Đỉnh Lang Bian. Mây mù bảng lảng rồi nhanh chóng dày sánh thành những hạt nước rơi xéo. Không gian thu lại trong cái bắt tay. Nhờ sự sắp xếp của PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, tôi và lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có cuộc trò chuyện ngay trên đỉnh núi...
Đỉnh Lang Bian. Mây mù bảng lảng rồi nhanh chóng dày sánh thành những hạt nước rơi xéo. Không gian thu lại trong cái bắt tay. Nhờ sự sắp xếp của PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, tôi và lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có cuộc trò chuyện ngay trên đỉnh núi. "Người tự do trên sân chơi tiểu thuyết lịch sử" Nguyễn Xuân Khánh là cách nói của GS Nguyễn Thị Bình hiện hữu thật lành và tự tại trước mặt tôi.
|
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (bìa trái) |
Im lặng gần 30 năm và bung nở
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1932 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y Hà Nội 2 năm đến năm 1952 thì vào quân đội. Trước khi nghỉ hưu ông làm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong. Năm 1958, ông dự trại viết quân đội, bước vào nghề văn bằng viết truyện ngắn. “Rừng sâu” là tập truyện ngắn do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 1962. Nhưng sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh phải kể đến tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tiên là Làng nghèo, viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của làng kháng chiến. Sinh nghề tử nghiệp, con đường văn chương của ông phải ngừng gần 30 năm vì biến cố về nhận thức.
Đến năm 1990 đổi mới, Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn. Nhiều tiểu thuyết của ông được giới thiệu: Miền hoang tưởng, Trư cuồng, Hồ Quý Ly, Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi, Mưa quê, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa… Mạch văn của ông như dồn nén và thổn thức về ý thức dân tộc trong hàng chục năm có dịp bung ra, bất chấp với tuổi tác. Bộ ba tiểu thuyết đồ sộ: Hồ Quý Ly 804 trang (năm 2000), Mẫu thượng ngàn 808 trang (năm 2006) và Đội gạo lên chùa 868 trang (năm 2011) gây chú ý mạnh giới văn chương và công chúng. Hồ Quý Ly tái bản 15 lần với hàng chục vạn bản, Mẫu thượng ngàn tái bản 6 lần. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly đoạt giải tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Thăng Long của UBND TP. Hà Nội và cùng Mẫu thượng ngàn đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được Viện Văn học tổ chức hội thảo thu hút rất nhiều học giả các thế hệ nổi tiếng ở Việt Nam. Mẫu thượng ngàn được Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - văn học Nga thuộc Hội Nhà văn Việt Nam dịch ra tiếng Nga. Văn Nguyễn Xuân Khánh là ngẫm ngợi, là hành trình kiếm tìm và gìn giữ hồn cốt của dân tộc. Ông nói: “Tôi không đi tìm hình thức mà chủ yếu là vấn đề, suy tư của dân tộc mình là chủ yếu”.
Tiểu thuyết lịch sử và phong tục
Ba cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa đang là những hiện tượng trong đời sống văn chương. Dịch giả nổi tiếng, nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây Đoàn Tử Huyến nhận xét rất mạnh mẽ với tôi: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hiện là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam đáng đọc nhất”. GS Phong Lê từng nhận xét về văn Nguyễn Xuân Khánh không mạnh ở cách tân nghệ thuật, mà là ở "sức nghĩ và vốn sống". Làm nên hàm lượng nặng ký của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh chính là "sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa - phong tục”. Theo ông, hầu hết tiểu thuyết đều mang tính lịch sử. Vì vậy nó gắn với nhiều ngành học khác: dân tộc học, lịch sử, nhân chủng học, văn hóa học…“Tôi khuynh hướng đi về văn hóa. Văn hóa trong tiểu thuyết có thể là tập tục, nếp sống làng quê. Nếu không có nền tảng văn hóa thì tiểu thuyết không đứng vững được”, ông nói. Ông hồi ức với tôi về quá vãng của dân tộc: Những năm kháng chiến, làng vẫn giữ những nét riêng biệt của Việt Nam. Chính làng giữ lại bản sắc văn hóa của Việt Nam, giữ lại cái hồn Việt Nam; nhờ văn hóa làng nên dân tộc không bị đồng hóa do chiến tranh. Ý thức ấy xuyên suốt trong các tác phẩm Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa… bằng những giao thoa văn hóa. Chấp nhận đa chiều đan xen nhưng ý thức dân tộc phải là nền tảng bền vững, đây là sức hút của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh; là sự trường tồn của dân tộc theo cách khai triển Nguyễn Xuân Khánh. Viện Văn học với sự tài trợ của Hội Nhà văn Việt Nam đã cho xuất bản cuốn Lịch sử và văn hóa - Cái nhìn nghệ thuật: Nguyễn Xuân Khánh gồm bài viết của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Nhưng chưa phải góc nhìn duy nhất như lời Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp, vì về Nguyễn Xuân Khánh "cần đến khoảng 10 tọa đàm, hội thảo nữa thì mới nói đầy đủ được".
Phật giáo là một lối sống
Bằng trải nghiệm của mình, Nguyễn Xuân Khánh thức nhận Phật giáo luôn tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam. Ông nói, mỗi làng quê đều có ngôi chùa, nhưng không phải là để cho người ta đi tu, mà để gìn giữ một lối sống. “Người dân Việt mang đậm tính cách Phật giáo, sức bền bỉ chịu đựng rất ghê, mà tính năng động cũng rất lớn, đó là sức sống và sự cân bằng trong tính cách Việt, chủ yếu được người phụ nữ gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác qua lời ru”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói.
Ông nhận xét: Văn hóa người Việt có 3 chân kiềng, gồm văn hóa làng; đạo Nho, đạo Khổng và Phật giáo. Các ông bố ở cái đình, các bà mẹ ở cái chùa. Tín ngưỡng đạo Mẫu là riêng của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nó chỉ mới dừng lại ở những tín ngưỡng dân gian nhưng vẫn giữ nét đẹp của nó. Đó là sức sống phồn thực, tính sinh sôi nẩy nở của làng Việt Nam. Đạo Mẫu để lại di sản âm nhạc, vũ đạo trong những sinh hoạt tín ngưỡng, rất có giá trị. Tuy nhiên, không thể so sánh sự thâm sâu, trí thức như ở đạo Phật. “Chúng ta đang ở một thế giới hiện đại, chúng ta đang mất đi những nét đẹp, thông thường chúng ta muốn chiếm đoạt. Tôi muốn nói con người nên quay lại, tôi không kêu gọi người ta đi theo Phật giáo, đi tu ở chùa mà cần có lối sống Phật giáo, phải làm hằng ngày, xây dựng văn hóa cho con người, “từ bi hỉ xả”. Tôi muốn người đọc tự nhận ra, không thuyết giả. Bất cứ người Việt Nam nào, dù không tôn giáo cũng đều mang chút tính cách, tâm hồn của đạo Phật. Với người Việt, Phật giáo là một lối sống”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tỉnh thức và hoan hỉ cùng tôi như vậy. Nhà văn có tài là nêu được những vấn đề thẳm sâu của xã hội, nói ra được những khao khát ẩn ngầm của thời đại, của dân tộc. Nhưng nghiệp văn cũng cần hai chữ “tùy duyên”.
TĨNH XUYÊN