Cánh buồm đỏ thắm

03:07, 02/07/2014

Cái Tý đến xin làm ôsin nhà tôi vào đúng hôm bé Hà ốm nặng. Thực tình đã lâu tôi cũng muốn tìm một ôsin nhưng cũng phải lớn lớn một chút, có kinh nghiệm một chút để còn giúp tôi chăm con và quán xuyến việc nhà...

Cái Tý đến xin làm ôsin nhà tôi vào đúng hôm bé Hà ốm nặng. Thực tình đã lâu tôi cũng muốn tìm một ôsin nhưng cũng phải lớn lớn một chút, có kinh nghiệm một chút để còn giúp tôi chăm con và quán xuyến việc nhà. Nhưng tình thế hôm ấy quả là cấp bách quá, con ốm mà công việc của tôi thì ngập đầu ngập cổ, đang chưa biết phải xoay xở thế nào thì có cái Tý cũng là điều may mắn. Ngày đến nhà tôi xin làm ôsin nó chỉ đi có một mình, tay xách cái túi nhỏ bện bằng cói chỉ đựng duy nhất một bộ đồ cũ nát. Cái mũ nan nó đội dường như rộng quá, che gần nửa khuôn mặt nhỏ bé gầy vêu vao. Nó bảo ở quê lên từ hôm qua, biết nhà cô cần người giúp việc nên con mới vào xin. “Cô đừng đuổi con, vì từ hôm qua đến giờ con đã đến nhiều nơi lắm, vào đâu họ cũng không nhận...”. Nó nói như van nài. Thoạt đầu tôi cũng hơi ái ngại, định từ chối, vì trông con bé yếu quá, chẳng biết có làm nổi việc gì không, nhưng nhìn vào đôi mắt khẩn thiết van lơn của nó, tôi lại chạnh lòng, không nỡ.
 
 Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
 
Cái Tý trở thành ôsin nhà tôi từ hôm đó. Ngày đầu tiên trong vai trò của một ôsin, nó đã tất bật quét tước, dọn dẹp, siêng năng đến nỗi có bao nhiêu đồ đạc để lâu hơi bám bụi trong nhà là nó đưa ra lau chùi sáng bóng hết cả lên. Ngày thứ hai, nó bắt đầu tham gia vào việc nấu nướng, trông bận rộn hệt như một bà nội trợ thực thụ. Ngày thứ ba thì nó rụt rè đề nghị tôi được thỉnh thoảng vào phòng chăm nom bé Hà...
 
Nhà tôi neo người. Khi bé Hà vừa được năm tuổi rưỡi thì chồng tôi sang Pháp bảo vệ luận án tiến sỹ rồi ở luôn bên ấy làm việc chưa thấy hẹn ngày về. Nó phải xa bố từ dạo đó. Tôi chỉ có bé Hà là duy nhất nên bao nhiêu yêu thương tôi dành hết cho nó. Nhưng khổ một nỗi tôi lại không có nhiều thời gian để chăm sóc con. Công việc ở công ty của tôi bận rộn đến mức chỉ có thể choạng về nhà một chút vào buổi trưa, nấu nướng qua quýt rồi vội vã đi làm, buổi tối lại bù đầu với một đống giấy tờ sổ sách, không còn rỗi được chút nào. Có nhiều đêm công việc vừa xong, ước chừng đã khuya lắm, tôi định chui vào mùng đi ngủ thì thấy con bé mắt vẫn còn mở chong chong. Tôi vuốt tóc nó hỏi: “Sao con vẫn còn chưa ngủ, thức với mẹ làm gì cho mệt?”. Nó thì thào ra chiều bí mật: “Con chờ mẹ kể chuyện cổ tích cho con nữa cơ!”...
 
Tôi muốn tìm cho bé Hà một ôsin để có thể thay tôi chăm sóc nó những lúc vắng nhà và quan trọng là phải biết kể chuyện cho nó nghe. Khi nhìn cái Tý, tôi hơi thất vọng vì biết rằng yêu cầu đó hẳn chẳng thể nào đáp ứng được. Thế nhưng khi cái Tý vào phòng bé Hà, sự tự nhiên của nó làm tôi cứ ngỡ như hai đứa trẻ đã quen thân nhau từ dạo nào. Hai đứa cũng suýt soát tuổi nhau nhưng trông cái Tý có vẻ già dặn hơn nhiều. Chắc nó lam lũ sớm, tôi đoán thế vì trông hai bàn tay của nó tuy còn bé mà đã sần sùi chai sạn, hai bàn chân nứt nẻ như của một nông dân vừa mới bước lên từ những thửa ruộng chói chang nắng tháng sáu. Vậy mà khi cái Tý bắt đầu giúp tôi bón cháo cho bé Hà, sự thành thạo của nó làm tôi ngạc nhiên. Nó bảo: “Cháu trông em từ bé nên quen rồi mợ ạ...”. Nó vừa làm vừa véo von hát, những điệu ru em nghe đến là thương. Nó hát cho bé Hà nghe những bài dân ca có cánh cò bay lả, có đồng lúa bát ngát, có người mẹ mưa nắng giãi dầu... Được nghe cái Tý hát ru, bé Hà thích lắm, trông gương mặt nó rạng ngời còn hơn cả khi nghe tôi kể chuyện cổ tích. “Bà ngoại con dạy cho con hát đấy. Giờ bà con mất rồi cô à...”. Nó kể, mắt thoáng buồn rồi lại tiếp tục hát véo von...
 
Chừng một tuần sau thì bé Hà khỏi hẳn bệnh. Nó và cái Tý bắt đầu chơi với nhau như một đôi bạn thân. Cái Tý bày cho Hà biết hát dân ca, còn Hà dạy cho nó học chữ, biết đọc và biết viết. Nó học rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn mà đã viết được tròn câu rõ chữ. Cái Tý vừa làm công vừa học bài, trông nó chăm chỉ lắm. Bé Hà tặng cho nó một cuốn vở xinh xinh, nó nâng niu cất giữ thật cẩn thận. Khi cái Tý đã bắt đầu biết đọc biết viết thành thạo, dần dà bao nhiêu sách truyện trong tủ bé Hà hai đứa đều đọc hết. Tôi để ý thấy cả hai đứa đều thích cuốn “Cánh buồm đỏ thắm” của nhà văn Nga Alêchxăngđra Grin mà tôi cũng đã từng say mê từ ngày còn nhỏ, chúng đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thấy chán...
 
Từ dạo có cái Tý, bé Hà nhà tôi trông tươi tỉnh hẳn. Nó xa bố từ khi còn bé, tôi lại bận bịu suốt ngày chẳng thể ở bên con thường xuyên nên trông con bé lúc nào cũng buồn. Chồng tôi làm việc ở bên ấy, mỗi năm vẫn gởi hàng về cho hai mẹ con, thường là những đồ điện dùng trong nhà. Cũng như bé Hà, tôi thường háo hức khi bóc những thùng hàng mới được gửi về, nhưng khi vừa mới chạm tay vào những đồ vật lạnh lẽo ấy, lòng tôi đã chùng xuống. Bé Hà thì hăm hở lục lọi giữa những đống hàng hoá đầy chật cả nhà, mong tìm được một lá thư nhỏ của bố nhưng tuyệt nhiên không hề có. Nhiều lần như thế, nó thất vọng lắm, giận dỗi bỏ ăn suốt mấy hôm liền. Hai mẹ con tôi sống bằng niềm hi vọng mong manh một ngày nào đó bố cái Hà sẽ về, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy cái tương lai ấy ngày một vời xa thêm. Chồng tôi vẫn đều đặn gửi hàng về như một thứ nghĩa vụ nhưng hình như trong trí nhớ của anh ấy không còn chỗ cho hai mẹ con tôi nữa...
 
Tôi phát hiện ra cái Tý cũng biết viết nhật ký. Chắc trò này cũng là do bé Hà bày cho nó thôi. Một lần vào dọn dẹp chỗ ngủ của cái Tý, tôi bắt gặp dưới cái gối của nó có một cuốn vở được bọc rất cẩn thận, bên ngoài nắn nót mấy chữ “Nhật ký ngày xa mẹ”. Đúng là cuốn vở bé Hà tặng nó đây mà, hoá ra nó dùng để viết nhật ký. Không cưỡng nổi sự tò mò, tôi mở ra đọc, xem con bé viết gì. Những con chữ trông còn run rẩy ngọng nghịu nhưng cứ hiện rõ mồn một trước mắt tôi:
 
Ngày... tháng... năm...
 
“Mẹ ơi, con đã tìm được chỗ làm rồi, con không còn phải lang thang khắp thành phố nữa đâu. Bây giờ con vui lắm mẹ ạ. Mợ chủ rất thương con, không đánh đập con mà lại còn cho con ăn no và cho con nhiều quần áo đẹp nữa. Con chẳng phải làm việc gì nặng nhọc cả mẹ ạ. Con gái mợ chủ còn dạy cho con biết đọc biết viết nữa cơ. Để hôm nào con sẽ viết thư cho mẹ nhé. Nhưng mà con quên mất, mẹ có đọc được đâu nhỉ. Thôi để con dặn bác Hải bên hàng xóm đọc thư con cho mẹ nghe nhé. Con sẽ viết cho mẹ nhiều thứ thật hay, mẹ nhé...”.
 
Ngày... tháng... năm...
 
“Mẹ ơi, chị Miền con dạo này có hay về nhà không mẹ? Mẹ dặn chị ấy về đi mẹ nhé. Mẹ dặn chị ấy đừng làm ở đó nữa tội lắm. Sao họ ác với chị con thế hả mẹ? Chị con đói, lỡ ăn một cái kẹo của con nhà chủ mà cũng bị họ đánh. Con ở đây sướng lắm, không bị đánh bao giờ, lại có cả bé Hà làm bạn nữa rất vui. Bé Hà là con gái của mợ chủ ấy. Hay là mẹ bảo với chị Miền đến xin ở cho mợ chủ của con đi. Như thế con cũng đỡ nhớ chị ấy...”.
 
Ngày...tháng... năm...
 
“Mẹ ơi, dạo này mẹ có còn hay ốm nữa không? Mẹ có biết con sợ nhất lúc nào không? Là lúc thấy mẹ bệnh, nằm mãi trên giường rồi không bao giờ dậy nữa. Mẹ đừng ra đồng giữa trưa mẹ nhé, dễ ốm lắm đấy. Tuần trước bạn Hà ốm mà mẹ bạn ấy lo lắm? Đây trời nắng hơn ở quê mình, nhưng mẹ yên tâm con không phải ra ngoài trời đâu, không phải gặt lúa bới khoai gì cả? Trong nhà mát lắm mẹ?...”.
 
Ngày... tháng... năm...
 
“Con viết đến chừng này trang rồi mà vẫn chưa hỏi gì về bố. Con tệ quá mẹ nhỉ. Không phải là con không nhớ bố chút nào, nhưng mà nhiều lúc con rất sợ bố. Sao bố con hay uống rượu thế. Con sợ nhất là lúc bố uống rượu. Lúc nào bố con uống rượu, mặt bố đỏ lên là con không còn thấy giống bố nữa. Bố uống rượu rồi lại đánh mẹ, bố đánh mẹ ngã xuống đất, tóc mẹ rối tung. Con ôm lấy mẹ cũng bị bố đánh. Con đau khóc to vang cả nhà. Chị Miền thì chạy trốn ra sau hồi nhà khóc. Vậy mà con thấy mẹ vẫn không hề khóc đấy...”.
 
 
Đến đây không thấy cái Tý viết thêm gì nữa. Những trang nhật ký của nó làm cho tôi phải nghĩ ngợi nhiều. Tôi dò hỏi một người ở quê cái Tý cũng lên thành phố làm ôsin cho nhà bên cạnh thì biết nhà nó rất nghèo, bố nó thường xuyên say rượu rồi đánh đập vợ con. Cái Tý có một đứa em trai còn bé đang ở quê, một cô chị tên là Miền cũng đã từng đi ở trên thành phố. Mẹ cái Tý bị bệnh nặng đã mất từ hồi năm ngoái...
 
Mai là sinh nhật bé Hà rồi. Nó nhờ tôi viết thư cho bố, dặn bố nhớ mua quà sinh nhật, nhưng phải là một con thuyền có cánh buồm đỏ thắm như trong cuốn sách nó đọc. Tôi thầm nghĩ, bố cái Hà xa nhà đã lâu, đến thư từ còn chẳng nhớ mà gửi về huống chi là ngày sinh của con. Tôi rất giận anh, tôi sẽ không làm gì để nhắc nhở cả, không có anh thì tôi cũng có thể lo được cho con bé. Nhưng sao nó lại thích thứ quà oái oăm như vậy nhỉ? Sao không là thứ gì dễ kiếm hơn như một con búp-bê hay là một bộ váy áo mới nhỉ? Buổi chiều tôi đã xin nghỉ làm sớm để lùng sục khắp cả thành phố, hi vọng sẽ tìm được một con thuyền có cánh buồm đỏ thắm cho con bé. Nhưng đến tối rồi mà vẫn không tìm thấy đâu cả. Phải làm sao bây giờ? Thôi đành mua tạm cho nó một con búp-bê bỏ vào một cái hộp thật đẹp, thắt một cái nơ thật xinh rồi bảo với nó là của bố gửi về cho. Trẻ con cũng dễ chiều thôi mà...
 
Tối ấy, giữa ngổn ngang những hộp quà sinh nhật đủ màu sắc, bé Hà vẫn ưu tiên mở hộp quà của bố nó đầu tiên. Nó hồi hộp lắm, hai tay run run rút cái dây nơ màu hồng rồi nhấc cái nắp hộp lên. Chỉ là một con búp bê đang khép mắt lim dim ngủ. Nó xịu mặt rồi oà khóc nức nở: “Không phải quà của bố, Mẹ dối con. Không phải quà của bố...”.
 
Tôi đang bối rối không biết phải dỗ dành con bé thế nào thì từ nhà trong cái Tý chạy vội ra. Nó rụt rè đưa một hộp quà nho nhỏ giấu sau lưng ra cho bé Hà, rồi nó ngập ngừng: “Quà của bố cậu đây mà! Hôm qua bố cậu nhờ tớ chuyển món quà sinh nhật này cho cậu đấy. Cậu ngủ sớm nên không biết đấy thôi. Cậu mở ra xem đi”. Cái Tý trao quà cho bé Hà, mắt nó long lanh chờ đợi trông đầy căng thẳng. Bé Hà miễn cưỡng mở món quà, vì có lẽ nó không còn tin tưởng mọi người lắm nữa. Nhưng đột nhiên gương mặt nó bừng sáng, nó reo lên sung sướng: “A! Phải rồi! Đây mới đúng là quà của bố. Có thế chứ!”. Nó nâng lên một con thuyền được ghép bằng những mảnh gỗ màu nâu nho nhỏ, ở giữa lòng thuyền có gắn một cánh buồm màu đỏ thắm. Nó hí hửng cầm con thuyền chạy tung tăng khắp nhà. Tôi nhìn cái Tý đầy biết ơn, nhưng nó đang mơ màng ở đâu đó, mắt lấp lánh như có nước. Trong khi bé Hà còn mê mải với món quà thì nó lặng lẽ đi vào nhà trong...
 
Đêm đã về khuya, tôi giục hai đứa trẻ đi ngủ và đồng ý cho chúng nó ngủ với nhau. Chúng nằm ôm nhau, rúc rích kể chuyện rồi rúc rích cười. Một hồi sau cả hai đứa chìm vào giấc ngủ say. Tôi bâng khuâng nghĩ đến cái Tý, rồi sực nhớ ra cuốn nhật ký, tôi vào chỗ ngủ thường ngày của nó, khẽ mở cuốn vở ra. Có một trang vừa được ghi, nét chữ trông còn tươi màu mực:
 
Ngày... tháng... năm...
 
“Mẹ ơi, đêm nay là sinh nhật của bạn Hà. Trông bạn ấy vui lắm. Mẹ bạn ấy chuẩn bị nhiều thứ cho bạn ấy lắm. Có rất nhiều bánh kẹo và quà. Chắc con cũng có ngày sinh nhật mẹ nhỉ? Mẹ còn nhớ nữa không? Chừng nào con về mẹ nhớ làm sinh nhật cho con với nhé. Con có quà cho bạn Hà rồi, nghĩ mãi mới ra đấy mẹ ạ. Mẹ biết quà gì không? Bạn Hà rất thích một con thuyền có cánh buồm màu đỏ thắm. Con tìm trong đống đồ chơi cũ đã vứt đi của bạn ấy một con thuyền gỗ cũng có buồm nhưng lại không có màu đỏ. Con đã đem nó kì cọ cho thật sạch rồi lấy bút màu đỏ tô lên cánh buồm, thế là nó có màu đỏ thắm. Con giấu nó vào trong tủ thật kín không bạn Hà mà trông thấy thì chẳng còn gì là quà nữa mẹ nhỉ. Con bảo là quà của bố bạn ấy gửi cho, bạn ấy vui lắm mà con cũng vui nữa. Bạn Hà nói bạn ấy sẽ ngồi lên con thuyền để nó vượt đại dương đưa bạn ấy đến với bố. Chừng nào bạn ấy gặp được bố rồi con sẽ mượn lại bạn ấy con thuyền. Con sẽ ngồi lên để nó đưa con bơi qua sông, con sông làng mình ấy, nó rộng lắm, nhưng không sao đâu mẹ à, thuyền của con là chắc chắn lắm đấy. Con sẽ đi vào làng và chạy nhanh về nhà mình. Con đã thấy mẹ rồi, mẹ ngồi dậy và nhìn con cười. Mẹ đón con vào lòng, vuốt tóc và gãi lưng cho con. Rồi con sẽ kể cho mẹ nghe về cuộc sống của con ở đây, vui lắm mẹ ạ. Mẹ nhớ chờ con với nhé!...”.
 
Truyện ngắn: Nguyễn Ngọc Phú