Trang phục truyền thống của đồng bào Châu Mạ khá phong phú và đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhưng phổ biến nhất là áo, khố và các loại ồi (ùi).
Trang phục truyền thống của đồng bào Châu Mạ khá phong phú và đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhưng phổ biến nhất là áo, khố và các loại ồi (ùi).
|
Trang phục truyền thống trong đời sống, sinh hoạt của người Châu Mạ |
Người Châu Mạ sống chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai... Riêng ở Lâm Đồng, người Mạ gồm có Mạ sre và Mạ tô, sống tập trung ở các huyện phía Nam của tỉnh, như: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc. Trước đây, họ thường mặc những trang phục do chính bàn tay mình dệt nên từ vỏ cây rừng và nó đã trở thành nét trang phục truyền thống đặc trưng của người Châu Mạ cho đến hôm nay.
Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên, ngày xưa, phụ nữ người Châu Mạ thường để ngực trần, phần thân dưới mặc ồi được dệt bằng vỏ cây, tơ sợi mà người đồng bào DTTS gọi là “ồi mbơn”. Ồi được dệt bằng nhiều sợi chỉ, trang trí nhiều hoa văn “păc sềr” lộng lẫy với những màu sắc hài hòa trông rất bắt mắt. Theo anh K’Brèm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bảo Lâm: “Người phụ nữ Châu Mạ nói riêng và K’Ho nói chung đều mặc ồi theo 2 cách. Trong các lễ hội, sinh hoạt, người phụ nữ thường mặc ồi từ vùng rốn xuống đến gót chân. Còn cách mặc chỉ xuống dưới đầu gối một tí, gần giáp vòng chân, là để thuận tiện trong việc sinh hoạt đi lại, lao động sản xuất”. Ồi được dệt có kích cỡ khác nhau, chủ yếu với hai màu chính là màu đen và màu xanh. Trên ồi được trang trí hoa văn các viền sọc trắng, đen và đỏ.
Áo dệt theo kiểu xẻ nách, cổ chui đầu mà đồng bào gọi là “àu kroh”, được dệt chủ yếu bằng sợi chỉ màu trắng pha lẫn các sợi chỉ màu đỏ, đen được bà con lấy từ một loại cây rừng nhuộm nên. Trên áo được trang trí hoa văn tượng hình theo mô típ hình học nhằm khắc họa cuộc sống sinh hoạt sống động của con người với thiên nhiên, như: Hình ảnh người giã gạo, chóe rượu cần, dụng cụ lao động, cỏ cây và muông thú…
Đối với người đàn ông, trang phục truyền thống của họ là khố “Ntrònh” và “àu kroh” giống áo của phụ nữ, nhưng phần dưới cùng xe thành chùm sợi chỉ. Đây cũng là điểm khác biệt so với áo của người phụ nữ (ngày nay, nét khác biệt này có nơi đều dệt giống như áo của người đàn ông). Khố thường được dệt bằng sợi chỉ màu đen, có độ rộng hơn 20cm, độ dài khoảng 4m và ở hai đầu khố xe thành chụm sợi chỉ.
Nói đến trang phục truyền thống của người Châu Mạ, thì không thể không nhắc đến đồ trang sức của họ. Phổ biến nhất vẫn là các loại bông tai được làm bằng ngà voi “bơno bla rơwas”, kòng tê, kòng jơng, nhòng (vòng đeo tay, vòng chân, sâu chuỗi hạt cườm)… Đây là những đồ trang sức thường được người phụ nữ đeo trên người và thường thấy trong các dịp lễ, hội nhằm tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy cũng như thể hiện sự giàu sang của người sơn nữ.
“Trang phục truyền thống của người Châu Mạ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có một số điểm khác biệt và mang nét đặc trưng riêng so với người Mạ ở tỉnh Đắk Nông và Đồng Nai... Trang phục truyền thống của người Mạ ở hai tỉnh nói trên chủ yếu sử dụng màu đen, vàng và đỏ, áo cài nút. Còn đồ dệt thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng sử dụng chủ đạo là màu trắng, đen, hoa văn và dây cột trên đầu thì màu đỏ. Cách trang trí hoa văn cũng khác…” – anh K’Brèm nói.
Trước đây, do cuộc sống gắn liến với núi rừng và mang tính tự cung, tự cấp, nên hầu như mỗi gia đình người Mạ đều có khung dệt và biết dệt đồ thổ cẩm mà nguyên liệu chính là lấy từ các loại cây rừng. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế, xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu của thị trường, nên đã có quãng thời gian người Châu Mạ ở tỉnh Lâm Đồng không duy trì đều đặn nghề dệt truyền thống. Hiện nay, trong sinh hoạt hàng ngày, bà con cũng ít mặc những trang phục truyền thống này mà chỉ sử dụng vào các dịp hội, họp và tại các lễ hội truyền thống của dân tộc.
NDONG BRỪM