cảm nhận trong tôi về Đào Hữu Thức là một… gã đàn ông rất phong trần, bụi bặm, nhưng cũng rất… hiền, với nụ cười dễ mến và giọng nói trầm ấm, khá đặc trưng của người Bình Định xa xứ.
 
Đào Hữu Thức… đa tài, làm thơ, soạn nhạc, chơi đàn và hát cũng khá… thu hút. Anh đã in bốn tập thơ, viết hàng chục ca khúc, song bạn bè nhớ về anh nhiều nhất là qua tập thơ viết cho thiếu nhi “Bé kể cho nghe” và tập “Pleiku nhỏ”, anh viết về những kỷ niệm thời niên thiếu ở Pleiku, với một lối viết dí dỏm, lại rất hồn nhiên, trong sáng, khác với bề ngoài có vẻ “bặm trợn” của anh! Năm 2010, tôi lên Đà Lạt, anh đến thăm tôi chốc lát, rồi sau đó… bận làm “tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch” cho các “em gái” Hà Nội, vốn là những nhà thơ nữ tuổi đã… trung niên như Đào Hữu Thức. Sau đó nghe tin anh bị tai biến, và bây giờ, Đào Hữu Thức, gã “Pleiku nhỏ” đã đi thật xa vào cõi vô thường để thỏa sức mộng mơ và mộng tưởng…
 
Nhà Đào Hữu Thức ở số 120 đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, có lẽ nhà làm đã khá lâu khi mặt đường được tôn tạo, nâng cao, nhà anh trở thành… ở dưới thung lũng, sâu hoắm. Lần ấy, Thức chở tôi về nhà giới thiệu với bà xã và tặng tập thơ “Bé kể cho nghe”, ngồi trên chiếc Vepas “Đài Loan” đã cũ, Thức… băng băng xuống dốc, như một chú bé con… liều lĩnh. Và tập thơ viết cho trẻ con ấy, giống như một món quà tặng tuổi thơ đầy chất hồn nhiên, trong sáng đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về anh. Tập thơ gồm 44 bài thơ “nhỏ”, chữ của Đào Hữu Thức, phần lớn anh viết cho cháu ngoại, nhiều bài rất dễ thương và đáng yêu như bài “Mẹ về” với sự phát hiện rất… trẻ thơ: “Mẹ đội nón bảo hiểm/ Bé nhìn mãi chẳng ra/ Thế mà Mi Lu biết/ Vẫy đuôi mừng từ xa”, hay như bài “Dặn bà” cũng hết sức thú vị “Bà ơi ra bãi biển/ Bà nhớ cụp ô vào/ Gió chiều nay lồng lộng/ Bà bay mất thì sao?”. Phải là một tấm lòng yêu trẻ và một tâm hồn trong sáng mới có những câu thơ tinh tế và đáng yêu đến vậy!
 
Đào Hữu Thức sinh năm 1949 tại Tuy Phước, Bình Định, nhưng phần lớn quãng đời niên thiếu và trưởng thành lại sống tại Pleiku, chỉ sau năm 1975 anh mới về Đà Lạt sinh sống. Hơn nửa cuộc đời anh gắn với phố núi Pleiku, nơi nhà thơ Vũ Hữu Định từng viết: “Phố núi cao, phố núi đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật buồn” và “Đi dăm phút đã về chốn cũ” nên Thức gọi là “Pleiku nhỏ” và viết thành thơ, đặt tên cho tập thơ của mình… và Đào Hữu Thức được bạn bè gọi luôn bằng cái tên “gã Pleiku nhỏ”. Hãy nghe gã tâm sự: “Pleiku nhỏ là ngày ta chưa lớn / Thời đất trời bát ngát mênh mông / Ta dân ruộng nước lu chân đất/ Pleiku quê mình còn quê hơn”. Bởi vì: “Pleiku nhỏ một con phố chính/ Bước vài ba bước đã đến rừng/ Bạn ta có đứa Kinh, đứa Thượng/ Lên đồi xuống dốc thấy mà thương. / Pleiku nhỏ đến thuộc từng cửa hiệu/ Bạn học thân quen cả số nhà/ Từ Công Lập, Bồ Đề, Minh Đức/ Đều biết rõ ai học giỏi nết na”, một chút “xì-tin” lẫn một chút ngang tàng, ngông ngạo của thơ “tuổi teen” thời ấy, và anh đã nhận ra: “Pleiku nhỏ có người chưa kịp lớn/ Phải lòng nhau không dám nói gì/ Đã vội đi chưa kịp câu bày tỏ/ Vào đời còn ấm ức... thương ai!”. Pleiku của Thức là thế đấy.
 
Và cũng ở tập thơ này, gã đã kịp gây cho tôi một… kỷ niệm ấn tượng và… hú vía. Ấy là khi tôi và Thức sau khi đã sương sương gần nửa “két” bia, Đào Hữu Thức chở tôi cũng trên chiếc xe Vepas cà tàng về Nhà sáng tác Đà Lạt, cái dốc khá cao của cổng nhà sáng tác, xe bò lên chầm chậm, tôi bảo gã xuống để đi bộ cho chắc ăn, Đào Hữu Thức “mím môi, mím lợi” trả số tay về số 1, chiếc xe bốc lên, quay đầu lại, tôi vừa kịp nhảy khỏi yên xe, còn Thức cùng chiếc xe… “bò càng” xuống mương nước! May mà có… thơ và “thần men” độ trì nên gã cũng chẳng sao, chỉ bị “lác” miếng da cùi chỏ. Tội nghiệp tập thơ thì bị ướt chèm nhẹp! 
 
Đào Hữu Thức viết khá nhiều thơ cho Pleiku, từ năm 1968, với bài thơ “Nếu ta vắng”, cũng thật đầy tâm trạng của lứa tuổi thanh niên thời bấy giờ: “Nếu ta vắng đời như sông vẫn chảy/ Trường vẫn đông vui như Biển Hồ đầy/ Em đừng để gió mưa nào xô đẩy/ Rơi cả nụ cười mất hết thơ ngây”. Từ những năm ấy, Pleiku trong mắt Thức vẫn “nhỏ” nhắn, đáng yêu: “Pleiku nhỏ như bàn tay/ Và hai ta như là hạt bụi/ Hạt bụi còn có những đắm say/ Biết cho nhau cả trời thân ái”…
 
Viết về quê hương Tuy Phước, Bình Định, Đào Hữu Thức cũng đã có những vần thơ đau đáu, tâm trạng: “Bạn ở phía tây, ta ở phía đông/ Phước Sơn, Tuy Phước, Cầu Gành, An Nhơn…/ Mấy lần dừng lại hỏi lái xe ôm/ Mấy lần điện thoại, mấy lần lạc đường…/ Ngã ba Lô cốt, chị Huệ đâu rồi?/ Bánh hỏi lòng heo, ta từng tương tư?/ Hơn bốn chục năm, một thuở xa xôi/ Bỏ chợ Bình Định, chị đã về trời!”. Phải chăng đó cũng là tâm trạng của những người xa quê lâu rồi mới chợt trở về quê hương, để trở thành khách lạ? Và tâm tình anh ở cuối cuộc đời, cuối cuộc rong chơi anh dành cho Đà Lạt: “Quanh ta hoa lá mầu xanh mướt/ Nắng phủ đầy lên dấu chân người/ Ta lén lên đồi không ai biết/ Vẫn còn nghe tiếng hát rong chơi...” (Đà Lạt hát). Vì Đà Lạt… hát, Đà Lạt rong chơi, nên ở vào cái tuổi 65, Thức đã rong chơi sang cõi khác, như khi anh viết “Tiện Nguyên tiêu”: “Em ạ! Đêm mai là đêm khác/ Xin cứ hồn nhiên giữa đất trời/ Rừng núi đã vì ta bày tiệc/ Hãy ghé môi cùng uống cạn nhau thôi!”. Vâng đã là “Đêm mai là đêm khác”? Cái hồn nhiên vô tư của Thức đã trùng trùng trong ngọn lửa thiêu của “đài hóa thân”. Thân cát bụi cũng trở về cát bụi, cầu chúc cho Đào Hữu Thức, gã “Pleiku nhỏ” trong chuyến hành trình đi xa thật xa sẽ thật: “Mưa vừa với nửa mưa xưa / Lá thành nỗi nhớ mấy mùa về xanh.” (Lá nhớ), bạn bè vẫn mãi nhớ về gã Pleiku nhỏ đáng yêu…
 
Gò Dầu Hạ, tháng 6/2014
 
TRẦN HOÀNG VY