Quanh bàn rượu rất đời thường cạnh Hồ Xuân Hương, chợt nhạc sĩ Đức Trịnh nói nhỏ với tôi: "Mình vừa sáng tác và thu âm ca khúc mới Đà Lạt mộng mơ"...
Những cơn mưa nặng hạt phủ nẻo đường chờm dốc phố ngày đầu tháng sáu. Tôi với anh bạn nhà thơ, nhà báo ở Lâm Đồng có cuộc hẹn cuối tuần, chợt gặp và tiếp chuyện thiếu tướng, nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Đức Trịnh - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhân dịp anh vào dự Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ 2 do Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, hướng về Năm Du lịch Quốc gia “Đại ngàn Tây Nguyên 2014 ”.
Quanh bàn rượu rất đời thường cạnh Hồ Xuân Hương, chợt nhạc sĩ Đức Trịnh nói nhỏ với tôi: “Mình vừa sáng tác và thu âm ca khúc mới Đà Lạt mộng mơ”.
Tôi bật thốt: “Đà Lạt mộng mơ của nhạc sĩ Từ Huy đã đi sâu vào công chúng từ thập niên 90 thế kỷ trước, đến bây giờ vẫn còn cháy trong giới trẻ xứ ngàn hoa”.
Anh lặng thầm “Có lẽ những tác phẩm văn học nghệ thuật, bất kể thể loại nào khi viết về mảnh đất này, không thể không mộng mơ bởi vì mộng mơ là dưỡng chất là đặc sản của Đà Lạt khó lẫn đâu được”.
Tôi lắng lại chen vào: “Còn có cái buồn buồn nữa anh ạ”. Anh lần lữa chọn, rồi bật cho tôi nghe tiếng hát ca sĩ Kasim Hoàng Vũ (demo) qua chiếc điện thoại cầm tay. Chúng tôi ming mang diệu vợi thả về chốn xa xăm, đồng điệu nhấp chén say…
Đà Lạt mộng mơ! Mộng mơ Đà Lạt! Ở đây tôi không có ý phân tích hay so sánh, mà chỉ nhận định vẻ đẹp khác nhau của 2 tác phẩm cùng tên.
1.
Nhạc sĩ Từ Huy dùng thể loại nhạc pop chân phương, chọn âm giai La trưởng (A) nghiêng về giọng nữ, giai điệu tiết tấu lời ca trẻ trung sôi động cuốn hút, thể hiện nhịp sống của những năm đầu đất nước đổi mới và hội nhập.
2.
Nhạc sĩ Đức Trịnh chọn âm giai Đô trưởng (C) làm chủ đề chính xuyên suốt dành cho giọng nam, nhịp vừa phải (Moderato), thể loại trữ tình lãng mạn (Pop ballade), ca từ nhạc điệu đan xen cũ mới, nét đẹp in giữa xưa và nay, hình thành một phong cách riêng biệt - phong cách con người, tình yêu thiên nhiên, cây trái, bông cỏ dại nhấp nhô núi đồi Đà Lạt.
Ca khúc được viết theo hình thức 2 đoạn đơn (A B), cấu trúc cân đối, gọn gàng, mạch lạc, có phát triển.
A. “Đà Lạt ơi, Đà Lạt... Đà Lạt mộng mơ…
Ngẩn ngơ Đà Lạt thành phố yêu thương”
Không chỉ mộng mị đam si gió núi mây ngàn, nhạc sĩ Đức Trịnh còn hồi niệm về một khoảng trời hoang nắng, tràn ký ức mưa, chập chờn đêm lạnh, mông lung nỗi nhớ đây đó thuở nào. Thơ ngây tìm lại ngọn đồi sương xanh mây trắng, luống cuống loanh quanh con phố mưa vỗ trưa hè. Tất cả dồn nén rồi vỡ òa qua từng cung bậc trong trẻo bổng trầm cao thấp, ca từ níu lại, nhạc điệu linh lan, lấp lóa nhiều gam màu mới lạ, độc đạo huyền mơ, mơ xa…
“Một mầu xanh phố mờ sương
Đồi núi nhớ
Em đi về đâu chiều lũng sâu hồ xanh biếc
Đà Lạt ơi…”
Ở đoạn 2 (B), giai điệu và nhịp điệu không cầu kỳ hoán cải, chủ yếu mô phỏng lại trạng thái tình cảm, ngẫu hứng tâm thức. Cung quãng lúc này chỉ đẩy cao và rộng hơn chút ít, tạo độ rung cho công chúng cảm giác “tê”, hoang mê khắc khoải.
B. “Còn vấn vương tình yêu, mầu xanh phố núi
Đợi ai cuối đường ngày mai trở lại
Đà Lạt ơi.
Đà Lạt thành phố mộng mơ…”
Nhạc sĩ Đức Trịnh có cả gia tài âm nhạc từ cổ chí kim, Tây phương, dân tộc, phổ thông đương đại, thịnh hành (Pop - Rock…). Lĩnh vực nào cũng sâu, anh viết nhiều đề tài, nhiều thể loại khác nhau, từ ca khúc nghệ thuật (Romance) đến khí nhạc (Symphonie - Concerto…). Riêng tác phẩm này, anh đã khéo léo kết cấu phần hòa thanh cho giai điệu hết sức chi tiết, luôn biến động thang âm trong từng ô nhịp, tài tình xử lý cung quãng xa gần, nghịch, đảo phách (Sincope) nhiều note treo ngoài hợp âm. Lạ duyên dáng, nguyên khôi, bồng trôi.
||…Bbmaj7 Dm/A | G7sus4 | G7 | C || Công bằng mà nói những hợp âm bay bay như vậy thường gặp trong các thể loại (Blue - Jazz…). Không phải thuận chiều chẳng phải phổ biến rộng rãi, nhưng giữa đời thường hoặc chừng mực nào đó khi âm nhạc vang lên người nghe có thể chiêm nghiệm tìm tòi, ngẫm ngợi.
Vâng! “Đà Lạt mộng mơ”, “Mộng mơ Đà Lạt”. Nhạc sĩ Đức Trịnh là thế. Lãng đãng dòng sông trắng xóa bờ phía xa, mỏng mảnh khuôn trăng giăng treo cuối trời bàng bạc. Giai điệu bập bềnh bập bềnh, nét xưa trầm mặc hiện về nhưng không ủy mị sướt mướt, nhịp điệu bừng soi mạch đập ngày nay chẳng thấy ồn ào náo động. Khúc hát đòng đưa đòng đưa nỗi niềm rồi cứ thế phiêu mây, phiêu mưa, phiêu sương khói… “Ngày mai trở lại nơi thành phố tình yêu”, trên đỉnh ngàn bâng khuâng, dưới lũng vàng hoa nở, bên rừng thông lặng lẽ chiều.
Thêm một người
ĐÀ LẠT MỘNG MƠ! ĐÀ LẠT MỘNG MƠ…!
NS ĐÌNH NGHĨ