Chưa đến xã Tân Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) lần nào, nhưng khi cầm tuyển thơ "Bình minh trên quê hương Tân Hội" của CLB Thơ Xanh, gồm 9 tác giả của quê xứ Tân Hội, lòng tôi dâng lên một tình cảm trân trọng, khâm phục, quý mến. Tuyển thơ 138 trang, trình bày thoáng, bìa đẹp.
Chưa đến xã Tân Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) lần nào, nhưng khi cầm tuyển thơ “Bình minh trên quê hương Tân Hội” của CLB Thơ Xanh, gồm 9 tác giả của quê xứ Tân Hội, lòng tôi dâng lên một tình cảm trân trọng, khâm phục, quý mến. Tuyển thơ 138 trang, trình bày thoáng, bìa đẹp.
Chỉ có 9 tác giả không chuyên ở một vùng quê kinh tế mới, gồm cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, nhà giáo, nông dân, mà đã làm nên một tập thơ đàng hoàng, chỉn chu, in giấy tốt, có nhiều trang màu đều là những hình ảnh đẹp của quê hương mang ý nghĩa ngợi ca sự đổi thay phát triển, những mô hình làm ăn mới mang lại những thành tựu rõ nét về kinh tế, văn hóa xã hội.
Thơ của họ không chuyên nghiệp, không trau chuốt, giàu hình tượng, ngôn ngữ, triết lý, mà chân chất, bộc bạch, hồn nhiên, đi sâu tâm tình gắn bó sâu sắc xen lẫn niềm tự hào với vùng đất mới ngày càng thay da đổi thịt. Nhiều quê quán ở khắp nơi trong nước như Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Cao Bằng... nhưng họ đều chọn Tân Hội làm quê hương thứ hai của mình, tập hợp, gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng cuộc sống. Chủ nhiệm CLB Thơ Xanh là ông Lê Phụ, quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nguyên là cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (1968). Ông cùng với các anh trong Ban Chủ nhiệm tâm huyết bàn bạc, vun vén, cổ vũ, động viên xây dựng nên CLB Thơ Xanh. Xã kinh tế mới Tân Hội thành lập gần 38 năm, CLB Thơ Xanh hoạt động được 3 năm mà đã nhiệt tình đi thực tế sáng tác và tự huy động vốn xuất bản được 2 tập thơ: CLB Thơ Xanh (lưu hành nội bộ) và tập mới “Bình minh trên quê hương Tân Hội”. Tân là mới, Hội là hội tụ. Tân Hội là nơi hội tụ những cư dân mới, những điều mới mẻ ở vùng đất mới của Đức Trọng. Ông Lê Phụ là người sâu nặng với vùng đất mới Tân Hội. Ta nghe lời anh mời dân dã, chất phác đến bạn bè khắp nơi về với Tân Hội:
Mời bạn về chơi xã tôi. Tám thôn như một chiếc nôi nghĩa tình. Tân Trung nằm giữa xinh xinh. Bảy thôn xúm xít xếp hình xung quanh. Yêu quê hương mới, nhưng anh vẫn đau đáu với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có Hoàng Sa, quần đảo máu thịt còn bị lấn chiếm:
Yêu quá Hoàng Sa với Trường Sa. Đảo xanh biên viễn trấn sơn hà. Ngăn luồng sóng dữ ngàn phương đến. Chặn lũ cuồng phong mộng gian tà. Yêu tha thiết biển đảo Tổ quốc, mà cũng mộ đạo, kính Chúa, kính Phật:
Đường lên cổ tự mây vờn núi. Đá xếp lưng trời bậc ngửa nghiêng. Gió mát xua tan niềm tục lụy. Suối trong rửa sạch nỗi ưu phiền. Đây là những câu thơ khá hay viết về chùa, về sắc sắc không không.
Có lẽ, người lính là một trong những người yêu thơ, mê thơ, luôn chép thơ trong sổ tay, nhiều người khắc thơ vào báng súng. Vũ Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Xanh, cộng tác viên Báo Nhân Dân, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa, cựu chiến binh Binh chủng Tăng - Thiết giáp B2 là một người như thế. Vũ Đức Thắng rất sâu sắc đúc rút về thơ:
Thơ hay đâu phải thơ dài. Cốt cách là ở tâm bài ý thơ. Cuộc đời đẹp nhất trong thơ. Thi sĩ sướng nhất bài thơ hoàn thành. Anh bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhưng khi đất nước khải hoàn, anh lại thích về những nơi chốn bình yên:
Tôi sẽ về nơi không chiến tranh. Mọi người bình đẳng nghỉ ngon lành. Sống ở trên đời, người kèn cựa. Đã đến đây rồi, tôi giống anh.
Một Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Xanh nữa là tác giả Nguyễn Hữu Chức, quê hương Núi Ấn, Sông Trà, ở vùng đất Sơn Tịnh, xứ sở có nhiều tướng lĩnh nhất Quảng Ngãi. Cùng với bao nhiêu gia đình khác của vùng quê cách mạng, ông có người em gái hy sinh, chưa tìm được mộ, thân xác chị dã hóa thành cỏ cây, sương khói. Ông viết:
Sương rơi thấm ướt bờ đê. Ngày đi còn đó ngày về thì không. Ngày đêm anh vẫn trông mong. Thân em vùi lấp ở trong chiến trường. Ở vùng đất cà phê, ông có nhiều kỷ niệm với màu cà phê như mối tình đầu của mình bên rẫy cà phê vào mùa mưa:
Cơn mưa bất chợt đổ sang. Trời mưa lớn quá ướt nàng và tôi. Thế thì thôi, thế thì thôi. Cùng nàng ôm chặt chịu ngồi dưới mưa. Thật là dí dỏm, hóm hỉnh. Trời mưa không chỉ đất chịu, mà còn là em và tôi cùng chịu, cùng ngồi chịu chết: ôm nhau ướt mưa.
Vui mừng với sự đổi mới, ngày càng phát triển của xã nhà Tân Hội, tác giả Phạm Văn Huấn, quê hương Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường, nhớ lại một thời gian khổ ban đầu đáng nhớ:
Bên chiều dạ lại bồn chồn. Lông bông nhớ nhớ cửa hồn gió mây. Nay nhìn, nhìn lại, lại hay. Mắt cay mũi đỏ lòng lay lay buồn. Bốn câu thơ có nhiều điệp âm bồn chồn, điệp từ: nhớ nhớ, nhìn nhìn, lại lại, lay lay làm cho cái tình thơ mang mang, hồn thơ lai láng, lay động tâm can.
Thầy giáo Đặng Quang Khanh, ở xứ sở đất võ trời văn, quê hương Bình Định, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hội, thầy dạy của biết bao các em học sinh Tân Hội nay đã thành danh khắp nơi trong cả nước. Cùng với sự nghiệp chăm hoa, anh có những trải nghiệm rất minh triết:
Gió sương đi nửa đời người. Trải bao năm tháng buồn vui thế thời. Ngẫm xem muôn sự trên đời. Đen đen trắng trắng một màu phù du.
Một cựu chiến binh nữa, quê ở Bình Định, tác giả Trần Kìa mượn chuyện bóng đá, đá bóng để nói chuyện tình, nỗi cô đơn:
Anh sút sang em một cú buồn. Em bồi ngang lại cú cô đơn. Cả hai đều bỏ khung thành trống. Chẳng thấy bên nào có thủ môn. Em là người có nỗi buồn giống tôi, nhưng nỗi buồn gặp nỗi buồn là thành niềm vui - hai trái tim cô đơn đã gặp nhau, nối kết tâm hồn với nhau. Ngỡ nói chuyện bóng đá, nhưng là sân tình.
Tác giả quê vùng đất hiếu học, học giỏi, địa linh nhân kiệt Trịnh Ngọc Biên, mặc dầu có thơ về Bác Hồ, chị Võ Thị Sáu, chiến sĩ Điện Biên Phủ, nhưng thơ anh vẫn dành cho Đà Lạt những cảm nhận thú vị:
Kìa ngựa bay lên đèo. Ngựa cưỡi mây lên non. Xe ngựa chạy bon bon. Trong đồi thông xanh biếc. Rồi cảm sự nhận tinh tế hơn:
Tôi đứng giữa Đà Lạt. Nhìn thành phố tắm sương. Tiết trời như mùa xuân. Hoa nối hoa như sóng.
Tác giả Phạm Văn Bảo, quê ở xứ Lạng lại hồi tưởng về thời đi học của mình ở xứ Lâm Đồng:
Sương mờ quyện ánh bình minh. Cướp đi chiếc áo thư sinh đời mình. Đồi sim vắng một bóng hình. Trường xưa đã mất thư sinh một người. Thơ ông nói "cướp", nói "vắng", nói "mất", nhưng thật sự nói vậy mà không vậy, mái trường, thời học sinh vẫn còn, hồn, vẫn đầy trong tâm tưởng, hồi tưởng. Thơ ý tại ngôn ngoại là vậy, thú vị lắm, sâu sắc lắm!
Cũng thâm trầm ngẫm nghĩ về hoài niệm, tác giả Đỗ Anh Vũ, quê Quảng Ngãi vẫn đậm đà, sâu lắng với quê, nhớ quê:
Xôn xao gà gọi sáng. Chênh chếch ánh trăng vàng. Hàng cau nghiêng bóng đổ. Mái ngói cũ màu sương. Tôi ngồi bên hiên đợi. Ký ức đâu chợt về… Tình qua rồi một thuở. Sao nay vẫn còn vương. Qua bao thăng trầm của đời sống, qua bao xô dạt cuộc đời, Đỗ Anh Vũ vẫn thấm đẫm hoài niệm về một vùng quê.
Sống ở vùng quê mới, đất đai tốt lành, làm ăn phát đạt, tác giả Trần Văn Cầu, quê hương Hà Tĩnh vẫn đau đáu lo cho vùng đất miền Trung lắm nắng nôi, nhiều mưa bão. Trong lòng anh chia sẻ cơn bão Haiyan:
Mây giăng giăng tuần trăng biến mất. Bão đang về mặt trời ở đâu. Biển đang ngủ bỗng dưng gào thét. Đất bình yên cây cối ngả nghiêng. Rồi anh kết luận:
Tại ta! Do ta! Cả vì ta! Hãy cùng nhau cứu trái đất này. Nếu không cứu chẳng còn lâu nữa. Loài người biến mất kể từ đây. Chao ơi, đừng nói người thơ chỉ lơ ngơ mây khói, thẫn thờ yêu đương, người thơ biết sẻ chia nỗi đau của phận người, kiếp người trong thiên tai bão lũ.
Tác giả Nguyễn Đình Toàn, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa xác định làm thơ không mơ mộng trở thành nhà thơ mà để sẻ chia tâm tư tình cảm, để cùng sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời, cho mình:
Tuy không là thi sĩ. Không chuyên nghiệp, nghiệp dư. Mà chỉ để tâm tư. Thơ xanh đời vui khỏe. Khắp nơi ta về đây. Bắc, Trung, Nam đầy đủ. Xây dựng nên Tân Hội. Xanh cùng màu Tây Nguyên.
Đọc đi đọc lại tuyển thơ “Bình minh trên quê hương Tân Hội”, tôi không còn thấy câu chữ nữa mà thấy tràn ngập tình thơ, tình đời, tình người ở vùng đất mới, xã điểm của công cuộc xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng và cả nước. Một câu lạc bộ thơ chỉ có 9 hội viên mà đã đốt lên ngọn lửa thơ của một xã vùng sâu, vùng xa ở vùng đất kinh tế mới Tân Hội, nó sẽ nhen nhúm tình thơ lan rộng ra khắp huyện Đức Trọng, khắp tỉnh Lâm Đồng.
Lê Anh Dũng