Tôi sinh ra từ đất Quảng chưa một lần đặt chân lên đảo ngọc Lý Sơn. Nhưng Khương, bạn tôi lại lớn lên cùng tiếng rì rào của rừng dương ven biển, cùng nắng gió và tiếng sóng vỗ bờ đều đều của thủy triều lên xuống trên đảo ấy.
Tôi sinh ra từ đất Quảng chưa một lần đặt chân lên đảo ngọc Lý Sơn. Nhưng Khương, bạn tôi lại lớn lên cùng tiếng rì rào của rừng dương ven biển, cùng nắng gió và tiếng sóng vỗ bờ đều đều của thủy triều lên xuống trên đảo ấy.
Học đến “trình độ” biết đọc, biết viết, Khương “xếp bút nghiên” theo cha làm nghề chài lưới ven biển để kiếm sống. Cha anh mất trong lần đánh bắt tại vùng biển của quần đảo Hoàng Sa trong cơn thịnh nộ của cuồng phong bão tố. Từ đó anh phải gánh vác công việc gia đình thay cha nuôi mẹ và em. Khương càng lớn lên càng khỏe, càng điển trai. Anh có thân hình vạm vỡ, cơ bắp rắn chắc cuồn cuộn, nước da được nước biển và nắng gió đại dương quét cho một lớp da bánh mật đen giòn.
Siêng năng, chăm chỉ làm ăn, chắt chiu trong cuộc sống, dần dà anh cũng sắm được một chiếc thuyền cho riêng mình, không phải nai lưng kéo lưới thuê cho người khác.
|
Minh họa: H.T |
Ông Thao là người cùng thời với cha anh, là ngư phủ giàu kinh nghiệm trong nghề chài lưới. Ông thông thạo ngư trường Hoàng Sa. Mùa nào, đánh bắt phía đông hay phía tây, cá ăn chìm hay ăn nổi, cần lưới dày hay lưới thưa, lưới quét hay lưới vây..., ông thông thuộc ngư trường như thuộc lòng bàn tay. Vì thế nên dân đảo Lý Sơn mới phong cho ông tước hiệu “kình ngư” biển cả. Nghe đến tên ông, bà con vùng biển quê hương ai cũng thán phục. Có điều ông không bao giờ hé lộ bí quyết làm ăn “Giúp tiền, giúp bạc chứ không thể giúp bí quyết làm ăn”, ông thường bảo thế. Trái lại, Khương mãi loay hoay đánh bắt tòng teng, tôm tíc gần bờ. Có những chuyến đi tay trắng về trắng tay, nợ nần chồng chất, rồi một lần trong cơn túng quẫn nghe theo lời bọn xấu anh mua thuốc nổ đánh cá bị công an phát hiện lập biên bản và khởi tố với tội danh hủy hoại môi trường sống.
Tuổi trẻ xốc nổi lại quá sợ hãi, anh nghĩ, nếu anh bị bắt thì ai nuôi mẹ và em. Thế là anh trốn bỏ quê hương, dắt mẹ và em chạy lên vùng kinh tế mới Lâm Đồng tìm kế sinh nhai khác. Chiếc thuyền và ngôi nhà tranh nhờ ông anh họ trông giùm. Với số tiền tích cóp được anh mua một mảnh vườn, dựng túp nhà tranh cho ba mẹ con tá túc. Anh thuê thêm đất trồng dâu nuôi tằm, trồng cả rau dưa lấy ngắn nuôi dài. Cuộc sống dần ổn định. Việc làm ăn ngày một khấm khá, có chiều thuận lợi. Dần dà anh quen Liên, cô gái hái dâu nuôi tằm. Liên, cô thôn nữ miền đất đỏ Bazan đẹp người đẹp nết. Lâu dần con tằm vương tơ, những lần hò hẹn, đầu mầy cuối mắt, sóng tình xiêu xiêu. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Một lần Liên thỏ thẻ:
-
Anh à! Chỉ cần tằn tiện vài năm nữa là “chúng ta” có thể tạo dựng được ngôi nhà nhỏ. Lúc ấy chúng mình sẽ...
Nhưng, Khương còn đầy duyên nợ với biển cả. Đêm nào anh cũng mơ thấy biển, thấy thuyền anh đang lướt sóng, những con cá song, mực, cá mú... lóng lánh ánh bạc giẫy giụa khi chúng mắc lưới, chúng nhảy đành đạch trong lòng thuyền, những con sóng lăn tăn, những đêm trăng sáng, những bến đảo anh thường neo thuyền tránh phong ba bão tố và làn gió biển khơi pha vị mặn của nước biển quê hương luôn vẫy gọi.
Anh nhớ có lần cha kể cho nghe: Ông nội anh từng là hải binh trong đội hải thuyền của vua được cử ra Hoàng Sa canh gác và thu lượm hải vật trôi dạt vào bờ mang về dâng vua và cúng tế ở đình làng. Ông từng đứng gác nơi cột mốc đảo Phú Lâm... Với thành tích ấy đội hải thuyền Lý Sơn được vua ban tặng sắc phong.
Những kỷ niệm về biển và câu chuyện cha kể luôn luôn thôi thúc anh, máu ngư phủ lại dâng trào. Nhiều đêm thao thức trăn trở không sao ngủ được. Trong tiềm thức anh không thể sống xa biển. Anh không thể sống nếu hằng ngày không ngửi thấy vị mặn chát của nước biển, không trông thấy cánh chim hải âu chao lượn trên con thuyền khi cập bến. Biển luôn vẫy gọi, nhưng còn mối tình mà anh và Liên đã nặng lời thề thốt.
Nhiều đêm anh thủ thỉ với mẹ, rằng anh muốn quay về với biển để nối nghiệp cha. Mẹ anh thực lòng không muốn quay về, nhưng bà không thể can ngăn, bà biết tính con. Nó muốn làm gì là quyết làm cho được. Nó là chỗ dựa của bà khi xế chiều ngả bóng.
-
Thôi thì tùy con. Nhưng liệu ở quê người ta đã quên vụ đánh cá bằng thuốc nổ năm xưa của con chưa hay con lại vướng vòng lao lý? Mẹ chẳng biết tính sao cho phải, với lại còn chuyện con Liên? Lẽ nào các con lại chia tay?
- Con sẽ không quay về ngoài ấy nữa đâu, mẹ ạ! Con sẽ về miệt biển Ninh Thuận để làm ăn. Con sẽ trao đổi với Liên. Chúng con sẽ chờ nhau. Chúng con còn trẻ, vội gì. Chắc Liên cũng đồng tình. Mẹ đừng lo.
Thế rồi, Khương đột ngột bán vội cơ ngơi tằm tang mới tạo dựng để quay về với biển. Anh nhờ người thân tín về quê tu bổ thuyền và mua sắm ngư cụ, đưa thuyền vào Ninh Thuận. Lần này anh quyết tìm cho ra bí quyết làm ăn của ông Thao. Ngư trường của ông ta nằm ở đâu ở đại dương mênh mông kia. Bí mật ấy chỉ có thể biết được khi có tay trong, có nội ứng. Để thực hiện ý đồ ấy, anh bảo thằng em con ông chú tìm cách vào làm công cho ông Thao vì ông ấy đang cần người làm nghề biển. Nó có tay nghề, thông minh cũng là một kình ngư. Chỉ có nó mới thực hiện được ý đồ ấy. Được ông Thao nhận vào làm công đã sáu tháng nhưng chàng trai ấy không thể xác định được ngư trường đánh bắt của ông ta. Trước sự tò mò thái quá của chàng trai khiến ông cảnh giác. Ông ta luôn thay đổi hải trình khiến chàng trai kia dù có kinh nghiệm cũng không thể xác định được luồng biển thực mà ông nhắm tới. Kế hoạch ấy không thành, anh lại nghĩ ra kế khác. Anh nhớ lại chuyện tình báo. Nữ điệp viên nổi tiếng trong chiến tranh thế giới II, điệp viên thượng thặng Marie Hata. Anh cố thuyết phục Liên đóng vai người buôn cá, tiếp cận con trai ông Thao, làm cho con trai ông ta chết mê chết mệt, say đắm để từ đó moi tin bí mật: “Gái ham tài, trai ham sắc mà”. Mới nghe chuyện, Liên đã giẫy nẩy, rằng anh đã thay lòng đổi dạ. Cuộc sống đang yên bình sao bỗng khùng điên nhất quyết về biển lại còn xui làm việc bất nhân chẳng xem việc tương lai và những lời hứa hẹn với nhau là hệ trọng. Nàng nhất quyết không chịu thực hiện ý đồ ấy với vai diễn viên bất đắc dĩ, diễn viên đóng thế trong vở bi hài kịch ấy.
Nhưng trước những lời năn nỉ khẩn thiết của người yêu, Liên mới chịu vào “vai đóng thế”. Từ đó bí mật làm ăn của ông Thao dần hé lộ nhưng cũng từ đó cùng với thời gian, mâu thuẫn giữa anh và Liên càng ngày càng căng thẳng. Từ yêu vờ đến yêu thật có xa xôi gì. Khả năng chia tay nhau là điều có thể xảy ra. Vì thế, anh và mẹ phải bí mật lặn lội về quê để gặp Liên phân giải, thuyết phục nàng hãy quay lại. Có lẽ, do tình xưa nghĩa cũ còn mặn nồng, tình kia mới chớm với lại nàng rất kính trọng và thương mẹ anh nên Liên đã “quay về”.
Thu xếp xong tình sử “bi hài kịch” do tự mình dàn dựng, đạo diễn, suýt nữa xôi hỏng bỏng không, Khương dốc sức lo làm ăn mong kiếm được tiền để nuôi mẹ và em và cũng để lo việc vợ con như đã hứa với Liên.
Chuyến đi biển ở quần đảo Hoàng Sa hôm ấy của anh chỉ cốt để khám phá ngư trường nên thuyền nhẹ tênh lướt sóng băng băng. Bể lặng, sóng yên, chỉ có điều mặt biển đặc quánh sương mù, hạn chế tầm nhìn, phải căng mắt mới nhìn rõ phía trước. Bỗng anh phát hiện một chiếc “thuyền lạ” đang lao tới với tốc độ khá cao, lộ rõ ý định đánh đắm thuyền anh. Không phút giây do dự anh quay ngoắt mũi thuyền hướng thẳng vào chiếc thuyền lạ đang lao tới, không hề nao núng, tính toán thiệt hơn. Thấy vậy, chiếc thuyền lạ cũng vội ngoặt tay lái quay đầu bỏ chạy. Chiếc thuyền ấy cũng là chiếc thuyền gỗ xoàng xoàng nên hắn sợ. Khương giảm tốc độ của thuyền và dừng lại để quan sát. Hóa ra cái anh chàng kia cũng chỉ là loại miệng hùm gan sứa mà thôi. Có thể anh chàng chưa biết tinh thần dũng cảm của người Việt: “Thọ tử bất ninh thọ nhục” và câu chuyện cổ tích “Trạng chết chúa cũng băng hà / Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”.
Bỗng anh phát hiện dòng hải lưu đang thay đổi, chảy ngược từ Trường Sa lên quần đảo Hoàng Sa và xa xa tăm cá nổi lên dày đặc. Anh cho thuyền bám theo mong phát hiện ngư trường mới cùng lúc ấy chiếc đài nhỏ trên thuyền phát lời kêu cứu khẩn thiết từ sóng của máy bộ đàm đặt tại bến cảng. Anh vội cho thuyền chạy đến tọa độ được đài hướng dẫn.
Khi đã tiếp cận, nhìn rõ thì đó là thuyền đánh cá của ông Thao. Gặp được thuyền bạn đến cứu, ông Thao vui mừng như kẻ chết đi sống lại.
-
Thuyền bác bị hỏng máy đã mươi ngày nay, vô phương cứu chữa mong cháu giúp bác lai dắt về bến. Đã mươi ngày, bác chẳng có gì sống, chỉ ăn cá sống và uống nước sương cầm hơi. Thật là phúc được gặp cháu cứu giúp. Mong cháu hãy làm phúc. Ơn này bác xin ghi lòng tạc dạ không bao giờ quên.
Nghe ông ta giãi bày và Khương cũng thấu hiểu tình cảnh của người làm nghề hạ bạc trên sông nước nên anh sẵn lòng san sẻ gạo nước, diêm thuốc, dầu đèn và nước ngọt... nhưng anh từ chối lai dắt thuyền ông ta vào bờ bởi mối hiềm bí mật ngư trường vẫn còn hằn trong ký ức, mặc cho ông Thao cố van nài với bao lời hứa hẹn.
Anh quay thuyền chạy về bến bỏ mặc ông Thao với con thuyền chết máy trôi dạt bồng bềnh trên biển. Thuyền chạy chừng hơn một hải lý anh lại cảm thấy áy náy trong lòng: “Gặp nạn, nhất là nạn trên biển mà không cứu giúp, đó là một tội ác”. Cha ông đã dạy thế. Ông ta giữ bí mật ngư trường, bí quyết làm ăn cũng là vì thói tham lam ích kỷ, vì miếng cơm manh áo mà thôi. Nghĩ vậy nên anh cho thuyền quay lại lai dắt thuyền ông Thao về bến an toàn.
-
Gặp sự cố trên biển sao bác không phát tín hiệu kêu cứu khẩn cấp (SOS) trên làn sóng quy định.
-
Thì bác có lắp máy bộ đàm và cả máy định vị đâu vì bác sợ lộ bí mật ngư trường mà.
Đó là câu chuyện của năm sáu năm về trước khi mà tình hình biển Đông chưa chộn rộn như bây giờ. Bây giờ ra khơi đánh bắt thường gặp nhiều trắc trở, thiên tai địch họa nhiều hơn, Trung Quốc đang xâm lấn vùng lãnh hải của ta, quấy phá ngăn cản việc làm ăn bình thường của ngư dân, nhưng chúng ta cũng có nhiều thuận lợi, trong đó mô hình tổ hợp tác bạn chài. Đi đánh bắt có đoàn có đội, có tổ chức ngư nghiệp quan tâm tạo thuận lợi. Đặc biệt có sự bảo vệ của đoàn tàu của cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và có thể cả tàu hải quân của ta luôn có mặt, sẵn sàng cứu giúp. Ngày nay, đánh bắt cá không chỉ là chuyện làm ăn, mưu sinh mà còn thể hiện lòng yêu nước, bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc, khẳng định lãnh hải của chúng ta trước công luận thế giới. Những con thuyền của ta giăng lưới bủa câu còn là minh chứng cho chủ quyền biển đảo, những cột mốc sống động, hiện hữu của biển quê hương.
Ở nhà, Liên đang thủ thỉ với con: Cha con đang ở ngoài kia ngoài đại dương cùng các chú, các bác canh giữ biển trời quê cha đất tổ.
Thằng bé toét miệng cười rất tươi dù nó chưa hiểu gì những lời mẹ nó nói.
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU