Hàng năm, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc, cũng là lúc cộng đồng dân tộc Thái ở đây tưng bừng tổ chức lễ hội Hoa Ban. Và, vào tối 13/3 (5/2 âm lịch) vừa qua, một lễ hội Hoa Ban mang đậm ý nghĩa truyền thống của đồng bào Thái lần đầu tiên được Câu lạc bộ bản sắc dân tộc Thái tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con dân tộcThái tại thị trấn và các xã lân cận.
Hàng năm, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc, cũng là lúc cộng đồng dân tộc Thái ở đây tưng bừng tổ chức lễ hội Hoa Ban. Và, vào tối 13/3 (5/2 âm lịch) vừa qua, một lễ hội Hoa Ban mang đậm ý nghĩa truyền thống của đồng bào Thái lần đầu tiên được Câu lạc bộ bản sắc dân tộc Thái tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con dân tộcThái tại thị trấn và các xã lân cận.
|
Một tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại đêm hội |
Theo bà Lương Thị Nguyệt Linh - Phó Chủ nhiệm CLB Bản sắc dân tộc Thái, trong tiếng Thái, “Ban” có nghĩa là ngọt, đẹp và lễ hội Hoa Ban có một ý nghĩa rất quan trọng đối với người Thái. Bởi, đó là lúc họ thỉnh bái thần rừng, thần hang và hồn vía của mọi người, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và cuộc sống của dân bản yên vui. Hội Hoa Ban còn là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai gái gặp gỡ, hò hẹn. Vào ngày 5/2 (âm lịch) hàng năm, lễ hội Hoa Ban được tổ chức.
Lễ hội Hoa Ban được mở đầu với Lễ sên bản - là phần lễ để cúng thần linh. Lễ vật trong nghi lễ là thịt lợn. Người Thái quan niệm lợn là con vật thông minh, có thể làm trung gian giao tiếp với các thần linh để thỉnh cầu những ước nguyện của dân bản. Lễ vật gồm có: đầu, đuôi, bốn chân, xương thịt, lục phủ, ngũ tạng; mỗi thứ một gói. Và trong lễ vật để dâng tế thì rượu là đồ lễ không thể thiếu trong nghi lễ. Sau khi thầy mo thực hiện xong nghi lễ cúng tế trời đất, tiếp đến là phần buộc chỉ tay cho quý vị đại biểu, bà con tham dự buổi lễ, với ý nghĩa, ai may mắn được “sở hữu” một sợi chỉ tay trong buổi tối hôm nay sẽ may mắn trong năm mới với sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Nghi lễ trên được thực hiện bởi 2 cụ bà Bạc Thị Hiếng và cụ bà Lò Thị Phin - hai bô lão của cộng đồng người Thái tại thị trấn Liên Nghĩa.
Khi phần “Lễ” đã được thực hiện xong, phần “Hội” được tiếp nối với những âm thanh rộn rã của tiếng trống, tiếng chiêng, với những điệu múa vòng, múa sạp; mọi người tay trong tay trong đêm hội điệu xòe hoa… như đưa con người xích lại gần nhau hơn nữa. Cô Hoàng Thị Đoàn (thị trấn Liên Nghĩa) vui vẻ: “Đêm hội rất ý nghĩa, giúp chúng tôi có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, ôn lại truyền thống của dân tộc mình”. Và, trong đêm hội ấy, không chỉ có người Thái ở thị trấn Liên Nghĩa, mà còn có sự góp mặt của cộng đồng người Thái ở các xã lân cận như N’thol Hạ, Tân Hội, Tân Thành và cả người Thái ở huyện Lâm Hà cũng có mặt chung vui. Chị Hoàng Mai (Lâm Hà) hào hứng cho biết: “Chúng tôi ra đây từ sớm. Tôi thấy CLB người Thái của thị trấn Liên Nghĩa tổ chức được hoạt động này rất hay. Chúng tôi hy vọng những năm tiếp theo cứ đến dịp này, bà con lại được sống trong không khí lễ hội vui vẻ và ấm cúng như hôm nay”.
Càng về khuya, đêm hội càng trở nên sôi động và náo nhiệt. Tiếng nhạc, tiếng chiêng nối tiếp nhau hòa vang, tạo nên những âm thanh rộn rã mãi không dứt và những vòng xòe cứ thế tiếp nối… Múa xòe còn thể hiện giấc mơ của người dân về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no, hạnh phúc. “Trước thực trạng lễ hội Hoa Ban đang dần bị mai một, năm 2014, Nhà nước đã tổ chức lễ hội trên ở Điện Biên. Năm nay, lần đầu tiên CLB bản sắc dân tộc Thái tại thị trấn Liên Nghĩa của chúng tôi quyết định tổ chức hoạt động này với mong muốn con cháu tiếp tục giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Và chắc chắn, lễ hội trên sẽ còn được tiếp tục tục tổ chức vào những năm tiếp theo” - bà Lương Thị Nguyệt Linh - Phó Chủ nhiệm CLB Bản sắc dân tộc Thái tại thị trấn Liên Nghĩa cho biết thêm.
THY VŨ