Đến nay, họa sỹ lừng danh Lưu Công Nhân vĩnh viễn lìa khỏi cõi trần đã vào năm thứ bảy. Cuối đời, khi vào sinh sống hẳn ở Đà Lạt, có lẽ ông chưa kịp quen biết hết anh em văn nghệ sỹ Lâm Đồng nhưng chắc chắn một điều rằng dấu ấn của ông trong lòng anh em là rất sâu đậm!
Tôi thuộc hàng con cháu nên không mấy khi được tiếp cận và chuyện trò với người họa sỹ lừng danh Lưu Công Nhân trong những ngày ông đến Đà Lạt và sống với Đà Lạt. Tuy vậy, những lần tiếp xúc dẫu rất hiếm hoi ấy với ông cũng đủ để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm và khó quên. Nay, nhân kỷ niệm 7 năm ngày ông mất (21.7.2007 - 21.7.2014), tôi lại ngồi nhớ lại...
|
Chân dung họa sỹ Lưu Công Nhân |
Cách nay 7 năm, ngày họa sỹ Lưu Công Nhân mất, tôi mang vòng hoa có đề dòng chữ “Báo Lao Động kính viếng” đến nhà riêng để viếng ông. Không khí hôm ấy ở nhà riêng của họa sỹ (trong một con hẻm hẹp trên đường 3/4 - cửa ngõ vào TP Đà Lạt) tuy trầm lắng nhưng không bi lụy.
Trước đó, thông qua nhà văn - nhà báo Vĩnh Quyền, Trưởng Văn phòng miền Trung Báo Lao Động, họa sỹ Lưu Công Nhân từ Đà Lạt bay ra Đà Nẵng vẽ liền 15 bức ký họa và gửi tặng Báo Lao Động 10 bức để bán đấu giá sung vào Quỹ Tấm lòng vàng của tờ báo này nhằm gửi tặng cho người lao động nghèo. Trong căn nhà hôm tang lễ, họa sỹ Lưu Công Nhân nằm như đang ngủ. Trước đó, căn bệnh parkinson đã hành hạ ông suốt nhiều năm liền. Khoảng tháng 8.2006, họa sỹ Lưu Công Nhân lần đầu tiên tổ chức cuộc triển lãm tranh “ra mắt” công chúng Đà Lạt khi ông chuyển vào sống hẳn ở TP hoa này. Như là định mệnh vậy, hôm trước khi khai mạc triển lãm, tôi có đến và được trò chuyện cùng họa sỹ Lưu Công Nhân. Ông nói với tôi như đang nói với chính mình: “Thời gian không dừng lại. Tôi vẫn đang chạy đua với nó đây! Và rất có thể, đây là triển lãm cuối đời của mình...”. Mặc dầu đang bị căn bệnh paskinson hành hạ nhưng họa sỹ Lưu Công Nhân 75 tuổi vẫn đứng lên với chiếc gậy trúc đi quanh phòng (Thai Gallery 66B, Phan Đình Phùng, Đà Lạt) và chỉ cho tôi xem từng bức vẽ: “Bức này tôi vẽ ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Còn đây là thiếu nữ Tày vùng Tây Bắc được mình vẽ từ hồi những năm đầu 70...”. Triển lãm lần cuối cùng của họa sỹ Lưu Công Nhân năm ấy chỉ được trưng bày vỏn vẹn 39 tác phẩm nhưng qua đó cho thấy “dấu chân” của người họa sỹ này in ở khắp mọi miền đất nước.
Còn nhớ hồi giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi Hội VHNT Lâm Đồng đang được vận động để thành lập, họa sỹ Lưu Công Nhân tuy đang sống ở Hà Nội nhưng thường xuyên có mặt ở Đà Lạt để góp ý những điều gì đó thật cần thiết cho những văn nghệ sỹ Lâm Đồng trong ban vận động. Tôi lần đầu tiên gặp ông cách nay gần 30 năm, ngày Hội VHNT Lâm Đồng sắp được thành lập, tôi thật bất ngờ: Nghe tiếng vị họa sỹ thế hệ đầu của giới hội họa Việt Nam Lưu Công Nhân đã lâu nhưng nay mới được gặp, và sự gặp gỡ cũng rất tình cờ. Ngày ấy, tôi đang là sinh viên của Đại học Đà Lạt có võ vẽ làm văn nghệ nên được may mắn là có quen biết với một vài anh em văn nghệ sỹ ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ngày ấy nghèo khó vô cùng, là sinh viên nên tôi càng nghèo. Dạo ấy, tôi không sống ở ký túc xá như trước mà chuyển về một cái chòi canh vườn nằm ở sau Dinh II, típ tắp dưới một thung lũng sâu. Muốn xuống được “nhà” của tôi, mấy anh em văn nghệ khá thân thiết như Sóng Trà (nhạc sỹ), Duy Thanh (nhạc sỹ), Lưu Hữu Nhi Dũ (nhà thơ)... phải gửi xe đạp từ trên cao rồi mới cuốc bộ qua nhiều con dốc dựng đứng mới đến được. Hôm ấy, chập choạng tối, nhạc sỹ Sóng Trà từ trên cao “ới” xuống thung lũng: “Có mấy anh trong Ban Vận động Hội Văn nghệ đến đây...!”. Giọng nhạc sỹ Sóng Trà khá vang. Tôi bước ra khỏi “nhà” và nhìn lên: Trong đoàn, ngoài nhà thơ Bùi Minh Quốc và một số anh em văn nghệ sỹ đã quen, còn có một “ông già” khá... lạ. Sau phần giới thiệu làm quen, họa sỹ Lưu Công Nhân nâng cùng chúng tôi chén rượu nhạt rồi mang cọ ra ký họa. Và, ông quay sang nhà thơ Bùi Minh Quốc (lúc này là Trưởng Ban Vận động) và mọi người: “Văn nghệ Lâm Đồng mặc dầu chỉ đang trong giai đoạn vận động thành lập nhưng cũng phải nghĩ ngay đến chuyện đội ngũ kế cận. Bởi, anh em ta rồi cũng phải đến lúc già đi...”. Hôm ấy, vào một đêm rượu nhạt trong căn chòi giữa rừng thông hoang vu, tôi lần đầu tiên được chứng kiến tài nghệ của vị họa sỹ lừng danh Lưu Công Nhân. Và sau đó, một lần tôi được chứng kiến tài nghệ của ông là hai bức ký họa cô dâu và chú rể trong một đám cưới của một người bạn làm văn nghệ ở Đà Lạt. Đến giờ, thời gian trôi qua cũng đã quá lâu, không rõ những bức ký họa năm ấy của họa sỹ Lưu Công Nhân lưu lạc ở phương trời nào...
|
Họa sỹ Lưu Công Nhân tại nhà riêng |
Đến nay, họa sỹ lừng danh Lưu Công Nhân vĩnh viễn lìa khỏi cõi trần đã vào năm thứ bảy. Cuối đời, khi vào sinh sống hẳn ở Đà Lạt, có lẽ ông chưa kịp quen biết hết anh em văn nghệ sỹ Lâm Đồng nhưng chắc chắn một điều rằng dấu ấn của ông trong lòng anh em là rất sâu đậm!
KHẮC DŨNG