Ngôi miếu trên đồi

08:07, 17/07/2014

Hồi mới hình thành Đà Lạt, người dân từ các miền trên cả nước tới vùng đất mới sống tập trung thành những ấp. Có lẽ ấp là đơn vị cơ sở trước khi có khu phố hay bây giờ đổi thành phường...

Hồi mới hình thành Đà Lạt, người dân từ các miền trên cả nước tới vùng đất mới sống tập trung thành những ấp. Có lẽ ấp là đơn vị cơ sở trước khi có khu phố hay bây giờ đổi thành phường. Ở phường 7, hồi trước gọi là khu phố 3 có các ấp Bạch Đằng, Nguyễn Siêu, Cao Thắng, Phước Thành, Đa Phú, sau năm 1954 có thêm 2 ấp là Tùng Lâm và Thánh Mẫu.
 
Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Là một vùng ven thành phố nên ở phường 7 người dân sống chủ yếu bằng nghề làm vườn. Một quả đồi cạnh đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chạy dài từ ngã ba (bây giờ là vòng xoay Đa Thành) cho tới đường rẽ vô ấp Cao Bá Quát dành riêng cho Trường Tiểu học Đa Thành. Ngôi trường đó gắn liền với sự phát triển của các ấp, là nơi những đứa trẻ con của những người làm vườn ở các ấp Bạch Đằng, Nguyễn Siêu và Cao Bá Quát đến học… Ngày xưa trường Đa Thành có một cái sân đá banh đúng tiêu chuẩn, nghĩa là dài một trăm mét tính từ trụ gôn bên này đến trụ gôn bên kia. Chiều chiều những thanh niên trai tráng trong 3 ấp sau một ngày làm lụng vất vả kéo nhau lên trường Đa Thành đá banh. Trò chơi đó không phải chờ đến bây giờ mới phát triển mạnh, từ ngày xưa hễ là thanh niên ai cũng ham thích môn thể thao này cả. Những năm sáu mươi tôi là một thằng nhỏ hay lên sân trường xem các anh lớn đá banh. Tôi hay đứng phía sau trụ gôn để xem cách bay người bắt banh của các anh giữ gôn và trong lòng tôi nể phục các anh ấy vô cùng.
 
Bùi Tỵ là bạn học cùng trường, cùng lớp với tôi trong 5 niên khóa từ năm 1960 đến 1965 ở trường Đa Thành. Hồi còn nhỏ, Tỵ là một đứa học trò khá thụ động. Tỵ học giỏi các môn nhưng hay bị cô Bằng phê bình là ít hoạt động bởi Tỵ không tham gia các trò chơi như vụ, bắn bi hay các trò đánh đáo mà đứa học trò nhỏ nào cũng ham chơi. Khi nghe cô phê bình như vậy, mỗi lúc ra chơi tôi thấy Tỵ thay vì đứng một chỗ xem các bạn chơi bi hay đánh đáo, Tỵ chạy một mạch từ trụ gôn này đến trụ gôn kia của cái sân banh rồi chạy ngược trở về. Và như vậy là xong, Tỵ đã trở thành một người có hoạt động, đã khắc phục được “khuyết điểm” như cách nói bây giờ. Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một thằng nhỏ nhỏ con, đen nhẻm cắm cúi chạy từ đầu này đến đầu kia rồi quay lại đến bên tôi coi thằng Dụng bắn bi. Dụng bắn bi hay nhất trên đời, hồi nhỏ tôi “cúng” cho Dụng không biết bao nhiều là hòn bi “tuyn”, chỉ còn lại vài hòn bi “ghẻ” bởi Dụng không cho chơi loại bi này. Kỷ niệm thời đi học là loại kỷ niệm khó phai và ngọt ngào nhất trong đời của mỗi chúng ta!
 
Khi vô trung học đệ nhất cấp, bây giờ là cấp 2, tôi không còn được học chung với Bùi Tỵ. Hai đứa học hai trường khác nhau. Tôi thi đậu Trường Trung học Trần Hưng Đạo là trường công nam sinh duy nhất ở Đà Lạt trước giải phóng. Tỵ học ở một trường tư, hình như là trường Bồ Đề nay đổi tên lại là trường Nguyễn Du. Hai đứa thỉnh thoảng gặp nhau hỏi thăm nhau vài câu rồi đường ai nấy đi. Năm bảy lăm tôi thấy Bùi Tỵ mặc đồ công an, từ sau tháng 9 năm 1975 hễ là công an thì được cấp trang phục một màu vàng giống như màu cảnh phục của cảnh sát giao thông bây giờ không phân biệt là công an phường hay an ninh gì cả. Bùi Tỵ thoát ly sau giải phóng và được nhận vô làm công an phường, dường như là công an khu vực khóm Bạch Đằng là chỗ ở của Tỵ. Cũng phải thôi, Bùi Tỵ là người địa phương thì việc nắm tình hình trị an sẽ dễ hơn những người khác. 
 
Mấy năm sau tôi không thấy Bùi Tỵ mặc đồ công an nữa. Hỏi ra thì được biết Tỵ đã chuyển ngành. Từ công an Tỵ xin chuyển về Ty rồi sau này thành Sở Giao thông vận tải. Bùi Tỵ gắn bó cuộc đời của mình với ngành giao thông từ đó cho đến ngày về hưu. Trong suốt mấy chục năm Tỵ chắc là làm nhiều thứ nhưng dường như nghề thanh tra giao thông là cái nghề mà Tỵ gắn bó nhiều nhất trong đời một công chức bình thường như Bùi Tỵ. Tôi làm khác nghề với Tỵ nên chi cũng ít quan tâm đến chuyện nghề nghiệp của bạn bè, chỉ biết Tỵ yên ổn vậy là tốt lắm rồi. Thỉnh thoảng tôi gặp Tỵ trong một vài cuộc nhậu, rồi lại thấy Tỵ hay ngồi lai rai một xị rượu Diệu Ký ở đường Phan Đình Phùng với Phi, trưởng một phòng ở Sở Nội vụ. Chuyện chỉ vậy thôi thì không có gì để kể, cái chuyện rượu bia một thời trai trẻ ai mà không trải qua. Chuyện Tỵ tìm chút hưng phấn với xị rượu bổ Diệu Ký cũng bình thường như bao chuyện khác.
 
Khi tôi về hưu tôi chuyển sinh hoạt về địa phương. Trong một lần sinh hoạt tôi gặp Bùi Tỵ. Thì ra Tỵ về hưu trước cả tôi. Hỏi thì được biết Tỵ bị đến ba lần đột quỵ may mà không chết trước khi về hưu. Hèn gì mà mấy năm nay tôi không gặp Tỵ, nay thấy Tỵ tai qua nạn khỏi cũng mừng cho bạn. Bây giờ Bùi Tỵ không thể đi nhanh được, hễ đi hơi nhanh một chút là thấy ngợp. Đó chỉ là hạn chế duy nhất mà Bùi Tỵ gặp phải khi mắc chứng đột quỵ này. Nhiều người khác hễ mắc phải đột quỵ mà không chết thì căn bệnh cũng để lại nhiều di chứng. Nặng thì bán thân bất toại hay nằm một chỗ, nhẹ hơn thì chân đi xà lết hay phải chống nạng… Còn Bùi Tỵ bây giờ chỉ bị hạn chế như vậy thì quả là điều đáng mừng. Tôi mừng cho Bùi Tỵ cuối đời gặp hạn nhưng dẫu sao thì cũng là cái hạn nhẹ nhàng. 
 
Tôi khuyên Bùi Tỵ tập thiền để quân bình bởi đột quỵ liên quan nhiều đến tăng huyết áp, tôi đọc trên nhiều tài liệu đều nói thiền có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ với người mắc bệnh này. Bùi Tỵ trả lời có tìm hiểu nhưng thiền là một vấn đề quá sâu xa, mỗi người hiểu một cách khác nhau nên Tỵ chưa biết nên tin ai theo ai bây giờ? Tỵ còn tâm sự với tôi tuy không tu tập thiền nhưng bây giờ tình hình sức khỏe của Tỵ khá ổn định, cho dù mấy lâu nay không dùng thuốc và không đi tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Tôi thật sự ngạc nhiên với lời bộc bạch của Tỵ và lấy làm lo lắng cho sự chủ quan của bạn. Nhưng khi nhìn sắc diện tôi mới thấy Tỵ không nói quá. Tôi từng gặp nhiều người bị tai biến nhưng sắc diện thì không mấy tốt, còn Tỵ ngược lại tôi thấy vẫn như thường nếu Tỵ không nói ra chắc tôi không biết anh từng trải qua 3 lần đột quỵ!
 
Trong dịp dự đám cưới con của một người hàng xóm, tôi lại gặp Tỵ. Tỵ vẫn vậy không có gì thay đổi. Cái thay đổi duy nhất của Tỵ là không uống bia rượu nữa, còn thuốc lá vẫn chưa bỏ được, một ngày Tỵ phải hút nửa gói Seven! Tôi hỏi thăm sinh hoạt hàng ngày của Bùi Tỵ, Tỵ cho biết rằng niềm vui bây giờ là hàng ngày lên chăm sóc mấy trăm cây cà phê catimo và vài chục cây bơ trên diện tích 500 mét vuông đất đồi sau nhà. Lao động là một phương thuốc hữu hiệu có thể chữa được nhiều chứng bệnh. Tỵ đồng ý với tôi như vậy nhưng lại nói thêm:
 
- Còn chuyện tâm linh cũng không kém quan trọng đâu. Chuyện đó cũng giống như là thiền vậy!
 
Rồi Tỵ kể cho tôi nghe câu chuyện xảy ra với mình như vầy:
 
Tỵ có một miếng đất trên đồi sau nhà ở Bạch Đằng giống như nhiều nhà hàng xóm. Một buổi chiều tháng 4 năm 2011, một người hàng xóm thuê xe ủi san mặt bằng trên đồi, Tỵ lên xem. Không hiểu sao chiều đó Tỵ nhớ lại những ngày tết Mậu Thân trên đồi này là một cao điểm của quân giải phóng chiếm đóng để làm bàn đạp tấn công vô thị xã Đà Lạt. Nghĩ như vậy nên Tỵ dặn với tay lái máy ủi coi chừng biết đâu dưới đất này có hài cốt, nếu mà gặp thì dừng lại đừng làm nữa mà động chạm đến vong linh người đã khuất. Dặn xong Tỵ xuống nhà ngay. Năm phút sau người lái máy ủi hớt hải chạy xuống nhà tìm Tỵ báo thấy nhiều hài cốt lắm và mời lên ngay để tìm cách giải quyết. Tỵ lên đồi. Quả thật trước mặt Tỵ là xương người và cả những vật dụng cá nhân lộ ra sau khi bị chiếc xe ủi gạt lớp đất mặt khoảng chừng một mét. Qua nhiều năm tháng không còn rõ những dấu vết có bao nhiêu hài cốt phát lộ ra, Tỵ tỉ mẩn vạch từng chút đất để có thể thử khẳng định nhưng không thể, chỉ biết áng chừng từ 5 đến 6 bộ hài cốt trong đám đất này. Ngoài hài cốt, những vật dụng cá nhân của bộ đội giải phóng cũng còn lưu lại như những đôi dép lốp, mấy cái tăng bằng vải ni lông, cây bút bi, quai ba lô con cóc… chứng tỏ giả thuyết của Tỵ đây là nơi chôn cất của bộ đội sau khi hy sinh. Tỵ báo tin cho phường, phường báo lên thành phố và tỉnh. Số hài cốt mà Tỵ đã cẩn thận góp nhặt được cơ quan chức năng mang đi mai táng. Tỵ cứ bàng hoàng mãi với sự việc này, trong lòng Tỵ cứ suy nghĩ miết về những người nằm xuống. Tỵ nói với tôi lúc nhỏ mấy anh giải phóng hay về nhà Tỵ, nay dường như cũng mấy anh đó nằm lại trên đồi sau nhà. Năm sáu tám Tỵ mười lăm tuổi, với số tuổi ấy trí nhớ cũng đã định hình. Bây giờ tuy hài cốt của các anh đã được chôn cất đàng hoàng trong nghĩa trang liệt sĩ, nhưng linh hồn các anh vẫn quanh quẩn đâu đây trên đỉnh đồi nơi các anh ấy hy sinh. Đêm đó Tỵ suy nghĩ rất lung và quyết định sẽ làm một cái miếu thờ các anh chiến sĩ vô danh để an ủi linh hồn các anh nơi đất khách. Các anh là người miền Bắc vào Nam chiến đấu và hy sinh, Tỵ nhớ lại như vậy. Tỵ không cô đơn trong nghĩa cử này. Tỵ bỏ một ít tiền, bạn bè người thân kẻ góp công người góp của để một ngôi miếu trên đồi được hình thành. Tay lái xe máy ủi cũng góp một phần để xây ngôi miếu mỗi cạnh ba mét, bốn mái để thờ các chiến sĩ vô danh hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tỵ mang lên miếu một cái bàn và ba cái ghế để các anh ngồi. Hàng ngày trong hành trang mang lên đồi là cái liềm, cái cuốc tùy theo công việc, Tỵ còn mang theo nước để lau chùi ngôi miếu và thẻ nhang để đốt cho các anh ấm lòng. Ngày rằm và mùng một Tỵ đều cắm hoa, chưng trái cây để cúng các anh. Các rằm lớn trong năm Tỵ còn cúng cả xôi, chè… Tỵ nói với tôi:
 
- Một ngày mình lau chùi ngôi miếu chừng nửa tiếng đồng hồ, sau đó đi làm. Chừng nào mệt thì vô ngồi trước miếu uống nước, một buổi sáng mình uống hết một lít rưỡi nước lọc. Từ sau ngày cất cái miếu thờ các anh mình thấy khỏe ra dường như bệnh tật không còn nữa nếu không có cái vụ đi hơi nhanh là bị ngợp. Mình không uống thuốc hay đi tái khám, vậy mà sức khỏe vẫn không sao, có lẽ các anh phù hộ cho mình!
 
Cuối tháng bảy Hội hỗ trợ gia đình thương binh liệt sĩ sẽ vô Đà Lạt, Tỵ là thành viên hội này, Tỵ cho tôi biết như vậy. Tôi quên mất hỏi Tỵ cất ngôi miếu hồi nào, chắc không lâu sau ngày cải táng các anh liệt sĩ. Tỵ còn cho tôi biết trước khi chúng tôi chia tay:
 
- Mình đã tìm cách xác minh được họ tên quê quán của các anh liệt sĩ mình đang thờ nhưng chưa công bố được bởi chưa chắc chắn một trăm phần trăm!
 
Tôi tin Tỵ sẽ thành công trong việc nghĩa này.
 
Truyện ký: VÕ ANH CƯƠNG