Một số định hướng về phát triển trong các hoạt động văn hóa

08:07, 10/07/2014

Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện định hướng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, quan trọng nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện định hướng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, quan trọng nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Những chủ trương, đường lối của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính định hướng chiến lược lâu dài về xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta.
 
Đêm cồng chiêng giao lưu văn hóa với các miền. Ảnh: BN
Đêm cồng chiêng giao lưu văn hóa với các miền. Ảnh: BN
 
Việc “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu; là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Theo năm quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội…; chúng ta cần xác định rõ các mục tiêu:
 
Thứ nhất: Xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của sự nghiệp phát triển văn hóa nước ta. 
 
Xây dựng gia đình đoàn kết, hòa thuận, bình đẳng, hạnh phúc, kỷ cương, nền nếp, đời sống kinh tế ổn định và phát triển; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. 
 
Thứ hai: Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, trước hết phải xác lập các thể chế dân chủ ở cơ sở, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được tổ chức và tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng; gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc,… Tập trung thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nhiệm vụ quan trọng, đưa phong trào đi vào chiều sâu, có kết quả thiết thực, trở thành phong trào của toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
 
Thứ ba: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt. Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng vùng dân tộc; nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. 
 
Thứ tư: Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hóa Việt Nam. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn ở kỷ nguyên toàn cầu hóa. Có thể nói, thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Thông qua hoạt động văn hóa được tổ chức, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Thứ năm: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, phương thức và sự tìm tòi, thể nghiệm. Thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất, bảo trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bảo hộ có kết quả về tác giả và quyền liên quan.
 
Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật hiện đại. Xây dựng cơ chế tư vấn, phản biện xã hội và thẩm định giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kiến trúc. 
 
Phát huy, khai thác và giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Khuyến khích sự tìm tòi, khẳng định và bảo vệ những giá trị mới làm phong phú và đa dạng đời sống văn hóa, văn nghệ. 
 
Thứ sáu: Phát huy các nhân tố tích cực trong đạo đức, văn hóa tôn giáo; khuyến khích những giá trị lành mạnh, hướng thiện, nhân đạo, có ý nghĩa tiến bộ. Tạo điều kiện cho những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp với văn hóa và lợi ích chung của dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện tốt trách nhiệm của công dân đối với đất nước. 
 
Thứ bảy: Hệ thống thông tin đại chúng phải đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc. Thông tin đại chúng là phương tiện chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng, đồng thời, bản thân thông tin cũng là một dạng thức văn hóa đặc thù, có tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với công chúng.
 
Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm thông tin. Dùng tiếng nói các dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng đồng bào dân tộc. 
 
Thứ tám: Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Đầu tư chiều sâu trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa. 
 
Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về văn hóa, nghệ thuật một cách toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa phù hợp pháp luật hiện hành; điều chỉnh, bổ sung những chính sách đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, đồng thời loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển. 
 
Thứ chín: Mở rộng và tăng cường giao lưu, hợp tác về văn hóa của nước ta với các nước trên thế giới. Đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn định. Xây dựng cơ chế phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa.
 
Trao đổi, giới thiệu và phổ biến sâu rộng những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc, cốt cách của người Việt Nam với các nước. Phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
 
Để làm tốt các mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân để văn hóa thực sự là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ từng căn dặn.
 
THANH TRUYỀN