Cây đại thụ văn chương Tô Hoài đã về với… "Cát bụi chân ai"

02:07, 08/07/2014

Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài đã qua đời vào trưa 6/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài đã qua đời vào trưa 6/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
 
Nhà văn Tô Hoài nhận "Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội" (Ảnh: TTXVN)
Nhà văn Tô Hoài nhận "Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội" (Ảnh: TTXVN)

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 27/9/1920 tại quê nội ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công.
 
Tuy nhiên, nhà văn Tô Hoài lớn lên ở quê ngoại - làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam).
 
Ở tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn...
 
Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như "Truyện Tây Bắc."
 
Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác.
 
Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
 
Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
 
Nhà văn Tô Hoài viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, truyện dài kỳ, kịch bản phim, tiểu luận-phê bình...
 
Một số tác phẩm chính của nhà văn Tô Hoài bao gồm: "Dế Mèn phiêu lưu ký" (1941), "O chuột" (1942), "Nhà nghèo" (1944), "Truyện Tây Bắc" (1953), "Miền Tây" (1967), "Cát bụi chân ai" (1992), "Ba người khác" (2006)...
 
Bên cạnh bút danh Tô Hoài, ông còn có một số bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Phạm Hòa...
 
Ông Đỗ Hàn - Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Nhà văn Tô Hoài ra đi là một tổn thất to lớn, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhà văn Tô Hoài sáng tác ở nhiều thể loại và ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại dấu ấn cá nhân sâu sắc.”
 
Nhà văn Tô Hoài nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996), Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010).
 
Ngoài ra, trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật bền bỉ của mình, ông còn được trao một số giải thưởng khác như: Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970 (với tiểu thuyết “Miền Tây”), Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (với tiểu thuyết “Quê nhà”)./.
 
(Theo Vietnam+)