Giọt tình cay đắng

02:06, 25/06/2014

Tôi, Đổng, Thành là ba thằng bạn nối khố với nhau. Ở cái thị xã nhỏ bé này, chỉ đạp xe ba mươi phút là hết đường ngang ngõ tắt. Đổng đẹp trai và có một cái tài, đó là làm thơ. Học phổ thông trung học luôn có thơ đăng báo tỉnh, trung ương. Vì nổi tiếng nên Bình, hoa khôi của trường đã yêu Đổng...

Vợ chồng tôi xuống phòng ăn để ăn bữa tối. Vừa ngồi vào ghế, ngoài cổng có tiếng còi xe máy. Tôi biết đó là Thành, bạn thân của tôi. Cổng vừa mở, Thành nói ngay:
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
- Hậu à, thằng Đổng chết rồi!
 
- Hả, chết rồi? Khi nào?
 
- Ba giờ chiều nay. Bây giờ tao đi báo cho một số đứa ở gần. Ở xa thì chỉ di động được mà thôi.
 
- Có điện cho vợ nó không?
 
- Dẹp mẹ cái con mất nết ấy đi!
 
- Phải gọi, vì con bé đang ở với mẹ nó cơ mà! 
 
Nghe tôi nói câu này, Thành bỗng cau mày nghĩ ngợi, một lúc nói:
 
- Đành phải vậy, để tao lo việc này. Bây giờ mày sang nhà thằng Đổng đi. 
 
Tôi đi vào nhà, vợ tôi nghe tôi nói thở dài chép miệng: Tội nghiệp chú ấy. Mà… làm gì thì làm, đeo đuổi cái nghiệp thơ phú mà làm gì.
 
Tôi thở dài định nói với vợ, cũng tại nó - cái thằng Đổng ấy - chứ tại ai nhưng tôi kìm lại được; và rồi mười lăm năm qua, những gì xảy ra trong cuộc đời này với Đổng mà tôi được chứng kiến, lại hiện ra trước mắt.
 
***
 
Tôi, Đổng, Thành là ba thằng bạn nối khố với nhau. Ở cái thị xã nhỏ bé này, chỉ đạp xe ba mươi phút là hết đường ngang ngõ tắt. Đổng đẹp trai và có một cái tài, đó là làm thơ. Học phổ thông trung học luôn có thơ đăng báo tỉnh, trung ương. Vì nổi tiếng nên Bình, hoa khôi của trường đã yêu Đổng. Nhuận bút một bài thơ thời ấy chỉ mua được bốn bắp ngô luộc hoặc năm củ khoai lang, nhưng đó là niềm vui của ba đứa chúng tôi và Bình. Có bài thơ nào của Đổng xuất hiện trên báo là cả bọn mong nhuận bút mau về.
 
Thi đại học, Đổng và Bình bị trượt vỏ chuối. Tôi, Thành an ủi hai đứa. Họ không buồn mà vui vẻ cười đùa. Và rồi, gần một năm sau, chúng tôi chưa học xong đại học năm thứ nhất, Bình đã làm mẹ ở tuổi mười chín, còn Đổng chính xác là mười chín năm tám tháng tuổi đã là bố. Ăn cơm trước kẻng, gia đình Bình buộc phải cho cưới. Thực ra bố mẹ Bình đã ngăn cản Bình dữ dội mà không được, từ khuyên răn mắng mỏ, đến đòn roi nhưng Bình không sợ. Bị đánh xong lại tìm Đổng. Bình coi Đổng là thần tượng, là chỗ dựa chắc chắn của đời mình. Trong thời gian ở nhà, Đổng không làm gì ngoài việc săn sóc vợ. Năm sau nữa hai đứa cũng không thi đại học. Đổng được bố mẹ cho căn nhà cấp bốn thấp tè nằm trong ngõ hẻm. Những lần chúng tôi nghỉ hè, gặp Bình, Bình vẫn nói Bình không bao giờ ân hận vì Bình có niềm tin ở Đổng.
 
Thật lòng cả tôi và Thành cũng thích Bình, nhưng bạn mình đã cưa đổ trước thì mình cũng phải thôi. Tiếc cũng không được. Nhìn Bình bây giờ, tôi khẳng định Bình còn đẹp hơn lúc chưa chồng. Gái một con…, ôi chao… làm cho bao gã đàn ông phải ngơ ngẩn. Có gã cố rặn ra vài câu có vần có vè và bảo đó là thơ để tặng Bình:
 
Rất muộn màng, khi tôi biết em
Để sóng tình cuồn cuộn trong tim
Đời nếu có kiếp sau tôi sẽ
Đi cuối đất cùng trời để yêu em
 
Đổng bắt Bình ở nhà trông con, để Đổng đi làm. Làm gì? Đạp xích lô và viết thơ. Bốn năm liền sau khi sinh con, Bình mới có dịp đi ra đường. Thị xã mở rộng, phát triển đến chóng mặt. Hàng quán mọc đầy rẫy, nhịp sống rất sôi động. Bình giật mình, thấy mình lạc hậu, và rồi Bình so sánh những bữa ăn đạm bạc của vợ chồng; những đồ chơi rẻ tiền của đứa con gái bốn tuổi. Khái niệm túp lều tranh, hai trái tim vàng đã biến mất trong suy nghĩ của Bình. Cũng mới có bốn năm mà Đổng trông già như người tuổi ngoài năm mươi. Cũng bốn năm, gần sáu mươi bài thơ của Đổng xuất hiện ở báo văn nghệ của tỉnh nhà. Đổng nổi tiếng trong giới văn học tỉnh và trong giới làm thơ miền Bắc. Chứ… độc giả bình dân hoặc trí thức, công nhân, chục năm nay người ta chả xem thơ!
 
Nhà cửa vợ chồng Đổng trở thành nơi đàm luận thơ của các bạn thơ với Đổng. Cứ tối đến, họ lại tụ tập, nói, đọc và uống rượu với lạc rang. Đổng và trong số những người bạn, có người say nôn oẹ cả ra nhà. Bình phải dọn, vốn xưa nay được yêu chiều, nay Bình bắt đầu thấy khó chịu. Càng khó chịu khi ra đường, phụ nữ người ta mốt nọ, mốt kia. Điện thoại di động cầm tay, mình thì quá lạc lõng. Mang tiếng là dân thị xã mới lên thành phố mà Bình thấy mình nghèo, mình kém cỏi quá. Bình lại tiếp tục so sánh khi mà thấy những bạn nữ học cùng, nay ai cũng thành đạt. Chồng của họ đều làm ra tiền.
 
Đúng lúc ấy. Tùng xuất hiện. Tùng nói thơ không ăn được. Và lần đầu tiên ở tuổi hai mươi ba, Bình được biết thế nào là nhà hàng, vũ trường, với những đồ ăn được gọi là đặc sản tuyệt ngon. Lần đầu tiên biết đến các đại gia. Và Tùng đã chỉ cho Bình làm việc để có tiền, đừng phụ thuộc vào chồng, dù ông chồng đó là đại gia chứ đừng có nói là nhà thơ nghèo đạp xích lô.
 
Tùng giới thiệu cho Bình vào làm nhân viên tổng hợp cho một đại gia ngành xây dựng. Một trận cãi nhau đầu tiên tuy không gay gắt giữa Bình và Đổng nhưng đó là tiền đề để cho các trận tiếp theo:
 
- Em cứ ở nhà. Anh đủ sức để lo cho em và con sung sướng.
 
- Anh làm gì mà lo được khi mà cái nhà như cái lỗ mũi đã xuống cấp, khi mà cái xích lô cà tàng kia một ngày chở được mấy lượt khách.
 
- Nhưng tôi là chồng cô. Tôi có quyền bắt cô ở nhà.
 
- Nhưng tôi là con người, tôi có quyền làm việc và hưởng thụ. Anh thì làm được gì, khi không có một chuyên môn nào.
 
- Tôi là nhà thơ nổi tiếng.
 
- Tôi quên thơ anh từ ba năm nay rồi. Bây giờ tôi cần làm việc để có tiền, không phải phụ thuộc vào người khác.
 
- Vậy mà… ngày trước cô hứa rằng…
 
- Tôi hứa yêu anh, yêu thơ anh trọn đời. Vì ngày ấy, tôi trẻ con, tôi ngu muội trước cái hào quang ảo của cái danh mà người ta cố tình tô vẽ để cái danh ảo ấy đẹp và to hơn thật. Bây giờ khác rồi.
 
- Nghĩa là cô không còn yêu tôi.
 
- Chồng tôi sao tôi không yêu. Nhưng tôi phải đi làm…
 
- Cô là thư ký cho giám đốc, chỉ có… hư hỏng mà thôi.
 
- Anh giàu tưởng tượng quá đấy. Thôi nhé, không cãi nhau nữa. Sáng mai, tôi bắt đầu đi làm. Con bé gửi sang bà ngoại. Tối về đón nó.
 
Đêm đầu tiên, Đổng ngủ một mình trên cái ghế gỗ chật hẹp. Ngủ một mình vì tức vợ không nghe lời. Còn Bình cứ vô tư ngủ. Bình mơ tới ngày mai vợ chồng Bình sẽ có nhà cao cửa rộng. Có xe ô tô riêng như bao phụ nữ xinh đẹp khác. Bình nhớ tối đầu tiên đi nhà hàng với Tùng. Tùng thổi mật vào tai Bình: Đẹp như Bình mà nghèo thì phí quá. Kia kìa, nhiều cô xấu mặt, thân hình to béo, có cô hôi nách, thối tai kia mà cũng lấy được đại gia kia. Tiếc cho Bình quá. Nhưng làm lại bây giờ không muộn tí nào.
 
Đêm về muộn. Đổng hỏi lý do. Bình lần đầu tiên nói dối chồng là bà ngoại bị mệt. Nói dối đã dặn trước nên Đổng có đến bàn điện thoại hay sang nhà mẹ vợ… cũng không làm gì được.
 
Bình như mới lột xác - Không hiểu tiền đâu mà mới đi làm một tháng Bình đã may sắm chục bộ quần áo mốt mới, một xe máy tay ga năm mươi triệu, di động xịn, vòng vàng, nhẫn vàng. Đổng hỏi tiền đâu ra mà mua sắm. Bình nói doanh nghiệp cho ứng lương trước.
 
Đổng nói nhiều tiền như thế bao giờ mới trả được. Bình đủ sức nói dối: Cơ quan em có thưởng hàng tháng, tiền thưởng rất cao. 
 
Thị trường và chốn ăn chơi đa dạng đã dạy Bình biết nói dối. Còn Đổng, vốn tin người, ai nói gì cũng tin. Cánh nhà thơ chả ai để ý đến chuyện vụn vặt. Nhưng là đối với người ngoài thì có thể tin, đối với vợ thì, dù có ngu dốt cũng không thể tin vợ mình mới đi làm mà có những thứ ấy. Đau xót quá. Đổng mơ hồ thấy cái gì đó như một sự tan vỡ đang đến gần.
 
Bình thường xuyên về muộn. Quần áo, xe… để bên mẹ đẻ. Đổng không hỏi. Bình cũng nói do nhà mình chật. Ngày nào cũng về muộn, quên cả đón con. Có hôm sặc sụa mùi rượu, át cả mùi nước hoa. Lần nào về cũng mua cơm hộp cho Đổng. Mua điện thoại di động cho Đổng để vợ chồng tiện liên lạc, Đổng lắc đầu không nhận. Sáng đi từ sáu giờ ba mươi phút, tối chừng chín, mười giờ đêm mới về… Đổng sinh nghi nhưng biết làm sao được khi cái thành phố mênh mông, khi mà Bình lúc thì ở công ty, lúc thì đến các công trường thuộc công ty ở xa…
 
Đổng nghĩ ra một chiêu là mượn xe máy của bạn, vào năm giờ chiều đảo khắp nhà hàng, vũ trường để tìm Bình. Nhưng mười đêm liền không thấy. Họ đi đâu ấy chứ.
 
Chán nản ra về, Đổng gặp tôi. Anh nói những băn khoăn của mình về vợ… rồi hỏi tôi: Tao phải làm sao bây giờ hả Hậu?
 
Tôi, Thành học xong đại học được về làm tại cơ quan tỉnh, ngay thị xã quê hương. Gần đây tôi và Thành có nghe dư luận xôn xao về một nữ thư ký xinh đẹp của một đại gia xây dựng. Tất nhiên, tôi biết ngay là Bình. Nghe bạn hỏi, tôi trả lời: Làm sao à? Cái đó là mày quyết định chứ. Mà, bây giờ cũng phải đổi mới tư duy đi, thơ ca có sống được đâu.
 
***
 
Sóng gió bắt đầu nổi to hơn khi đêm ấy, Bình về muộn. Đổng cằn nhằn và hai vợ chồng to tiếng với nhau. Đổng đánh Bình một trận nên thân. Vừa đánh, vừa rủa con đĩ… Như chỉ chờ có thế, Bình biến ngay về nhà mẹ đẻ. Nửa tháng liền không về nhà. Ân hận khi nghĩ lại, Đổng sang nhà mẹ vợ kể tội Bình về muộn. Bố mẹ Bình vẫn không muốn Đổng là con rể từ ngày xưa, nên không thèm nghe, cũng không nói gì. Thậm chí, nhiều lần Đổng đến, họ nói dối Bình chưa về. Đến tìm con bé, bà bảo nó đi chơi với dì nó rồi.
 
Đổng lao vào uống rượu và làm thơ. Thơ của Đổng có vẻ hay hơn trước; nhưng, tôi giật mình khi mà chỉ sau hai tháng không gặp Đổng, nay gặp lại, Đổng như một ông già lọm khọm. Rượu đã tàn phá cơ thể Đổng. Tôi gọi Thành, cả hai cùng khuyên nhủ. Đổng hứa nhưng để mà hứa.
 
Một hôm, Bình nhắn lời qua một người nói với Đổng là Bình đi công tác trong miền Nam một tháng mới về. Thực ra, Bình vẫn ở thành phố này, bởi chính tôi ngày nào cũng gặp Bình trên phố, dù đeo kính mát, đeo khẩu trang, nhưng số xe máy tay ga của Bình, cái eo thon, tóc dài của Bình, không lẫn vào đâu được. Bình đi với ai? Đi qua đêm với Tùng! Tùng cùng học phổ thông trung học với chúng tôi, nhưng khác lớp, cũng đã tán tỉnh, thư từ cho Bình nhưng lúc đó Bình yêu Đổng. Thực ra họ đã là của nhau khi họ mới vào lớp mười một… Điều này đã giải thích vì sao, mới học xong mười hai mà họ đã vội cưới, để rồi hơn bốn tháng sau, họ đã là người bố người mẹ trẻ nhất… nước.
 
Bình ngang nhiên cặp kè với Tùng. Bố mẹ Bình còn xúi con bỏ chồng khi Tùng trở nên thân thiết với gia đình nhà ông bà. Tùng hứa sẽ bỏ vợ để lấy Bình. Tùng bằng tuổi chúng tôi, nhưng mười tám tuổi cậu ta đã hói đầu, nay ở tuổi hai mươi tám mà trông cậu ta bệ vệ như một gã bán phở. Cái bụng to, cái trán hói làm nên diện mạo của một phó giám đốc của một công ty đang vào kỳ phát đạt. Xe cộ, vòng vàng, nhẫn vàng, áo quần…, của Bình được Tùng mua tặng hết từ ngày đi làm đầu tiên. Hơn bốn năm qua, Bình thay xe ba lần, điện thoại di động mười lần. Mỹ phẩm loại đắt tiền. Thực ra Bình không son phấn vẫn đẹp. Chỉ tiếc, đi cạnh gã đầu hói, có cặp mắt nhỏ ti hí luôn nhìn trộm người đối diện … thật là phí.
 
Bình và Đổng chả ai tuyên bố, họ cũng đã ly thân từ hai năm nay rồi. Tuổi hai mươi tám, Bình vẫn đẹp rực rỡ như thiếu nữ dậy thì. Còn Đổng, bỗng dưng bỏ rượu. Chúng tôi mừng cho anh. Tôi và Thành ngỏ ý sẽ tập hợp các bài thơ đã được đăng báo của Đổng in thành một tập. Đổng nói:  Bao giờ tao chết hãy làm! Đồ quỷ, xui xẻo cái mồm. Đổng nói, tao nói thật mà.
 
Đổng bắt đầu im lặng từ gần bốn năm nay. Ngồi chờ khách ở xe xích lô (đã thay bằng xích lô máy, tiền do anh em văn nghệ sỹ trong tỉnh quyên góp gửi tặng), Đổng cứ im lặng, chắc là để tìm tứ thơ. Có khách đến nhờ chở đi, gọi năm, sáu câu Đổng vẫn im lặng. Họ quay đi sau khi nói to gã xế lô dở hơi.
 
Có ngày chỉ có một chuyến khách. Chỉ đủ đổ xăng. Căn nhà xuống cấp dột nát. Đứa con gái chín tuổi như xa lạ với bố khi mà mỗi lần bố đến thăm nó ở nhà bà ngoại. Nhiều lần nhậu ở nhà tôi, tôi hỏi thăm chuyện tình cảm thiếu thốn, Đổng bảo mất Bình, với tao còn gì là ý nghĩa. Tôi nói, kể cả bạn bè cũng không còn ý nghĩa với mày hay sao? Không! Bạn lại là một phần cơ thể sống, không thể thiếu. Nhưng vợ mất đi, là không còn điều thiêng liêng nhất. Chả có ai như Bình của tao.
 
Tôi bảo nhưng Bình là một đứa hư hỏng.
 
Đổng cười sặc sụa, một chuỗi dài sau Đổng nói: - Nó hỏng, nó hư là tại tao… Tại tao không có tài làm cho vợ con tao sung sướng. Và vì thế, mất nó, tao mất hết, chả có cái nào thay thế được. Nếu có ai được như Bình đến với tao, tao cũng vái chào. Bởi, rồi người ấy lại ra đi khi mà tao không làm gì cho họ được.
 
Tôi giật mình bởi Đổng nói ra cái lý của Đổng, lẽ ra lý do phải đổ cho tiền bạc, cho ngoại cảnh thì Đổng đổ tại chính mình! Tôi buộc phải suy nghĩ xem lại lời nói của Đổng. Tôi tin bạn tôi nói thật. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Dù Bình có tính lẳng lơ, nhưng rõ ràng, hoàn cảnh bắt Bình phải thay đổi. Hoàn cảnh ấy trước hết là chồng mình, là xã hội bên ngoài với sự cám dỗ mãnh liệt của vật chất.
 
- Thành và Đức ạ, tại tao gây nên chuyện, do vậy, tao đã viết đơn ly dị để gửi cho Bình ký. Giải thoát cho Bình sớm ngày nào, hay ngày ấy. Đừng để Bình lén lút đi nhà hàng, vũ trường, khách sạn…, lén lút vì sợ người ta chê bai là gái có chồng mà lăng nhăng. Ha ha, tao đã nhìn thấy hơn một chục lần Bình khoác tay thằng Tùng béo đi vào nhà nghỉ sang trọng, thấy chúng nó ngồi trong vũ trường, quán karaoke ôm… tao nhìn hết. Nhưng chỉ trách tao thôi. Nghe Đổng kể, tôi chửi thầm: tiên sư lũ khốn nạn.
 
Thành nói, nhưng lẽ ra ông bớt say đắm thơ thì đâu đến nỗi! Đổng lại cười sằng sặc: - Mày lại dở rồi: Ai chả có một đam mê! Mày đam mê sự nghiệp, tao mê thơ. Bình là hiện thân của thơ tao, của riêng tao. Sao lại bắt tao phải theo mọi người cơ chứ…. Ha ha, đam mê và chết vì đam mê thì chết cũng xứng đáng chứ sao.
 
Sau bữa nhậu nói trên ở nhà tôi, Đổng đem đơn ly hôn sang nhà mẹ đẻ Bình, vì ban ngày tìm Bình rất khó. Bảy ngày sau, chính tôi và Thành lại vất vả trong việc đi tìm Đổng, bởi điện thoại di động của Đổng luôn không trả lời. Tìm Đổng báo một tin dữ rằng Bình, sau cơn nạo phá thai, bị băng huyết rất nặng, đang cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Tin về Bình, do chính vợ Thành, làm bác sĩ ở phòng cấp cứu bệnh viện tỉnh cho biết.
 
Đi tìm Đổng từ tám giờ sáng mà mười giờ đêm mới thấy Đổng trong một quán cóc ngoại vi thành phố. Đổng nhảy lên xe của tôi.
 
Bình nằm đó như một cái xác chết, đang thở bằng ô xi. Đổng khóc hu hu như trẻ con. Vừa khóc, vừa nói tại tôi, tại tôi nên vợ tôi mới như bây giờ. 
 
Bố mẹ, anh em Bình đến đầy đủ, chật kín phòng cấp cứu. Hai người nằm ở giường bên đang cho Bình máu, họ là thân nhân của Bình, có cùng nhóm máu với Bình. Đổng nói với bác sĩ, hãy lấy máu của mình. Bác sĩ nghĩ bụng trông ông như xì ke, ma túy thế kia, thì lấy máu ở đâu ra!
 
Mười ngày đêm liền Đổng ăn, ngủ, tắm giặt ở trong bệnh viện. Chị gái Bình hầu hạ Bình.
 
Không thấy Tùng, cả giám đốc của Bình cũng không đến. Chỉ một vài nhân viên đến một chút rồi về. Họ đến theo lệnh của giám đốc chứ họ không ưa gì Bình. Tùng hứa bỏ vợ mấy lần nhưng đó là hứa. Thực ra gã đã chán Bình, lần này là lần phá thai thứ tư trong vòng tám tháng. Vợ gã là một thạc sĩ kinh tế, có bằng cấp đàng hoàng. Bình không có gì ngoài cái sắc đẹp để ai thấy cũng thích nhòm ngó, chứ ai người ta bê về cái người không bằng cấp, làm ở một công ty tư nhân, thích thì để, không thích thì người ta thải ngay.
 
Xoắn xuýt với Tùng hơn năm năm, những gì về vật chất mà Bình có là do Tùng bớt xén của doanh nghiệp, của công nhân. Xếp của Tùng, tất nhiên, sau khi nếm thử Bình vài lần, ông thôi ngay bởi vì, ông không muốn mất thể diện. 
 
 Ba tuần lễ sau, Bình ra viện. Đổng nói: - Ta về nhà đi em.
 
Bình trả lời: - Tôi sang bên ngoại có người chăm sóc, anh cứ về đi làm, anh mất việc vì tôi nhiều rồi. 
 
Đổng nói, xin lại cái đơn ly hôn do Đổng viết để xé đi, Bình không nói gì. Hai hôm sau, Bình bảo em gái đem cái đơn ly hôn sang cho Đổng, nhưng… có chữ ký của Bình. Đổng chạy ngay sang  nhà bố mẹ vợ, nhưng Bình cố ý tránh mặt… Sau ba tháng, Bình khỏe lại, trông Bình lại rực rỡ như trước. Tùng xuýt xoa khen đẹp nhưng Bình không đáp lại. Tiền chữa chạy trong thời gian ở viện, Tùng phải lo hết. 
 
Đó là tại ông, ông muốn thế. Tại sao không cưới tôi. Đồ đểu! Bình thét to khi Tùng cố nài nỉ Bình đi uống cà phê rồi kể công với Bình rằng nhờ anh mà em có mọi thứ.
 
- Thế thì từ nay bai bai em Bình xinh đẹp nhé!
 
Công ty của Tùng cho Bình thôi việc. Bình nghiến răng chửi “lũ chó dái, chúng mày nhai hết nước cốt rồi nhả bỏ bã”.
 
***
 
Ấy nhưng, Bình vẫn không về với Đổng. Đổng tiếp tục ăn uống thất thường, uống lại rượu dù không nhiều nhưng bữa nào cũng phải nửa xị. Vui bạn thì cũng bay một lít. Và rồi trong một buổi chiều đông mưa phùn gió bấc, một người muốn nhờ xích lô máy chở đi dạo thành phố mới xây dựng này thấy bác tài nằm nghiêng trong xe, tưởng bác ngủ, người ấy lay gọi nhưng Đổng đã cứng người, lạnh giá toàn thân. Người đó la lên, người đi đường xúm lại. Dân thành phố này không ai biết đó là nhà thơ, chỉ biết đó là gã xế lô rách rưới nhưng hiền lành, lấy giá rẻ hơn người khác. Nhưng hôm ấy, có một gã thích thơ, gã là hội viên câu lạc bộ thơ thành phố, có biết Đổng. Gã liền gọi bạn hữu…
 
Thế là Đổng ra đi. Đứa con gái tuổi lên mười đi cạnh mẹ, thấy những người thân với bố nó khóc, nó cứ tròn mắt nhìn. Còn Bình, tôi để ý, thấy cặp mắt Bình ráo hoảnh. Tôi không biết cô ta nghĩ gì.
 
Truyện ngắn: Nguyễn Thanh Hương