Giá trị ứng dụng thực tiễn của một tác phẩm viết cho con người, vì con người

09:03, 24/03/2016

Một cuốn sách được ấp ủ "thai nghén" suốt hơn 30 năm vừa mới ra đời đã ghi dấu ấn với độc giả về một người thầy tâm huyết, hết mình cống hiến cho con người, vì con người.

Một cuốn sách được ấp ủ “thai nghén” suốt hơn 30 năm vừa mới ra đời đã ghi dấu ấn với độc giả về một người thầy tâm huyết, hết mình cống hiến cho con người, vì con người.
 
30 năm ấp ủ một công trình
 
Thầy là Lâm Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý xã hội tỉnh Lâm Đồng là “cha đẻ” của cuốn sách “Tâm lý người và quá trình hình thành nhân cách” mà ông dành tâm huyết gần một đời làm thầy để viết nên, vừa được Nhà Xuất bản Sự thật (Chính trị quốc gia) ấn hành. 
 
Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Long được phân công về làm hiệu phó của Trường vừa học vừa làm Lâm Đồng, thầy tiếp xúc với nhiều học sinh xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, những biểu hiện tâm lý khác nhau. Có em trong trường rất nghịch ngợm, cá tính, hay mắc nhiều lỗi, bị nhà trường phạt, nhưng rất tình nghĩa, ra trường nhiều năm rồi vẫn nhớ thầy, nhớ trường mà tìm về thăm; nhưng có em chăm học, đạo đức tốt, tuân thủ nội quy trường học rất chỉnh chu, nhưng ra trường là quên ngay thầy... Thực tiễn cuộc sống, mối quan hệ thầy - trò, vấn đề tình người luôn đặt ra cho thầy một loạt các câu hỏi tại sao. Ý tưởng về một cuốn sách đã ra đời, thôi thúc thầy đi sâu nghiên cứu để tìm được lời giải đáp. Năm 1984, thầy được chuyển công tác về Trường CĐSP Đà Lạt, từ đây, thầy lập đề cương “đặt móng” cho công trình của mình và bắt tay vào viết cuốn sách. Hơn 30 năm (1984 - 2015) vừa dạy các thế hệ học trò, thầy Long vừa thu thập tư liệu, đọc sách tham khảo, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, trò chuyện với nhiều chuyên gia đầu ngành tâm lý để làm sáng tỏ các vấn đề. Như một công trình nghiên cứu tâm huyết của đời mình, có những giai đoạn gian nan, vất vả nhưng thầy quyết tâm không bỏ cuộc. Sự động viên kịp thời của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sự khích lệ của Sở GD-ĐT Lâm Đồng cùng anh em bè bạn đồng nghiệp như chất xúc tác để thầy suy ngẫm và hoàn thành công trình một cách trọn vẹn nhất, khoa học nhất. 
 
Tác giả Lâm Hoàng Long trong buổi ra mắt sách tại Thư viện Lâm Đồng
Tác giả Lâm Hoàng Long trong buổi ra mắt sách tại Thư viện Lâm Đồng

Điều đặc biệt là trong suốt quá trình nghiên cứu và viết tác phẩm của mình, thầy Long cũng bắt đầu thay đổi chính mình. Thầy tự nhận thấy mình chuyển biến qua thời gian: Từ một “công tử con nhà giàu” nóng tính, kiêu, “chảnh”... thầy bắt đầu nắm bắt suy nghĩ, tâm tư, tình cảm mọi người xung quanh, lắng nghe “phần hồn” của người đối diện để có cách ứng xử hợp lý linh hoạt với từng người, từng cá nhân cụ thể. Với đồng nghiệp thầy “đằm tính” hơn, với các thế hệ sinh viên thầy độ lượng và mở rộng tấm lòng, gia đình cũng yên ấm hơn vì sự nhường nhịn và thấu hiểu... 
 
Sau 30 năm, cuốn sách thành hình hài với bản thảo ban đầu 2.000 trang A4, theo yêu cầu của nhà xuất bản, thầy rút ngắn còn hơn 1.000 trang, rồi rút xuống còn hơn 700 trang. Cuốn sách gồm 2 chương: Những nội dung cơ bản để tiếp cận tâm lý người, Tâm lý người và quá trình hình thành nhân cách. Trên cơ sở triết học Mác, tác giả đã đặt con người trong mối quan hệ biện chứng, trong sự vận động và phát triển với tổng hòa các mối quan hệ, hoàn cảnh sống. Tác giả đã đi sâu phân tích những luận điểm về con người, sự vận động và hoạt động của con người, xã hội và môi trường xã hội, tư duy, nhu cầu, lao động, đạo đức, giá trị và hệ thống giá trị, sự phát triển của xã hội loài người; quy luật chuyển hóa con người từ bản năng (mới sinh ra) chuyển thành bản năng có ý thức, ý thức được bản năng (qua giáo dục và lao động). 
 
Dồn tâm huyết vì con người
 
Bìa sách “Tâm lý người và quá trình hình thành nhân cách” của tác giả Lâm Hoàng Long
Bìa sách “Tâm lý người và quá trình hình thành nhân cách” của tác giả Lâm Hoàng Long
Trong thực tiễn cuộc sống, nhiều người học vấn cao nhưng không hiểu được tâm lý người đối diện, bố mẹ học vấn cao nhưng không hiểu được tâm lý của con cái, điều đó đã “châm ngòi” cho các mâu thuẫn tích tụ, không được giải tỏa sẽ dẫn đến những bi kịch, những điều đáng tiếc. Sách đã đi sâu đề cập đến nhiều đối tượng con người được đặt trong mối quan hệ nhiều chiều, nhiều cạnh, nhiều góc độ, tìm cách ứng xử giải tỏa tâm lý tích cực.
 
Đi từ phần tự nhiên bên ngoài, đi sâu vào phần xã hội bên trong con người, đi từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ cái riêng lẻ đến cái chung; từ vấn đề cá nhân con người, tác giả đề cập đến con người cộng đồng. Tác giả nhấn mạnh yếu tố di sản văn hóa dân tộc, những sự kiện lịch sử mang tính thời đại có ảnh hưởng lớn trong quá trình hình thành tâm lý con người Việt Nam. Từ đó tác giả khẳng định: Đất nước nào càng có nền văn hóa sâu gốc bền rễ thì càng có lợi cho nền giáo dục. 
 
Ngay sau khi cuốn sách được tọa đàm, giới thiệu cùng bạn đọc tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã có những nhận định tích cực từ độc giả, từ những người có trách nhiệm quản lý trong ngành giáo dục, ngành tâm lý. Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh (nguyên là Trưởng phòng Giáo dục Đà Lạt) bày tỏ: Nếu làm giáo dục mà không hiểu tâm lý là rất khó khăn. Khi bạo lực học đường xảy ra quá nhiều, mối quan hệ thầy - trò xa rời những đạo lý truyền thống tốt đẹp, tội phạm vị thành niên tăng trở thành nỗi băn khoăn lớn nhất của những người làm công tác giáo dục và có tâm huyết với nền giáo dục. Tác phẩm của thầy Lâm Hoàng Long thể hiện tâm huyết của người thầy trước những trăn trở về vấn đề giáo dục đào tạo con người..”.
 
Cuốn sách có giá trị lớn, nếu đọc kỹ, nghiên cứu kỹ sẽ có một nền tảng lý luận và thực tiễn, từ đó để hiểu về con người ngay từ khi mới gặp lần đầu để có lối ứng xử phù hợp, tạo nên mối quan hệ tích cực, cùng nhau xây dựng một môi trường đáng sống, làm cho mối quan hệ giữa người với người không ngừng tốt đẹp hơn.
Với lượng kiến thức đồ sộ, qua nhiều lần “cắt, gọt” sẽ không tránh được những sai sót, như không kiểm soát hết những lỗi trùng lắp gây cảm giác thừa, hoặc có chỗ lại cắt đi những đoạn, những phần quan trọng không đáng cắt gây hụt hẫng cho độc giả. Vì mang tính học thuật cao khiến sách hơi kén người đọc, và “khó” đọc. Với thời gian “thai nghén” quá dài đến hơn 30 năm, điều đáng trân trọng nhất là sự lao động bền bỉ, dành tâm huyết cho con người, vì con người, vì thế hệ trẻ. Tác phẩm của thầy Lâm Hoàng Long có sức truyền “lửa” cho các nhà giáo, nhà tâm lý, có ích trong việc giải tỏa tâm lý mỗi người, nâng tầm giá trị tinh thần để phần “người” trong mỗi con người không ngừng lan tỏa, tạo nên những con người có tâm hồn, có trí tuệ, có tính người và tình người. 
 
Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu cùng độc giả tác phẩm khảo cứu “Tâm lý người và quá trình hình thành nhân cách” của tác giả Lâm Hoàng Long.
 
QUỲNH UYỂN