Thầm lặng (truyện ngắn)

09:03, 31/03/2016

Mùa đông ở Ly-ông năm này gay gắt quá. Tuyết rơi đều đều, từng lớp từng lớp.

Mùa đông ở Ly-ông năm này gay gắt quá. Tuyết rơi đều đều, từng lớp từng lớp.
 
Bà Maria Liên trầm ngâm bên cửa sổ nhìn về phía xa xa… Thấy mẹ ngồi lâu, sợ mẹ bị thấm lạnh, Pierơ Hùng đến bên mẹ cất giọng nhẹ và trầm ấm: “Mẹ ơi! Trời lạnh lắm. Mẹ vào trong phòng đi, lò sưởi con đã bật rồi đấy!” Nghe tiếng con trai, bà Maria Liên quay lại nhè nhẹ: “Sao hôm nay con nói tiếng Việt chuẩn thế!”. Không đáp lời mẹ ngay, Pierơ Hùng đỡ mẹ đưa vào phòng rồi anh trầm ấm, nhẹ nhàng trong giọng Việt do mẹ truyền dạy:
 
Minh họa: H.T
Minh họa: Phan Nhân

- Mẹ vẫn dạy con: “Dù sống ở phương nào trên trái đất thì người Việt vẫn là người Việt! Mà con và ba, và mẹ là người Việt mà…
 
- Ấy là mẹ nói thế thôi! Chứ giữa phương trời lạnh này con nói đúng giọng Việt làm mẹ ấm lên đấy.
 
- Mà mẹ có chuyện gì phải không?
 
- Sao con biết?
 
- Thì tự nhiên thấy mẹ buồn buồn rồi lại ngồi lặng bên cửa sổ…
 
- Đúng đấy con ạ! Cứ những ngày này sắp sang xuân là mẹ lại nhớ những năm tháng xưa khi còn trẻ, trên đất quê hương và nhất là…
 
- Thôi con hiểu rồi! Pierơ Hùng ngắt ngang. Mẹ lại nhớ bác Đăng Dương và chiến công treo cờ của tổ sinh viên biệt động Đà Lạt phải không?
 
- Con trai quá hiểu lòng mẹ! (bà Maria nói trong lúc hai hàng lệ trào ra).
 
- Thôi được rồi! Chuyến tới con cùng mẹ bay về Việt Nam rồi lên Đà Lạt thăm lại quê hương mẹ nhé.
 
- Thế thì còn gì bằng! Cám ơn con. Nhưng còn ba thì sao?
 
- Con sẽ gọi Hăngri Sơn từ Pari về thay con và mẹ ít ngày là mọi chuyện đâu vào đấy.
 
Chuyến bay dài hơn ngày đêm đã đưa bà Maria Liên và Pierơ Hùng về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Lấp khoảng trống thời gian, Hùng được mẹ Liên xa xót nhắc lại trên chuyến bay:
 
“Con ạ! Khoảng trên dưới 40 năm rồi. Lúc bác Đăng Dương không về. Ông, bà ngoại sợ mẹ cao tuổi khó xây dựng gia đình nên đã gả mẹ cho ba. Bởi hai gia đình đã đính hôn theo kiểu xưa. Mẹ không còn lý do để khước từ. Vì vậy sau đó mẹ phải theo ba cùng gia đình bên nội của con sang Ly-ông sống cho tới bây giờ”.
 
Phi cơ tiếp đất, Hùng nói với mẹ: “Ôi! Phi trường Tân Sơn Nhất cũng khá hiện đại đấy nhỉ?”. Bà Liên không còn chú ý gì ngoài việc ngắm nhìn sân bay sau bốn mươi năm xa cách. Bà chỉ kịp thốt lên: “Tuyệt!”.
 
Sau vài ngày nghỉ tại nhà bà con ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Liên và Hùng vội vàng trở về Đà Lạt. Hùng thì ngơ ngác, muốn hỏi mẹ nhiều song lại thôi, sợ mẹ mệt. Còn bà Liên cũng ngơ ngác không kèm con trai. Trong đầu bà con đường về Đà Lạt - Sài Gòn xưa nó đi đâu rồi. Nó chỉ còn giống xưa là sự uốn khúc quanh co thôi. Còn hai bên đường 20 bây giờ nhà cửa san sát, cà phê và chè xanh bạt ngàn…
 
Xe trung chuyển đưa Hùng và mẹ về nhà dì Ba. Nhà dì bên sườn đồi cổng có hai cây mimôza vàng như nhà Hùng ở bên Ly-ông. Sự đột ngột của hai mẹ con Hùng về làm dì Ba cùng cả nhà ngỡ ngàng.
 
Chiều ấy, sau khi mẹ Liên bớt mệt, cả nhà trong niềm vui sum họp. Và, cả những người đồng chí của mẹ Liên nữa…
 
Sáng sau, được mẹ đồng ý, Hùng đi theo bác Hằng cùng mọi người. Thế là câu chuyện mà mẹ Liên luôn ấp ủ được diễn lại như một cuốn phim.
 
***
 
Tháng tư, cuối mùa khô bầu trời cao nguyên vút xanh vời vợi. Đà Lạt càng xanh hơn, thẫm hơn bởi rừng thông ngút ngàn. Gió vẫn hào phóng tràn về từng đợt làm cho Đà Lạt vốn đã đẹp lại càng thêm duyên dáng.
 
Dưới tán rừng thông, một tốp sinh viên đi lại nói chuyện với nhau điều gì tỏ ra bí mật lắm…
 
Thấy yên tĩnh, Vũ Hằng làm dấu cho các bạn chụm lại. Năm cái đầu, cả nam lẫn nữ chụm vào nhau. Vũ Hằng nói nhỏ nhưng dứt khoát: “Chỉ còn 15 ngày nữa là đến 1/5. Theo ý kiến từ lãnh đạo “cứ” chuyển về. Chúng ta phải treo cờ trên tháp khu Hòa Bình vào đêm 30/4. Nhiệm vụ cụ thể do “cứ” giao và chỉ có một đồng chí nội tuyến dẫn đường vào “cứ”. Ai xung phong nhận nhiệm vụ này?”.
 
Vũ Hằng chưa dứt lời thì Đăng Dương và Bích Liên nhận lời ngay. Thấy vậy Vũ Hằng chần chừ… Đăng Dương đo được ý bạn: “Chắc lãnh đạo lại ngại vì lai lịch nhà tôi chứ gì. Không sao! Tôi quyết tâm, anh em đừng ngại. Làm cách mạng trước chúng ta còn có biết bao người xuất thân từ gia đình quyền quý hơn tôi kìa”. Thấy Đăng Dương quyết tâm, Vũ Hằng cùng cả nhóm đồng ý cử Đăng Dương vào “cứ”.
 
Tại một khu rừng xa Đà Lạt, Đăng Dương được cởi khăn bịt mắt. Đứng trước anh là một người đàn ông quắc thước. Ông điềm đạm dắt Đăng Dương ngồi vào hòn đá tảng cạnh ông rồi cất giọng trầm trầm:
 
- Thế nào? Đi đường có mệt không cháu?
 
- Dạ thưa chú! Cũng thường thôi ạ.
 
- Thế thì tốt! Hồi hôm chú đã được báo là bữa nay cháu vào. Ở ngoài thành, ba mẹ cháu có khỏe không?
 
- Dạ! Khỏe ạ.
 
- Tốt! Thế cháu đã có người yêu chưa?
 
- Dạ! Co… ó có rồi ạ.
 
- Gớm thanh niên thời đại này mà nói chuyện yêu đương còn lúng túng thế à. Có gì mà ngượng. Ai chẳng thế. Quy luật muôn đời mà. Cố gắng lên! Hết chiến tranh rồi xây dựng gia đình, xây dựng đất nước luôn thể.
 
Ngưng một lát, ông Ba giao nhiệm vụ đột ngột:
 
- Cháu phải treo bằng được cờ Mặt trận giải phóng lên đỉnh tháp khu Hòa Bình vào đêm 30/4. Và, phải trở về an toàn. Được chứ?
 
- Dạ! Cháu hứa!
 
- Nhưng chú hơi băn khoăn.
 
- Sao cơ ạ?
 
- Vì gần đây địch đánh hơi được ta chuẩn bị kỷ niệm ngày 1/5. Vì vậy, chúng tăng viện về Đà Lạt cả tiểu đoàn với vũ khí đầy đủ cháu ạ. Liệu cháu…
 
- Không sao! Dương ngắt ngang lời ông Ba. Cháu nhất quyết sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Vả lại, tổ sinh viên biệt động của cháu rất kiên cường chú ạ!
 
- Chú tin! Song nhớ là công tác này sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong cả hai phía đấy. Nếu cắm được cờ, dân sẽ phấn khởi, địch sẽ hoang mang, vì thế chú phải nhắc cháu. Phải ăn chắc đấy nhé!
 
- Dạ.
 
- Thế còn…
 
- Chắc chú lại nói về gia đình cháu phải không?
 
- Ừ, chú xem cháu có thật sự…
 
- Chú khỏi lo! Dương ngắt ngang. Vì đất nước, vì dân tộc, là thanh niên không được tính toán.
 
- Tốt! Chúc cháu thành công. Ông Ba ôm vai Đăng Dương chia tay. Thay mặt lãnh đạo cứ chú tuyên dương cháu. Hẹn ngày gặp lại…
 
- Cháu cám ơn chú!
 
Ngay đêm ấy, Dương trở về thành phố. Tìm chỗ bí mật, giấu lá cờ xong, Dương về nơi an toàn tạm nghỉ để chờ đêm sau thực thi nhiệm vụ.
 
Đêm Đà Lạt sương buông trắng mọi nẻo đường. Đang đi trên đường vắng giữa hai rặng thông, bỗng Dương sững người khi nghe giọng con gái: “Rừng thông xanh quá!”. Đúng mật khẩu, Đăng Dương đáp lại:
 
- “Hoa hồng sắp nở”
 
- Được rồi! Đi theo tôi.
 
- Tuân lệnh!
 
Hình như là Bích Liên! Dương suy nghĩ vậy mà không dám hỏi. Nhiệm vụ bí mật mà. Lại bất ngờ nữa, vừa tới điểm hẹn, một bóng đen khác bước ra. Một người đàn ông cao to trẻ khỏe cất giọng trịnh trọng nhưng vui vẻ:
 
- Chào người chiến binh!
 
- Úi cha! Chào anh Vũ Hằng.
 
- Thôi được rồi! Chào người dẫn đường đi. Ai đây nào?
 
- Ôi! Bích Liên. Lúc nãy anh cũng đoán là em. Song vì nhiệm vụ bí mật nên anh đành lặng im.
 
- Em chúc mừng anh! Bích Liên vồn vã. Bây giờ ta cùng vào nhiệm vụ anh nhé!
 
Bích Liên nắm chặt tay Đăng Dương kéo đến bên gốc thông. Khác với ngày thường, Bích Liên hôn rất nhanh lên má Đăng Dương, ngầm ý hai người cùng hiểu. Rồi cả ba chụm đầu phác thảo kế hoạch.
 
Con đường vào thành phố càng ngày càng sáng. Song đường phố sao vắng thế. Cả ba hồi hộp. Có một chiếc xe ngựa chở rau vào chợ. Để nhanh hơn và bất ngờ hơn. Vũ Hằng quyết định Đăng Dương và Bích Liên nhờ xe ngựa vào thành phố trước. Còn Vũ Hằng đi sau yểm trợ.
 
Trung tâm thành phố Đà Lạt vàng úa trong ánh đèn bị sương mù che phủ. Đi bên nhau, Bích Liên thủ thỉ:
 
- Anh có hồi hộp không?
 
- Có! Nhưng không đến nỗi nào.
 
- Em cũng vậy! Nhưng…
 
- Nhưng sao em?
 
- Giá kể lúc này anh là người khác thì hơn.
 
- Anh không hiểu ý em?
- Ngày thường anh thông minh thế, sao hôm nay anh lại…
 
- Vì đi bên em. Em hút hồn anh rồi!
 
- Lúc nào anh cũng chỉ tếu thôi.
 
- Thì sao nào? (ôm vai Bích Liên)
 
- Thì em…
 
- Thì em yêu anh càng ngày càng da diết phải không?
 
Không trả lời, Bích Liên gục đầu vào vai Đăng Dương. Chợt từ xa Vũ Hằng ra hiệu thuận lợi. Vội vàng Bích Liên và Đăng Dương tách nhau ra. Hai người cùng đi nhanh vào vị trí quy định. Đăng Dương cởi áo, lấy lá cờ quấn quanh mình ra. Bích Liên lướt nhanh vào chân cầu thang rút súng ngắn cầm tay yểm trợ. Từ cửa nhỏ dưới chân cầu thang, có ba tiếng gõ, đúng ám hiệu, Đăng Dương vượt nhanh qua cầu thang, trườn người lên tháp. Lên cao rồi anh nhìn ra mới thấy chú Ba nói đúng. Vị trí này nhìn lên, xuống đều rõ, thiếu bí mật là mất an toàn. Vừa nghĩ suy, vừa nhanh tay thao tác, lá cờ đã được cột chặt trên đỉnh tháp. Nhanh như cắt, Đăng Dương tiếp đất và chạy vút ra quảng trường. Tên cảnh sát trong đồn một nhìn theo sinh nghi bắn một băng đạn chát chúa. Tiếp theo là súng đạn nổ ran. Đăng Dương dính đạn bị thương nặng. Bích Liên và Vũ Hằng cùng bạn bè đồng đội chuyển anh về “cứ”.
 
Sáng sau, cả trung tâm thành phố, người đông rộn rịp đứng nhìn bọn cảnh sát leo lên tháo lá cờ Giải phóng đang tung bay trên tháp trong ngày 1/5.
 
Truyện ngắn: NGỌC THU